Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tìm điểm kích hoạt động lực tăng trưởng - Bài 1: Cục diện cần xoay chuyển
Khánh An - 21/10/2021 08:09
 
Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang trong trạng thái suy giảm khá sâu, nhưng lại dồn tích nguồn năng lượng lớn. Đây là thời điểm cần nhận diện đúng để thấy cục diện cần xoay chuyển.

Nền kinh tế đang thận trọng chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Bước mở cửa đã bắt đầu, nhưng để xoay chuyển cục diện, tìm được điểm kích hoạt các động lực tăng trưởng, đưa nền kinh tế sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại, cần có những quyết sách nhanh, nguồn lực lớn và quan trọng nhất là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.

Bài 1: Cục diện cần xoay chuyển

Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang trong trạng thái suy giảm khá sâu, nhưng lại dồn tích nguồn năng lượng lớn. Đây là thời điểm cần nhận diện đúng để thấy cục diện cần xoay chuyển.

Sức lò xo bị nén

Vài giờ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vài trăm doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi trực tuyến về vận hội mới.

Lý giải về góc nhìn có vẻ “quá sáng” và cả tâm lý sốt ruột trong bối cảnh cơn bão Covid-19 vừa qua đỉnh, nhưng tàn dư vẫn nặng nề và chưa thể tính hết, các doanh nghiệp đã nói về nhu cầu tồn tại đang như lò xo bị nén và giờ có thêm động lực mới. Cũng thời điểm này năm ngoái đã chứng kiến sự bật lại rất mạnh của các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay tháng đầu quý IV, sau khi dịch bệnh được kiểm soát trong quý III.

Bởi vậy, vận hội mà giới doanh nhân đặt kỳ vọng rất lớn khi chọn nhìn vào tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 9-9,5% của kinh tế Việt Nam vào năm 2022 theo dự báo của Dragon Capital, vượt rất xa dự báo tăng trưởng 6,5-7% của Ngân hàng Thế giới (WB), 7% của Ngân hàng Standard Chatered hay chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đang đặt ra.

Chính chuyên gia của Dragon Capital cũng tin tưởng vào sức bật từ nhu cầu nội tại đang dồn tích trong các doanh nghiệp. “Covid-19 đã làm doanh nghiệp quy mô lớn bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đây chính là khu vực sẽ phục hồi rất nhanh, thậm chí sẽ bùng nổ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư của Dragon Capital lý giải cơ sở cho con số dự báo “vượt tầm” trên. Tất nhiên, nền tảng của sự bùng nổ này là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, dư địa để có nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp lớn...

Trong bối cảnh này, nguyên tắc các địa phương không được quy định trái với quy định của Trung ương trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế mà Nghị quyết 128/NQ-CP đưa ra được kỳ vọng sẽ nối lại đứt gãy chuỗi lưu thông, từ đó kết nối nhanh chuỗi sản xuất.

Lĩnh vực dịch vụ sẽ trở lại chậm hơn, tùy thuộc vào tiến độ mở cửa hàng không, vận tải hành khách toàn cầu, nhưng có nhiều “cửa sáng” khi cuộc đua thay đổi theo tâm lý người tiêu dùng được gắn với chuyển đổi số, với kinh tế số đang tạo nên sự thay đổi về tư duy kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt.

“Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang sắp xếp lại hoạt động sau tác động của đại dịch, nên có thể khựng lại một chút trước khi bắt tay vào kế hoạch mới. Đây là thời điểm để doanh nghiệp trong nước có thể tranh thủ làm chủ cuộc chơi”, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bắc Việt hào hứng.

Những cơ hội trước mắt được đặt trong tầm nhìn dài hạn là sức tăng mạnh của tầng lớp trung lưu và sự hấp dẫn tiếp tục của Việt Nam trong giới đầu tư - kinh doanh toàn cầu, được doanh nghiệp coi là vận hội mới không thể bỏ qua.

Các động lực tăng trưởng bấp bênh

Nhưng đó là bức tranh kinh tế và vận hội mới sau rất nhiều chữ nếu. Kể các hợp đồng đang tăng lên của khu vực sản xuất mà ông Trần Anh Vương nhắc đến cũng là câu chuyện của một vài tháng tới. Còn lúc này, ông Vương nói rằng, màu xám vẫn là chủ đạo.

“Chắc là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã suy kiệt sẽ phải chấp nhận ra đi, nhưng tương lai cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác cũng chưa rõ ràng, vì mọi thứ quá khó. Cầu thiếu. Lao động thiếu. Vốn thiếu. Trong khi đó, thực thi chính sách vẫn bấp bênh, không biết đã sang hẳn trạng thái bình thường mới chưa..., khiến cả doanh nghiệp lớn và nhỏ vẫn phân vân”, ông Vương chia sẻ.

Với tâm trạng này, bài toán “bung ra” của doanh nghiệp sẽ khó nhanh được. Như vậy, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đã suy giảm sâu trong quý III/2021, dù có nhiều điều kiện, nhưng chưa tìm được điểm kích hoạt để tăng trưởng trở lại.

Đây là điều mà ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lo ngại nhất khi nghiên cứu các phương án đề xuất cho Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 mà Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện.

“Tăng trưởng đầu tư tư nhân các năm trước đều ở mức cao, khoảng 15-17%/năm, nhưng năm nay, chỉ còn 3,9% trong 9 tháng đầu năm. Phải nhắc lại là, quý III/2020 cũng đã ghi nhận mức tăng rất thấp, chỉ 2,8% so với cùng kỳ. Cả năm ngoái, đầu tư tư nhân chỉ tăng 3,1%. Nếu loại trừ yếu tố lạm phát, thì mức tăng chỉ còn 1,7%”, ông Cung phân tích.

Trong khi đó, đầu tư công - vốn là bệ đỡ tăng trưởng của năm ngoái với mức tăng 34,5% - đang chậm lại khá rõ: 9 tháng mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi năm ngoái, tỷ lệ này là 56,33%. Khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như im tiếng trong nền kinh tế, kể cả tác động cải cách thể chế để đẩy nhanh kế hoạch tái cơ cấu như kỳ vọng của giới chuyên gia khi dịch bệnh xuất hiện. Tính đến hết tháng 9/2021, mới có 3 phương án cổ phần hóa của 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được phê duyệt. Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp. Hà Nội, TP.HCM gần như còn nguyên phần việc phải làm.

Đặt biệt, động lực tăng trưởng phía Nam, gồm TP.HCM và vùng xung quanh, đang yếu dần.

Chuyện gì đang xảy ra ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

Vấn đề là sự suy yếu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không chỉ do đợt dịch lần thứ tư.

“Dịch bệnh phát lộ những tồn tại của khu vực này. Sự suy giảm đã bắt đầu trong vài năm trở lại đây, khi so sánh với tốc độ tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cũng như đóng góp vào tăng trưởng của cả nước”, ông Cung đặt vấn đề.

Tỷ trọng của khu vực này trong GDP cả nước đã giảm dần trong 10 năm qua, từ 39,7% năm 2010, xuống còn 37,7% năm 2020. Tính riêng biệt, ngoài TP.HCM ở vai đầu tàu rõ nét, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai có xu hướng tăng nhẹ, còn các địa phương khác đi ngang. Bà Rịa - Vũng Tàu có sự trồi sụt theo hướng đi xuống.

Ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hải Phòng, Quảng Ninh đang nổi lên là 2 ngôi sao của nền kinh tế, các địa phương còn lại đều có mức tăng trưởng cao hơn, đồng đều hơn các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng và logistics của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ bằng 2/3 so với phần đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, dù giá trị và khối lượng hàng xuất khẩu qua cảng ở phía Nam chiếm quá nửa khối lượng và giá trị xuất khẩu qua các cảng trên cả nước.

Hệ lụy là ách tắc ở khu vực năng động nhất kéo dài, chi phí logistics bị đẩy cao, tác động lớn tới năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

“Câu hỏi buộc phải đặt ra vào lúc này là, với hiện trạng hiện nay, khu vực này có còn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế không, có đang được đầu tư để thực sự là động lực hay không? Câu trả lời là không!”, ông Cung thẳng thắn.

Ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng tình với cách nhận định của ông Cung. Thậm chí, ông Thắng lo ngại, câu hỏi này sẽ khó trả lời hơn khi nhìn vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trong kế hoạch này, một số đô thị đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nhưng lại chưa rõ chính sách ưu đãi theo hướng ưu tiên cho những dự án đầu tư trọng tâm của chính đô thị đó.

Ông Thắng cũng nhắc đến Quyết định số 1538/2021/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức hướng đến mục tiêu trở thành “trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia; hay việc xác định Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) là những cảng lớn nhất nước, có ý nghĩa quyết định đối với kinh tế hàng hải của Việt Nam cũng như quyết định đối với với phát triển logistics, giảm giá thành vận tải, phục vụ phát triển hai hệ thống khu công nghiệp tập trung ở hai đầu đất nước.

“Muốn TP. Thủ Đức thành trung tâm tri thức, khoa học, tài chính, thì phải có chính sách ưu tiên phát triển nhanh trong một thời gian nhất định cho 3 lĩnh vực đó. Muốn Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm logistics, thì phải ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt (vận chuyển container) nối từ các cảng này vào các tỉnh/thành phố, khu công nghiệp trong nội địa... tại hai thành phố cảng này trong 5 năm tới...”, ông Thắng nói.

Vấn đề là ách tắc của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như sự chậm trễ trong các kế hoạch tái cơ cấu khu vực này đang kéo nền kinh tế không chỉ chậm lại ở tốc độ, mà ở cả hiệu quả và chất lượng tăng trưởng.

(Còn tiếp)

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nguy cơ suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế, xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ Hai của Quốc hội khoá XV.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư