Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Tiếp tục cân nhắc lợi - hại việc áp thuế VAT với phân bón
Nguyễn Lê - 14/08/2024 09:34
 
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách vẫn có hai luồng quan điểm về áp thuế VAT với phân bón.
.
Ảnh minh họa của Đức Thanh.

Nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón thì Nhà nước được lợi, doanh nghiệp được lợi còn người nông dân thì chịu thiệt, theo ý kiến tại Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách.

Một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) là nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong sáng nay (14/8).

Đây là Dự thảo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 với nhiều ý kiến khác nhau về mức thuế suất, nhất là với phân bón.

Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi chính sách từ góc độ ngành sản xuất cũng như từ góc độ tác động đối với người tiêu dùng.

Ý kiến khác đề nghị quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất 0% hoặc 2% và được khấu trừ thuế VAT đầu vào hoặc đề nghị tăng thuế đối với những mặt hàng này theo lộ trình.

Nông dân, ngư dân sẽ bị thiệt

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về nội dung này, Thường trực Ủy ban có 2 luồng quan điểm.

Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế VAT như quy định hiện hành.

Vì, VAT là thuế gián thu, người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Luật hiện hành quy định phân bón không chịu thuế VAT nên giai đoạn 2015-2022 các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng thuế VAT đầu vào. Nếu áp dụng thuế 5% với phân bón thì thuế VAT đầu ra là khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng, sau khi bù trừ thuế VAT đầu vào khoảng 1,5 nghìn tỷ, ngân sách sẽ thu thêm khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, nếu thu thuế VAT 5% đối với phân bón thì tác động với 3 chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.

Cụ thể, Nhà nước sẽ tăng thu ngân sách 4,2 nghìn tỷ đồng. Doanh  nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ 1,5 nghìn tỷ đồng thuế đầu vào, từ đó có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm tương ứng số thuế VAT được khấu trừ, tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chính sách thuế VAT giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.

Người nông dân sẽ phải mua phân bón với giá tăng thêm tối thiểu 4,2 nghìn tỷ đồng nếu doanh nghiệp hạ giá bán sản phẩm tương ứng với toàn bộ thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Các sản phẩm nông nghiệp không chịu thuế VAT ở khâu sản xuất bán ra, vì vậy, toàn bộ 4,2 nghìn tỷ đồng thuế VAT đầu vào của phân bón sẽ không được khấu trừ, làm tăng giá thành nông sản, tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ và ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Như vậy, nếu áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón thì Nhà nước được lợi, doanh nghiệp được lợi còn người nông dân thì chịu thiệt.

Vì vậy, cần thiết giữ mặt hàng phân bón thuộc diện không chịu thuế VAT như quy định hiện hành để bảo đảm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, theo quan điểm thứ nhất.

Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với quan điểm thứ nhất này, báo cáo nêu rõ. 

Phân bón chịu thuế VAT 5% sẽ làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước

Quan điểm thứ hai tại Thường trực cơ quan thẩm tra thống nhất với nội dung dự thảo Luật (Cơ quan soạn thảo thống nhất với quan điểm này), đưa nhóm ngành hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản quay lại diện chịu thuế VAT 5%.

Nhiều lý do được đưa ra, trong đó có việc từ năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ucraina, đặc biệt vào năm 2022, các nước hạn chế xuất khẩu, thị trường thế giới khan hiếm nguồn cung đã làm giá phân bón thế giới tăng đột biến. Các nhà máy sản xuất trong nước đã bảo đảm việc cung cấp phân bón cho thị trường với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, góp phần bình ổn giá trong nước. Sản lượng tiêu thụ tăng trong những năm gần đây đã giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, một số đã phục hồi, sản xuất ổn định và có lãi.

Hiện năng lực sản xuất nhiều loại phân bón trong nước đã dư thừa công suất, đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất phân bón thế giới đã dần phục hồi, phân bón nhập khẩu đã dần tăng mạnh trở lại, cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước.

Trong bối cảnh này, nếu không xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón trong hơn 10 năm qua, ngành sản xuất này lại đứng trước rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm, khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Về lâu dài, sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia.

Việc chuyển phân bón sang áp dụng thuế suất 5% sẽ có những tác động nhất định đến đến giá bán trên thị trường. Việc áp dụng thuế suất VAT 5% sẽ tác động tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,% thị phần) vì toàn bộ thuế VAT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ vào thuế đầu ra; các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách Nhà nước sẽ không tăng do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, giá bán thực tế trên thị trường trong nước còn phụ thuộc vào giá phân bón thế giới - hiện đang trong xu thế giảm dần do nguồn cung của thế giới đã dần phục hồi. Với thực tế này, có thể thấy tác động của việc điều chỉnh thuế VAT đến khả năng tăng giá phân bón trên thị trường trong nước là không lớn . Hơn nữa, phân bón là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý như kiểm tra các yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng tồn kho và các biện pháp tài chính tiền tệ khác,... để có thể xử lý một cách phù hợp, bảo đảm giá phân bón được bình ổn ở mức hợp lý.

Để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, loại ý kiến thứ hai này đề nghị đưa các nhóm ngành hàng này quay lại diện chịu thuế VAT 5% như trước đây để bảo đảm bình đẳng trong đối xử về thuế VAT như tất cả các ngành sản xuất khác trong nước. Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan của Chính phủ bảo đảm thực hiện các biện pháp quản lý bình ổn giá đối với phân bón trong trường hợp có biến động lớn về giá trên thị trường trong nước, ngăn chặn các trường hợp trục lợi, làm ảnh hưởng đến nông dân.

Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách và Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý để thể hiện trong dự thảo Luật.

Cũng theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, không thể quy định mức thuế suất 2% hay 0% cho phân bón vì mức thuế 0% chỉ áp dụng cho hàng hàng hoá, dịch vụ khi xuất khẩu và mục tiêu cải cách thuế VAT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị chuyển phân bón sang chịu thuế VAT 5%
Sáng 2/8, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VI nhiệm kỳ 2024-2029. TS. Phùng Hà được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Phân bón...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư