Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tìm hiểu về tuyến cáp quang biển AAG
Hải Đăng - 17/07/2014 05:50
 
Tuyến cáp quang biển Châu Á Thái Bình Dương (AAG) có chiều dài hơn 20.000km. Vốn đầu tư vào khoảng 560 triệu USD.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lại đứt cáp quang biển AAG
Internet lại chậm vì sửa chữa cáp quang biển AAG
Đã hàn xong mối đứt cáp quang biển AAG
Đứt cáp quang biển AAG có thể do tàu biển kéo neo

Cáp quang biển được dùng để chỉ các cáp viễn thông có lõi bằng sợi thủy tinh hoặc nhựa sử dụng ánh sáng để truyền dẫn tín hiệu và được đặt dưới đáy biển.

Ngày nay, cáp quang biển là cầu nối viễn thông, mạng Internet giữa tất cả các châu lục trên toàn cầu. Sợi cáp quang biển điển hình có đường kính 69 mm, nặng khoảng 10 kg/m (một số loại cáp mỏng và có khối lượng nhẹ hơn có thể được dùng tại các khu vực đáy biển sâu).

Mỗi dây cáp quang biển được kết thành bởi từng bó rất nhiều sợi cáp quang và có vỏ bảo vệ gồm nhiều lớp khác nhau để đảm bảo độ dẻo dai, an toàn cho cáp trong môi trường đáy biển khắc nghiệt. Tuy chịu đựng được môi trường nước biển với nồng độ muối cao, cáp quang vẫn không thể chịu được nhiệt độ đến - 80 độ C và môi trường đóng băng quanh năm, do vậy đến nay trên thếi giới vẫn chưa có đường cáp quang nào kết nối tới khu vực Nam Cực.

Cáp quang chạy dưới biển

Tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, các kết nối Internet hướng đi quốc tế chủ yếu phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển (một phần sử dụng đường truyền vệ tinh). Các tuyến cáp chính bao gồm tuyến AAG (Asia - America Gateway), tuyến TVH (Thái Lan – Việt Nam – Hongkong) và tuyến SMW3 (hay còn gọi là SEA - ME - WE3).

Trong các tuyến cáp quang biển trên, trừ tuyến cáp quang SMW3 đi theo chiều kết nối từ Châu Á sang Ấn Độ, vào Châu Âu, các tuyến còn lại đều đi theo hướng sang Châu Mỹ qua đảo Guam và Hawaii.

Tuyến cáp quang biển Châu Á Thái Bình Dương (AAG)

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang biển Châu Á Thái Bình Dương (AAG) có chiều dài hơn 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây và là tuyến cáp quang quan trọng, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến vào khoảng 560 triệu USD.

Tuyến AAG có các điểm cập bờ chính yếu tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippinnes), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)...

Công tác bảo dưỡng, sửa chữa tuyến cáp quang biển AAG

Tuyến AAG cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km. Hiện AAG là tuyến cáp quang đầu tiên và duy nhất kết nối trực tiếp lưu lượng từ khu vực Đông Nam Á đến Mỹ do vậy các sự cố liên quan đến tuyến cáp này sẽ ảnh hưởng lớn đến lưu lượng kết nối, trao đổi thông tin giữa các quốc gia khu vực này ra thế giới. Bên cạnh đó, tuyến cáp quang AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, Châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống.

Theo Trung tâm điều hành cáp quang AAG, vào lúc 18 giờ 36 ngày 15/7, tuyến cáp quang AAG bị sự cố gây gián đoạn việc cung cấp dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam. Vị trí đứt cáp được xác định cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 18km.

Sự cố không mong muốn này sẽ gây ảnh hưởng tới việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng do lưu lượng dồn qua các hướng dự phòng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước của người sử dụng internet tại Việt Nam không bị ảnh hưởng.

Hiện sự cố đang được gấp rút sửa chữa.

Cáp quang biển AAG đứt cách bờ biển Vũng Tàu 18km Cáp quang biển AAG đứt cách bờ biển Vũng Tàu 18km

Sự cố đứt cáp quang biển AAG tối 15/7/2014 tại vị trí cách bờ biển Vũng Tàu 18km lại gây gián đoạn việc cung cấp dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư