Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tìm kế sách vực vốn FDI vào nông nghiệp
Thùy Liên - 22/05/2014 07:23
 
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dù xuất khẩu nông sản tăng rất mạnh, song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp sụt giảm rất đáng báo động.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thu nhập của người trồng lúa chỉ đủ uống cà phê sáng
Nông nghiệp Việt Nam không thể mãi "nhỏ và đẹp"
PPP dẫn dòng FDI vào nông nghiệp

FDI nông nghiệp tụt dốc 

Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia về Dự thảo Đề án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI vào nông - lâm - ngư nghiệp diễn ra đầu tuần này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dù xuất khẩu nông sản tăng rất mạnh, song vốn FDI vào lĩnh vực này sụt giảm rất đáng báo động.

  Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  
  Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  

Nếu cách đây 15 năm, FDI vào nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 15% tổng vốn FDI của cả nước, thì hiện chỉ chiếm chưa đến 0,5%.

Không chỉ vốn đầu tư ít, mà cơ cấu vốn FDI vào nông nghiệp cũng còn nhiều bất ổn.

Theo ông Nguyễn Bá Cường, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 4/2014, chỉ có 520 dự án FDI vào nông nghiệp, trong tổng số 16.300 dự án FDI được cấp phép đầu tư ở Việt Nam.

“Phần lớn dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa hầu như chưa thu hút được dự án nào. Các dự án FDI vào nông nghiệp tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh, như chế biến nông sản thực phẩm; chế biến lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi…”.

Lý giải việc FDI vào nông nghiệp ngày càng sụt giảm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, xảy tình trạng này là do các địa phương thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng làm nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó,   theo TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc thiếu một chiến lược thu hút FDI dài hạn, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, chưa giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích giữa nông dân, chủ đầu tư… là những trở ngại lớn ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Quyết vực dậy FDI nông nghiệp

Để vực dậy nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong bối cảnh suy giảm đáng báo động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Dự thảo Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 để đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp.

Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: “Chúng tôi thấy rằng, cần rà soát lại cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân Việt Nam”.

Quyết tâm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, Bộ trưởng hứa tạo một môi trường đầu tư thuận lợi, bớt thủ tục, giảm chi phí, không để tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và triển khai trong thực tế.

Được biết, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cân nhắc khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài thu mua trực tiếp sản phẩm của nông dân, không bắt buộc mua qua các trung gian.

Một vấn đề không kém phần cấp bách, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải tạo ra những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để làm đối tác thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, sẵn sàng đợi vốn FDI.

Thủ tướng sốt ruột về thu hút đầu tư nông nghiệp Thủ tướng sốt ruột về thu hút đầu tư nông nghiệp

() Nghị định khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành từ năm 2013 nhưng đến nay các bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn.  

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư