Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tìm cơ chế phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững
Quý Hưng – Phương Liên - 03/07/2023 14:28
 
Sáng ngày 3/7, tại Khách xá Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" chính thức khai mạc.

Hội nghị do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức từ ngày 2/7 - 4/7/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: Ninh Bình hiện còn lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014.

Nhận thức rõ những giá trị đó là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững; cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, sau hơn 30 năm tái lập, kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển “Xanh và Bền vững”, kinh tế tỉnh Ninh Bình những năm qua đã vươn lên, phát triển hài hòa trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp và Dịch vụ, nhất là ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ năm 2022 đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Các đại biểu dự Hội nghị.

“Việc phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” là dịp để tỉnh Ninh Bình giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa, tự nhiên và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô. Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình và các tỉnh có di sản thế giới nói riêng, các đối tác toàn cầu nói chung đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn chung về thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định.

Đặc biệt, Ninh Bình mong được các chuyên gia, bạn bè, đối tác chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc khẳng định: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững.

Bên cạnh những thành công, ở một số địa phương vẫn đang trăn trở trước những thách thức, phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO. Nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững chưa thực sự thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên.

Hội nghị quốc tế lần này có ý nghĩa quan trọng và được lãnh đạo UNESCO đánh giá cao như một sáng kiến đầu tiên trên thế giới bao quát tất cả danh hiệu UNESCO tại một quốc gia, thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, thúc đẩy giáo dục và khoa học ở các tầng nấc khác nhau.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng đề xuất Hội thảo tập trung thảo luận 3 nội dung chính.

Thứ nhất, các bài học kinh nghiệm, chia sẻ của các địa phương về các câu chuyện thành công trong việc phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.

Thứ hai, các thách thức hiện hữu mà nhiều địa phương đang phải đối mặt trong việc bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO. Thứ ba, các bài học điển hình quý giá, các giải pháp sáng tạo để phục vụ phát triển bền vững của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thay mặt Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động, hợp tác với các đối tác, nhất là với UNESCO. Quan hệ Việt Nam - UNESCO là hình mẫu tốt về hợp tác hiệu quả, ở đó Việt Nam - UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và đều rất kiên trì, bền bỉ trong thực hiện các cam kết.

Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia 4 công ước của UNESCO về lĩnh vực di sản văn hóa; 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; là một trong các quốc gia đầu tiên tổ chức hoạt động kỷ niệm hướng tới Lễ Kỷ niệm toàn cầu 50 năm Công ước Di sản Thế giới của UNESCO.

Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị bước vào các thảo luận, trong đó phiên 1 có chủ đề Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; phiên 2: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Phiên 3 với chủ đề: Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững diễn ra vào chiều 3/7.

Theo lịch trình, ngày mai, 4/7, các đại biểu tham quan Di sản Thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An và Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc.

Đẩy nhanh tiến độ trình UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới
Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới được Quảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư