Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiếp cận chọn - bỏ, rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài
Khánh An - 31/08/2019 09:35
 
Cách tiếp cận chọn - bỏ về thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ là một trong những tác nhân kích thích thị trường M&A trong những năm tới.
Với những đề xuất mạnh mẽ theo cách tiếp cận chọn - bỏ của Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm hơn khi góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam
Với những đề xuất mạnh mẽ theo cách tiếp cận chọn - bỏ của Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm hơn khi góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam

Chốt cách tiếp cận chọn - bỏ

Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư phiên bản mới nhất (đang được trình Chính phủ xem xét) đã đề xuất bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục này gồm hai nhóm: nhóm ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và nhóm các ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

“Cách tiếp cận của đề xuất chính sách này là nguyên tắc chọn - bỏ. Có nghĩa là, ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước”, Dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự luật này đã nhấn mạnh như vậy.

Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia về đầu tư cho biết, đây là lần đầu tiên việc công bố danh mục này được đề cập và để thực hiện cũng không hề dễ dàng. “Có thể sẽ có những ý kiến không đồng tình, vì với cách tiếp cận này, phần việc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát các văn bản liên quan sẽ rất lớn, đảm bảo đầy đủ, không bỏ sót”, vị chuyên gia này cho biết.

Để làm tốt việc này, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, các luật, pháp lệnh, các điều ước quốc tế về đầu tư, Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được rà soát, trình Chính phủ cập nhật.

Nhưng phần gánh nặng của các cơ quan quản lý nhà nước còn ở chỗ, sẽ phải rất chi tiết các nội dung của danh mục này với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang là thành viên hoặc sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, để tránh tình trạng triệt tiêu các chính sách có liên quan đến nhau.

Ví dụ, ngay cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức độ mở cửa rất cao về dịch vụ và đầu tư (cũng có cách tiếp cận chọn - bỏ), nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP. Cách quy định tại Luật Đầu tư sẽ cần phải rõ nguyên tắc này, để tránh việc các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia/vùng lãnh thổ không phải thành viên CPTPP sẽ được hưởng cam kết này, ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam và hiệu quả của quá trình đàm phán các FTA…

Tuy vậy, phải khẳng định rằng, nếu chọn cách tiếp cận này, môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam sẽ có bước phát triển lớn theo hướng minh bạch hơn. “Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đọc danh mục, sẽ biết ngay họ chưa được làm gì, có thể đầu tư vào lĩnh vực gì, với các điều kiện ra sao, từ đó cũng xác định rõ quy trình, thủ tục mà họ sẽ phải tuân thủ. Hiện tại, các nhà đầu tư phải tự tìm hiểu, tra cứu nội dung này ở rất nhiều văn bản, từ các cam kết, điều luật đến thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam, khó khăn không hề nhỏ”, vị chuyên gia phân tích.

Nhà đầu tư được tăng độ an tâm

Thực ra, mong muốn có được danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được đề xuất từ lâu. Thậm chí, trong lần tham gia góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư vào hồi tháng 4/2019, luật sư Trần Anh Đức, Công ty TNHH Allen & Over còn thể hiện thái độ thất vọng khi không tìm thấy điều khoản nào liên quan đến danh mục trên.

“Chúng tôi biết việc này khó, vì đụng chạm nhiều hiệp định, hiệp ước, quy định, nhưng nếu để như hiện tại, không rõ trường hợp nào phải đi thực hiện thủ tục đăng ký khi góp vốn, mua cổ phần, trường hợp nào không”, ông Đức nói.

Theo kinh nghiệm của ông Đức, các nhà đầu tư nước ngoài không ngại các thủ tục liên quan đến đăng ký, thậm chí họ đang muốn đăng ký trong mọi trường hợp để đảm bảo… an toàn.

“Lý do là rất khó xác định trường hợp nào rơi vào có điều kiện, trường hợp không, nên tốt nhất cứ đi đăng ký cho an toàn, vì có cơ quan nhà nước xác nhận. Song vấn đề phát sinh là cứ ngành nghề, lĩnh vực đầu tư nào có điều kiện, thì các cơ quan tiếp nhận hồ sơ lại phải gửi công văn đi hỏi ý kiến các bộ, ngành có liên quan. Các nhà đầu tư không bao giờ biết được quy trình hỏi và trả lời giữa các cơ quan nhà nước là bao lâu, nên không biết quy trình thủ tục mà họ cần phải tuân thủ kéo dài thế nào”, ông Đức chia sẻ thực tế.

Thậm chí, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, các thành viên liên kết của VBF tiếp tục nhắc đến rào cản từ các quy định chưa rõ ràng liên quan đến tiếp cận thị trường, ảnh hưởng đến những chậm trễ trong cấp phép. Các thành viên liên kết này gồm các hiệp hội doanh nghiệp Singapore, Australia, Thụy Sỹ, Thái Lan, Ấn Độ...

“Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cần quy định rõ các điều kiện mà các nhà đầu tư nước ngoài cần có và bảo đảm sẽ không tạo ra bất kỳ gánh nặng hành chính quá mức nào cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapre đã thay mặt các thành viên chuyển tải mong muốn.

Như vậy, với những đề xuất mạnh mẽ theo cách tiếp cận chọn - bỏ trên, cơ hội để nhà đầu tư tham gia sâu hơn các hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam sẽ rõ ràng, minh bạch và an toàn hơn.

Một số đề xuất thay đổi về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ khởi nghiệp sáng tạo.

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Phân định rõ điều kiện, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư và điều kiện, thủ tục góp vốn, mua, bán cổ phần của công ty đại chúng; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán...

Thị trường M&A 2019 - 2020: Nhận diện lĩnh vực đột phá
Tài chính - ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng… là những thỏi nam châm thu hút vốn thông qua M&A trong năm 2019 - 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư