Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tìm hiểu về thoả thuận MADA của Google với các nhà sản xuất
Minh Cao (PC World VN) - 09/06/2015 18:35
 
Tuyên bố của Google về sự cởi mở của thỏa thuận sử dụng hệ điều hành Android đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và công bằng sau khi bản thỏa thuận với các nhà sản xuất thiết bị năm 2011 được tiết lộ.

Android – hệ điều hành mở trừ kho ứng dụng

Những điều khoản giữa Google và nhà sản xuất phần cứng có tên Thỏa thuận Phân phối Ứng dụng Di động (MADA - Mobile Application Distribution Agreement) được giữ kín và rất ít khi được tiết lộ với công chúng. Những điều khoản gần đây mới được tiết lộ trích từ bản thỏa thuận từ tháng 1/2011- chỉ một tháng trước khi ra mắt phiên bản Andoird 3.0. Và nội dung này đã cho thấy cảnh khó khăn mà các nhà sản xuất phải vượt qua để được cấp phép sử dụng Google Play. Mọi điều khoản trong bản thỏa thuận này dành cho Samsung và HTC, được ký bởi giám đốc điều hành bộ phận Android tại thời điểm đó là Andy Rubin.

Văn bản cho thấy rằng hiệp định phân phối ứng dụng di động thiếu tính cạnh tranh và không có lợi với người tiêu dùng.

Để có được các ứng dụng di động quan trọng, bao gồm cả chương trình tìm kiếm của Google, Maps và YouTube, các nhà sản xuất phải chấp nhận cài đặt tất cả các ứng dụng của Google mặc định, kèm theo vị trí nội dung trên màn hình hiển thị phải thực sự nổi bật. Giám đốc phụ trách phát triển Android Dan Morrill từng tuyên bố rằng "Android là một nền tảng mở cho phép các nhà sản xuất làm những điều mà chúng tôi muốn".

Những yêu cầu và tuyên bố như vậy cho thấy sự trái ngược so với những gì mà Android hay Google đã tuyên bố về tính mở của hệ điều hành. Điều khoản quan trọng nhất trong bản thỏa thuận năm 2011 chỉ ra rằng "thiết bị chỉ có thể được phân phối nếu tất cả các ứng dụng Google được cài đặt sẵn trên chúng". 

Có 2 tầng ứng dụng của Google được xác định sẽ hiện diện trên các thiết bị của nhà sản xuất. Tầng thứ nhất sẽ là Set-up Wizard, Google Phone-top Search, Gmail, Google Calendar, Google Talk, YouTube, Google Maps for Mobile, Google Street View, Contact Sync, Android Market Client, Google Voice Search, và Network Location Provider.

Ngoài tầng chính đó ra thì lớp thứ 2 là những ứng dụng tùy chọn của Google được thỏa thuận với nhà sản xuất gồm Orkut, Google Goggles, Google Earth, Finance, News&Weather Google Buzz và Google Voice.

Bản thỏa thuận năm 2011 cũng đặt ra một nội dung nhằm hạn chế các nhà sản xuất (OEM) phát triển hệ điều hành Android “bất cứ hành động nào có thể gây ra hoặc dẫn đến sự phân mảnh của Android" và đặc biệt không cho phép phân phối hoặc khuyến khích một bên thứ ba "phát triển hệ điều hành có nguồn gốc từ Android"

Google có toàn quyền kiểm soát ứng dụng địa phương tại các nước mà Android được phát hành. Điều này cho phép Google hạn chế các ứng dụng của mình trên Play Store xuất hiện trên các kho ứng dụng cạnh tranh như Amazon hay Samsung.

Chủ sở hữu nền tảng Android cũng quy định các ứng dụng Google phải được phân phối miễn phí, và các OEM không được sửa đổi hay chỉnh sửa thiết kế. Ngoài ra các quảng cáo cũng không được phép xuất hiện xung quanh ứng dụng của Google.

Một điều khoản khác mang tính ép buộc khi Google yêu cầu các OEM nộp báo cáo hàng tháng về số liệu bán hàng thiết bị Android. Google biết chính xác có bao nhiêu thiết bị Android được bán ra, và điều khoản này quy định rằng các OEM cũng phải báo các các sự cố về ứng dụng Google, các vấn đề gặp phải tại mỗi địa phương mà Andoird xuất hiện. Thỏa thuận năm 2011 cũng khẳng định rằng tất cả lợi nhuận sinh ra từ các dịch vụ của Google sẽ phải trả về cho hãng này.

Sau khi đã đáp ứng những thỏa thuận trong MADA, nhà sản xuất còn phải thực hiện bước thử nghiệm sản phẩm. Theo đó các nhà sản xuất phải cung cấp ít nhất là 4 thiết bị cùng model để hãng kiểm tra về sự tuân thủ thỏa thuận MADA. Google sẽ kiểm tra các thiết bị này tại các quốc gia khác nhau, các nhà cung cấp dịch vụ và bất cứ bản cập nhật nào cũng phải được sự chấp thuận của Google,mặc dù hãng này luôn tuyên bố rằng “có thể cập nhật bất cứ ứng dụng nào ––khi nào bạn muốn và các OEM không được ngăn chặn bất kì dưới mọi hình thức”.

Nếu Google không cấp phép thì các thiết bị này sẽ không thể xuất hiện trên thị trường. Các thỏa thuận cấp phép sử dụng các ứng dụng Google hết hạn sau hai năm, và lúc đó sẽ có cuộc thương lượng lại nếu OEM muốn tiếp tục bán các thiết bị đã được cấp phép. Nhiều nhà sản xuất, nổi bật là Amazon hay các hãng đến từ Trung quốc dùng mã nguồn mở Android mà không sử dụng thỏa thuận Phân phối Ứng dụng Di động của Google. Điều đó có nghĩa là họ bị hạn chế, không được sử dụng kho ứng dụng Store của Google.

Những tài liệu về thỏa thuận của các OEM với Google cho chúng ta thấy rõ về hệ sinh thái Android và có cái nhìn sâu sắc về cách mà Google đang kiểm soát độ mở của hệ điều hành này. Thỏa thuận này còn áp dụng vào các điều khoản bảo mật và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng cá nhân. Điều mỉa mai và “mặt dày” nhất của Goolge trong bản thỏa thuận 13 trang này là “Thiết bị mở. Các bên sẽ tạo một môi trường mở cho các thiết bị bằng cách cho phép các sản phẩm Android và Giao diện lập trình ứng dụng giao thoa với nhau, không được hạn chế hoặc ngăn cản phát triển của nền tảng hệ điều hành Android - Trích đoạn 2.6 mục Google Applications trong MADA 2011”.

Ben Edelman - Giáo sư kinh tế học đến từ Harvard, người từng là nhà tư vấn cho các đối thủ cạnh tranh của Google ví dụ như Microsoft về các vấn đề liên quan đến gian lận quảng cáo trực tuyến đã có những cáo buộc đối với nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm này. Ông cho rằng việc sử dụng hợp đồng liên quan đến mã nguồn mở Android để hạn chế các đối tác là hành vi bất hợp pháp và cần được xem xét bởi cơ quan quản lý .

Thị trường hệ điều hành cho điện thoại thông minh hiện nay chỉ có hai HĐH chính là Android và Windows Phone. iOS của Apple không nằm trong thị trường này, bởi vì nó không có sẵn cho các nhà sản xuất thiết bị khác. Trong quý 4/2013, thị trường HĐH cung ứng với sự thống trị của Android rất rõ ràng khi chiếm tới 80%, Windows Phone chiếm 17% và 3% còn lại là dành cho các HĐH khác.

Có không ít những hành vi cạnh tranh tương tự như vậy, điển hình là những vụ liên quan đến Apple và Microsoft. Trong trường hợp của Microsoft, nỗ lực của hãng để loại bỏ trình duyệt cạnh tranh Netscape và hạn chế các API (giao diện lập trình ứng dụng), tài liệu chống độc quyền Mỹ và Liên minh châu Âu năm 1998 đã nêu rõ trong phần tố tụng. Microsoft sau phán quyết của EU về chống độc quyền đã phải cho phép người dùng lựa chọn trình duyệt trong Windows để thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Apple năm ngoái đã bị kết tội vì đã cấu kết với một số nhà xuất bản để nâng giá sách điện tử và hiện nay vẫn đang trong quá trình bị giám sát bởi tòa án. Trong năm 2010, Apple, cùng với Google, Intel, Adobe, Intuit, và Pixar, bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra với cáo buộc họ đã ngầm thỏa thuận “không săn trộm chất xám của nhau”.

Và Apple đã thực hiện các hành động khác mà không phải chịu thách thức pháp lý, hạn chế trong việc cạnh tranh công bằng nhưng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Bản thỏa thuận hoạt động của iOS đã loại bỏ Adoble và Oracle/SunJava trên các thiết bị của Apple. Trong năm 2010, Apple cũng đã từ chối phê duyệt ứng dụng Google Voice vì lý do "sự xuất hiện của ứng dụng này có thể làm thay đổi trải nghiệm đặc biệt của người dùng đối với iPhone" (Đối mặt với sự giám sát của FCC, sau này Apple đã phải  đàm phán lại với Google và sau đó phê duyệt các ứng dụng). Và việc giới hạn truy cập của Apple vào công cụ JavaScript JIT bởi lý do an ninh cũng là một hành động khá khắc nghiệt khi công cụ này có thể cải thiện tốc độ duyệt web.

Apple này luôn nói rằng rất hoan nghênh sự cạnh tranh, đóng góp và phát triển của các đối tác nhưng đồng thời họ cũng làm mọi thứ để bảo vệ chính mình trước các đối thủ canh tranh này.

Bàn tay sắt của Google trên Android

Kiểm soát tính năng “ Tìm kiếm- Search” trên thiết bị
Trong tháng 8 năm 2010, Google tung ra tính năng Voice Actions, đồng thời cũng giới thiệu "Google Search" trong kho ứng dụng Android Market, đây là những gì được thấy trên phiên bản hệ điều hành Andoid Froyo (2.2). Phiên bản mới nhất về tính năng tìm kiếm trên mã nguồn mở Android (AOSP) và Android 4.3 cho thấy sự khác biệt giữa một mã mở đích thực với hệ điều hành bị kiểm soát dưới bàn tay của Google.

Tính năng Tìm kiếm - Search trên AOSP vẫn giẫm chân tại chỗ tương tự như phiên bản Froyo (Android 2.2). Bởi ngay sau phiên bản này, Google đã đóng mã nguồn về việc phát triển ứng dụng tìm kiếm. Phiên bản Search mới của Google được hỗ trợ tìm bằng giọng nói, tìm kiếm âm thanh, text-to-speech, dịch vụ hỏi đáp, và tất cả được gói gọn trọng gói sản phẩm mới là Google Now. Các phiên bản AOSP chỉ có thể làm việc trên web và tìm kiếm địa phương.

Music
Google lần đầu tiên giới thiệu dịch vụ âm nhạc điện toán đám mây của mình tại Google I/O 2010, và đó cũng là lúc các ứng dụng âm nhạc trên AOSP bị đóng băng. Cho đến ngày nay, ứng dụng Music vẫn hoạt động và vẫn giống như trên phiên bản Android Froyo.

Hệ thống chơi nhạc của Android ngày nay đã tiếp cận với hệ thông lưu trữ đám mây của Google với gian hàng phong phú và tùy chọn đăng ký. Play Music cũng đã trải qua nhiều thay đổi thiết kế giao diện người dùng, từ việc hỗ trợ Chromecast cho đến Equalizer.

Calendar- Lịch
Google Calendar là một trong những ứng dụng gần đây đã bị Google đóng mã nguồn. Giao diện của Calendar mà cộng đồng Android phải sử dụng khá tồi tệ khi mà New Stock (thông tin về cổ phiếu) bây giờ là bắt buộc với tất cả mọi người! Google Calendar đồng bộ các thông báo trên mọi thiết bị còn các phiên bản khác AOSP thì không biết thời gian nào sẽ có bản cập nhật.

Bàn phím- Keyboard
Vào hồi 2012, Google đã thêm Swype dành cho Android bao gồm nhập văn bản thông thường, tính năng Swype (trượt ngón tay) cho phép gõ nhanh hơn, tính năng nhập văn bản thông qua giọng nói và ghi nhận chữ viết tay. Swype được phát hành như một ứng dụng mới trong Play Store và được gọi là “Bàn phím của Google". Sau khi ứng dụng này được ra mắt thì ngay lập tức bộ bàn phím trên AOSP bị bỏ rơi.
 
Gallery/Camera
Camera và Gallery được tích hợp trong một gói ứng dụng Apk. Trên phiên bản AOSP gói ứng dụng này có tên là "Gallery2.apk", còn phiên bản của Google phát triển được gọi là "GalleryGoogle.apk". Tính năng Photospheres độc quyền trên phiên bản của Google và không xuất hiện trên AOSP. Phiên bản AOSP cũng bị bỏ qua việc kết nối trực tiếp với album ảnh trên Google+.

Khóa ứng dụng của bên thứ 3
Vũ khí mạnh nhất của Google để kiểm soát những ứng dụng được phát triển từ bên thứ 3 là quy định về Play Sevice. Dịch vụ này là một ứng dụng mã nguồn đóng do Google sở hữu và cấp phép như một phần của gói Google Apps.

Hệ sinh thái ứng dụng Android trên lý thuyết rất dễ dàng cho các kho ứng dụng độc lập, bạn có thể phát triển hoặc thuyết phục các nhà cung cấp tải ứng dụng lên và khuyến khích người dùng sử dụng. Tuy nhiên, Play Sevice xuất hiện nhằm ngăn chặn các nhà phát triển hay các kho ứng dụng độc lập này và bắt buộc họ phải tham gia vào hệ sinh thái mà Google đã tạo ra.

Khóa các nhà sản xuất
Nhà sản xuất sẽ dễ dàng được cấp giấy phép ứng dụng của Google dễ dàng hơn nhiều nếu tham gia vào  “Open Handset Alliance” - OHA, là nhóm các công ty cam kết làm việc cho nền tảng Android và không liên quan tới các nền tảng đối thủ. Điều này có nghĩa là một khi đã kí kết gia nhập OHA, công ty sẽ chính thức nhận tấm vé một chiều mãi mãi với Android. Acer là một ví dụ khi mà cố gắng tạo ra các thiết bị chạy trên hệ điều hành Aliyun của Alibaba đến từ Trung Quốc. Aliyun là một AOSP được xây dựng để cố thoát khỏi cái bóng của Android và Acer đã sớm đóng cửa dự án này bởi không có khả năng được sử dụng kho ứng dụng của Google. Ông chủ của Android còn đăng một bài bình luận về vấn đề này trên blog: “Android vẫn miễn phí cho bất cứ ai muốn sử dụng, chỉ có các thiết bị tương thích Android được hưởng lợi từ hệ sinh thái Android một cách đầy đủ. Bằng cách tham gia Open Handset Alliance, mỗi thành viên được đóng góp và xây dựng một nền tảng Android - không phải là loạt các phiên bản không tương thích”.

Kể từ khi hệ điều hành Kindle được xác định như là một phiên bản không tương thích của Android, hàng loạt các nhà sản xuất OEM không được phép sản xuất Kindle Fire của Amazon. Hàng loạt nhà sản xuất thiết bị di động như Acer, Asus, Dell, Foxconn, Fujitsu, HTC, Huawei, Kyocera, Lenovo, LG, Motorola, NEC, Samsung, Sharp, Sony, Toshiba, và ZTE đã loại bỏ Amazon ra khỏi danh sách khách hàng. Hiện nay, hợp đồng sản xuất thiết bị Amazon Kindle thuộc về Quanta Computer, một công ty chủ yếu được biết đến với máy tính xách tay. Amazon có lẽ đã không có nhiều sự lựa chọn.

Google kiểm soát các ứng dụng bằng một gói cấp phép duy nhất. Vì vậy, nếu bạn muốn Gmail và Maps, bạn cũng cần phải có Google Play Services, Google+, và bất cứ điều gì khác Google muốn. Một công ty được gọi là Skyhook cố gắng phát triển một dịch vụ Location cạnh tranh với Location Services Android. Nếu người sử dụng chuyển sang dịch vụ của Skyhook có nghĩa là Google sẽ không thể thu thập dữ liệu vị trí của người sử dụng. Điều này không tốt cho Google, do đó Skyhook đã được tuyên bố là "không tương thích".

Android chỉ là "một mớ hỗn độn" khi so với iOS
Cây viết Matt Johnston của trang Business Insider cho biết, ông đã thất vọng sau hai tháng đổi từ iPhone 5 sang Galaxy Note 3 và kết luận Android là một thảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư