Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tìm khoảng trống trong chính sách phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ, phát triển rừng
Phương Anh - 11/01/2019 11:00
 
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (VIESARD) phối hợp với UN - REDD Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam”.
.
 GS. TS. Phạm Vân Đình, Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo. 

Tham dự hội thảo có lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường, FAO, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý lâm nghiệp các cấp, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), các hội viên của VIESARD và các chi hội của VIESARD, Chương trình UN-REDD, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước, các tổ chức quần chúng, doanh nghiệp và giảng viên, nghiên cứu sinh của trường đại học (ĐH) Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Thái Nguyên, ĐH Tây Nguyên, ĐH Huế, ĐH Nông Lâm Bắc Giang...

Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ những thông tin, dẫn liệu và các đánh giá, phân tích về thực trạng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng (theo vùng/ miền).

Đồng thời, các chuyên gia đề xuất những ý tưởng về giải pháp chính sách cho phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam, trong đó hạt nhân là cải thiện nhận thức và ứng xử của người dân, của chủ đất, chủ rừng trong các hoạt động sử dụng đất thông qua các chính sách và giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ rừng nói riêng, và phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta nói chung.

Phát biểu tại hội thảo, GS. TS. Phạm Vân Đình, Chủ tịch hội khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng với hơn 6 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp là đất dốc, có 16,2 triệu hecta đất lâm nghiệp với 7,1 triệu lô rừng và 1,1 triệu chủ rừng.  Nơi đây có 25 triệu người dân có sinh kế liên quan đến rừng, trong đó có trên 10 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có khoảng 3 triệu người nghèo và cận nghèo) với cuộc sống phụ thuộc vào rừng.

Một khi rừng bị suy giảm và nghèo đi, tần suất và mức độ ảnh hưởng xấu của thiên tai sẽ tăng lên, theo đó là những rủi ro, mất mùa hoặc giảm năng suất trong nông nghiệp, từ đó tác động xấu đến sinh kế và chất lượng cuộc sống của cư dân miền núi. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp khả thi cho phát triển nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng ở vùng núi là điều hết sức cần thiết.

Để làm được điều đó, theo ông Đình, cần phát triển xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện thông qua nhiều hoạt động chung tay từ Nhà nước, địa phương, các tổ chức quốc tế, NGOs, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cộng đồng cư dân miền núi... Thành công hay thất bại của chủ trương này phụ thuộc vào cách ứng xử của "chủ đất, chủ rừng", tức là của người dân, hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp được giao đất, giao rừng v.v... Chủ đất, chủ rừng là người gắn kết sản xuất nông nghiệp với lâm nghiệp.

"Chính sách là một yếu tố quan trọng điều chỉnh hành vi của chủ đất, chủ rừng. Sự "lựa chọn" và "quyết định" mục đích, phương thức, mức đầu tư cũng như kế sách lâu dài trong sử dụng đất của "chủ đất, chủ rừng" chịu ảnh hưởng rất lớn của các chính sách. Vì vậy, việc tìm ra những khoảng trống hay hạn chế của những chính sách hiện có và đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách là rất quan trọng. Sự cùng tồn tại một cách hợp lý giữa nông nghiệp với rừng còn có thể tạo ra tính khả thi và giá trị gia tăng cho việc thực thi chương trình giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở Việt Nam và có đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta", ông Đình nói. 

[Infographic] Số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng giảm mạnh
4 tháng đầu năm 2018, số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm 31% so với cùng kỳ năm 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư