Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Tìm cơ chế hút dòng vốn tỷ USD vào tín dụng xanh
Trần Mạnh - 06/12/2023 08:31
 
Cơ hội nhận nguồn tài trợ xanh từ các tổ chức quốc tế với Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để tiếp nhận nguồn vốn này, khung pháp lý về tín dụng xanh phải hoàn thiện hơn nữa.
Agribank là một trong những ngân hàng tài trợ tín dụng xanh tích cực nhất. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng tích cực thúc đẩy tín dụng xanh

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tín dụng xanh. Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh là các ngành hút tín dụng xanh nhiều nhất.

Trong số các ngân hàng thương mại, Agribank là một trong các ngân hàng tài trợ tín dụng xanh tích cực nhất. Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank tăng trưởng ổn định qua từng năm.

Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh của Agribank tăng trưởng mạnh ở mức 100 - 380%/năm. Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô, như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế ở nhiều nước…, nên tốc độ tăng trưởng dư nợ có giảm nhẹ, nhưng vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng. Đến ngày 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ, chủ yếu lâm nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo.

“Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”, bà Bình cho biết.

Được biết, ở các nước, nguồn tài chính xanh phát triển khá đồng đều (tín dụng xanh, trái phiếu xanh…), trong khi ở Việt Nam, tài chính xanh chủ yếu tập trung vào tín dụng. Số lô trái phiếu xanh phát hành thành công đếm trên đầu ngón tay.

Tín dụng xanh ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, theo bà Bình, do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, cơ chế và khung khổ pháp lý cho việc tạo nguồn và giải ngân vốn tín dụng xanh còn chưa hoàn thiện. Cụ thể, pháp luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về các sản phẩm tín dụng phục vụ tăng trưởng xanh. Cơ chế ưu đãi và khuyến khích của Chính phủ, các bộ, ngành đối với tín dụng xanh còn chưa rõ ràng.

Thứ hai, việc đầu tư vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường, nên có chi phí cao, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư.

Thứ ba, nhận thức của người vay, của nông dân... về tín dụng xanh còn hạn chế, sản xuất mang tính lợi ích trước mắt, bỏ qua các quy chuẩn về hàng hoá, môi trường.

Thứ tư, các ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm trong thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, quản lý rủi ro… trong lĩnh vực này.

Tìm cơ chế hút vốn ngoại

Là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, như năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải…

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường. Công ty Tài chính quốc tế (IFC) ước tính, đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030.

“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam đã và hoàn toàn có thể tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế, đáp ứng được nhu cầu phát triển phù hợp với các cam kết của Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng cao khả năng tiếp nhận nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế, cần cải thiện khung pháp lý về tín dụng xanh cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, ông Hùng nhận định.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại trong nước đã nhận được khoản tài trợ hàng tỷ USD từ các định chế tài chính nước ngoài vào các dự án xanh. Bà Phùng Thị Bình cho hay, Agribank đang chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, quỹ tín thác tín dụng xanh… để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.

Tuy vậy, khi thu hút nguồn vốn xanh của các định chế tài chính quốc tế, các chuyên gia cũng cảnh báo Việt Nam cần tránh rủi ro “tẩy xanh” (greenwashing). Những gian lận trong việc tẩy xanh gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, vấn đề gian lận sẽ làm tăng rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, để hạn chế “tẩy xanh”, cơ quan quản lý cần xây dựng những tiêu chuẩn và khung báo cáo về phát triển bền vững đáng tin cậy để tạo tiền đề cho việc báo cáo minh bạch. Đồng thời, phải liên tục hoàn thiện khung pháp lý về quy định xanh và đưa ra các chế tài đủ mạnh với hành vi tẩy xanh.

Nhằm góp phần thúc đẩy việc hấp thụ vốn tín dụng xanh, các cơ quan liên quan cần rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành Danh mục Phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon...

Bên cạnh đó, tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank
Tăng trưởng và tín dụng xanh
Tăng trưởng xanh (bao gồm sản xuất xanh, chuyển đổi năng lượng xanh) đang trở thành xu hướng toàn cầu, được nhiều nền kinh tế quan tâm, đòi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư