Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu dùng, bán lẻ vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài
Vân Linh - 21/10/2016 10:35
 
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VVF (Tập đoàn VinaCapital) cho biết, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tình hình kinh tế tăng trưởng khả quan là những yếu tố hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, những lĩnh vực được quan tâm nhất là tiêu dùng và bán lẻ.

Theo bà, đâu là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài?

Đã có 9 công ty nới room 100% kể từ khi có Nghị định 60/2015/NĐ-CP về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài (tháng 6/2015). VinaCapital kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty nới room trong thời gian tới. Bên cạnh đó, VinaCapital kỳ vọng vào chương trình cổ phần hóa, vào công ty niêm yết mới.

Dự định bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước lớn như VNM, BMP, FPT… đã được công bố, trong khi Sabeco, Habeco, MobiFone, Satra và Bến Thành được kỳ vọng niêm yết trong 12 tháng tới, giúp giá trị thị trường tăng thêm khoảng 10 tỷ USD.

.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VVF

VinaCapital cho rằng, tăng trưởng GDP có thể chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ trong năm nay, nhưng sản xuất và xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm. Lạm phát được kiểm soát tốt, nội tệ được điều tiết ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng thêm khoảng 11 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng trưởng tốt, vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 11 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn những điều khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại là gì, thưa bà?

Một số nhà đầu tư cho rằng, thị trường Việt Nam còn quá nhỏ, với tổng giá trị của thị trường chứng khoán chưa đạt tới con số 100 tỷ USD. Qua tiếp xúc, một số nhà đầu tư cho biết, họ muốn đầu tư 30 triệu USD vào một quỹ do VinaCpaital quản lý, nhưng không muốn chiếm quá 10% của quỹ này. Thậm chí, có nhà đầu tư cho biết, khi nào quy mô của Quỹ đạt mức vốn huy động 300 triệu USD thì hãy tìm đến họ để huy động vốn.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều nhà đầu tư ở châu Âu tin vào nền tảng kinh tế cũng như sự tăng trưởng của Việt Nam khi nghe chúng tôi giới thiệu về những tiềm năng của một đất nước với hơn 93 triệu dân, dân số hăng hái lao động, có trí thức tốt và chi phí lao động rẻ. Chính vì vậy, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và đã từng đầu tư vào châu Á khá tin tưởng vào sự tăng trưởng cũng như phấn khích khi tìm hiểu về thị trường Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến những lĩnh vực nào tại Việt Nam?

Tiêu dùng, bán lẻ là những lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm khi có ý định rót vốn vào Việt Nam, bởi dân số Việt Nam có quy mô lớn, trẻ, tỷ lệ dân số phụ thuộc thấp, GDP bình quân đầu người tăng nhanh (bình quân tăng 10,8%/năm trong 5 năm qua). Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ hiện đại tại thị trường Việt Nam hiện mới chiếm 20% giá trị toàn ngành bán lẻ, nên còn nhiều dư địa để phát triển.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cũng là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư nhắm tới. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp, công nghệ và lĩnh vực tiện ích (điện nước…) được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá có nhiều cơ hội để đầu tư. Đây cũng là các lĩnh vực mà Quỹ VVF của VinaCapital nhắm tới.

Tình hình giải ngân của Quỹ VVF ra sao và sắp tới VinaCapital có thành lập thêm quỹ nào không, thưa bà?

Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ VVF đã đầu tư hơn 76 triệu USD và hiện chỉ còn khoảng 10% tiền mặt. Do đó, VVF sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn từ các nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội giải ngân trong thời gian tới.

Tháng 11 tới, VinaCapital sẽ có thêm một quỹ mới, đó là Quỹ VSAF (Access Fund). Đây là quỹ nội địa dành cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị đầu tư khởi điểm từ 5 triệu USD. VSAF là quỹ nội địa thức hai trên thị trường, sẵn sàng xem xét đầu tư vào các công ty có mức vốn hóa dưới 50 triệu USD và các công ty tham gia thị trường UPCoM.

Lần đầu tiên hé lộ bức tranh nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt
Một bức tranh toàn diện hơn về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã bắt đầu được vẽ, sau khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư