Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tiếp tục đưa 2 phương án đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Nguyễn Lê - 22/08/2020 10:29
 
Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục đưa 2 phương án về đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
.
Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đối tượng cần đánh giá sơ bộ tác động môi trường đã được thu hẹp. Ảnh minh hoạ

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục đưa 2 phương án về đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47 (tháng 8/2020), trong đó có nhiều lưu ý về tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phải thống nhất với các luật về đầu tư

Kết luận này nêu rõ, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là bước đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý môi trường nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay. Tuy nhiên, là luật khó, phức tạp, cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi và những yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là sự thay đổi trong quy định đánh giá tác động môi trường.  

Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thì dự án đầu tư công khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải căn cứ đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư năm 2020 quy định “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” là một nội dung của báo cáo đề xuất dự án đầu tư; đối tượng và nội dung được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tại Dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội Kỳ họp thứ 9 có bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, với những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện , trong khi đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa có quy định này.

Những dự án có tác động xấu đến môi trường gồm: dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư; dự án đầu tư xây dựng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Bên cạnh phương án này (Phương án 1), Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) tính thêm Phương án 2 (Phương án tiếp thu ý kiến đại biểu): “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” của dự thảo Luật là dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện .

Phương án này có ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ và các thủ tục môi trường khác.

Nếu thực hiện phương án này, cũng như Phương án 1 thì phải sửa một số quy định liên quan đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Luật Đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến thay cụm từ “đánh giá tác động sơ bộ về môi trường” (Khoản 6 Điều 31 của Luật Đầu tư công) thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” (Khoản 6 Điều 30).

Thường trực cơ quan thẩm tra nhất trí với phương án 2, tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn không ít băn khoăn.

Tại kết luận phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, cần rà soát quy định bảo đảm thống nhất với các luật mới ban hành, nhất là Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

 Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục đưa 2 phương án về vấn đề này để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chuyển từ phí sang giá

Ngoài nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn lưu ý một số vấn đề lớn khác trong hoàn thiện dự thảo luật.

Cụ thể, về quản lý chất thải, cần quy định cụ thể hơn để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ việc phân loại tại nguồn đến thu gom, vận chuyển, xử lý. Vấn đề chi trả cho việc xử lý chất thải cần được hoàn thiện theo cơ chế thị trường, nghiên cứu việc chuyển từ phí sang giá dịch vụ trong xử lý chất thải; hoàn thiện thêm quy định về trình tự, thủ tục trong quá trình quản lý vấn đề xả thải.

Với thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nghiên cứu chỉnh lý theo hướng không quy định cụ thể, chỉ quy định nguyên tắc trong Luật này để làm căn cứ sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường. 

Về nguồn lực cho bảo vệ môi trường, Thường vụ Quốc hội khẳng định quan điểm toàn xã hội phải có trách nhiệm, nhưng Nhà nước phải dành nguồn lực đầu tư để bảo vệ môi trường; không quy định cứng tỷ lệ nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường. Rà soát quy định các nội dung chi do ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động bảo vệ môi trường để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. 

Một lưu ý nữa từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cần rà soát, cân nhắc việc đưa vào Luật các khái niệm mới như: “tín dụng xanh”, “trái phiếu xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, “thị trường phát thải” cho phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020). 

Thanh kiểm tra 520 đơn vị về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường
520 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư