Thứ Tư, Ngày 16 tháng 04 năm 2025,
Tìm giải pháp đa đạng hóa thị trường xuất khẩu
Yến An - 16/04/2025 15:45
 
Các giải pháp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp đang làm không chỉ nhằm ứng phó với tình thế trước mắt.

Doanh nghiệp Việt đang tỏa đi khắp thế giới

Tháng tới, khoảng 150 doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA năm 2025, dự kiến ​​diễn ra từ ngày 11 đến 14/5 tại National Harbor, Maryland (Hoa Kỳ). Thông tin này vừa được ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ. So với hội nghị năm ngoái, số doanh nghiệp Việt đăng ký tham gia đã tăng lên gấp đôi.

“Doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh lên, có thể chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài, tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới. Vừa rồi, một số doanh nghiệp dệt may chia sẻ, họ đang lên kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Ai Cập. Mối quan tâm của doanh nghiệp Việt với thị trường Nam Mỹ cũng đang tăng mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh về thị trường, mối quan hệ với đối tác toàn cầu đang hợp tác chặt chẽ với VCCI để tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Không phải ngẫu nhiên ông Công chia sẻ các thông tin trên, cũng như các kế hoạch xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới đang được VCCI thiết kế, thúc đẩy. “Cơn địa chấn” mang tên thuế đối ứng của Hoa Kỳ buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nhất là chiến lược đa dạng hóa thị trường.

Việt Nam nên đẩy nhanh việc thực hiện các FTA, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Một số thị trường lớn có thể nhắm tới là châu Âu, Anh, các nước châu Á như Hàn Quốc. Việc đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu cũng giúp Việt Nam tăng cường hội nhập và phát triển kinh tế giữa bất ổn toàn cầu, qua đó giảm ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ.

- Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

“Lâu nay, các doanh nghiệp FDI được xác định tận dụng tốt hơn 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhưng bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam phải khai thác tối đa. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với từng nhóm doanh nghiệp, trong từng lĩnh vực, để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp phù hợp”, Chủ tịch VCCI chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Ý thức về đa dạng hóa thị trường

Phải thẳng thắn, ý thức về đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường của doanh nghiệp đã có, song việc triển khai thực sự không dễ. Thậm chí, không ít doanh nghiệp thừa nhận có xu hướng tập trung nhiều vào các thị trường lớn, sẵn đường đi, đơn hàng đã có, sản xuất đang vào guồng…

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, việc này buộc phải làm bằng mọi giá.

“Tôi vừa trở về từ Ấn Độ. Họ cũng đang rốt ráo thu hút đầu tư, tận dụng các lợi thế thương mại, thuế quan so với các đối tác. Khi cả thế giới đang tìm kiếm thị trường mới, thì đặt ra bài toán đa dạng thị trường là rất khó, nhưng phải đặt ra, phải làm, theo đúng nghĩa là muộn còn hơn không. Nếu không đa dạng hóa, không tự chủ, tự cường, doanh nghiệp Việt không khó lúc này thì sẽ thua lúc khác. Điểm yếu khi ‘bỏ trứng vào một giỏ’, thụ động hưởng lợi từ thương mại toàn cầu đã lộ quá rõ, không thể kéo dài”, bà Hương thẳng thắn.

Điều này có nghĩa, các giải pháp mà doanh nghiệp cần làm không chỉ nhằm ứng phó với tình thế trước mắt, mà phải là sự thay đổi mang tính chiến lược, từ việc đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, đến cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, sạch, nâng cao năng suất…

Đặc biệt, bà Hương chia sẻ, bên cạnh các giải pháp mà doanh nghiệp đang chủ động thực hiện, như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác tối đa các thị trường có FTA với Việt Nam, xúc tiến thị trường ngách, thì cần chiến lược để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, minh bạch chuỗi cung ứng, tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ…

“Chính phủ cũng cần tính tới tăng nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ. Là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, chúng tôi đánh giá cao chất lượng các sản phẩm công nghệ của Hoa Kỳ để phục vụ gia tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Điều này cần cho cả hai bên”, bà Thúy Hương đề xuất.

Chờ sự hậu thuẫn nhiều hơn từ phía Nhà nước

“Tôi vừa có cuộc nói chuyện với 20 doanh nghiệp hàng đầu Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản. Họ nói khá ‘tủi thân’ khi nhìn thấy sự hỗ trợ từ phía nhà nước của các đối tác của họ khi tham gia cùng một hội chợ quốc tế”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ về khó khăn mà doanh nghiệp đang đối diện khi tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thực tế, việc tận dụng FTA của doanh nghiệp nội chưa cao, cả về thị trường, thuế suất…, một phần do nội lực của doanh nghiệp còn yếu, nhưng có phần thiếu sự hậu thuẫn, hỗ trợ của Nhà nước trong kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường toàn cầu. 

“Một trong những bài học từ các cuộc chiến thương mại là đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Chính phủ đã thành công trong đàm phán các FTA, doanh nghiệp cũng làm được khá nhiều việc, nhưng có lẽ, đầu tư cho xúc tiến thương mại của Việt Nam chưa thực sự đủ mạnh”, ông Tuấn nhận định.

VCCI và nhiều hiệp hội đang đề xuất thay đổi cách thức hỗ trợ xúc tiến thương mại theo hướng mở rộng sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của hoạt động này. 

Tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu gạo
Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán mở cửa thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống, đảm bảo xuất khẩu gạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư