Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Tín dụng bất động sản sẽ bật tăng
Thùy Liên - 17/05/2013 07:57
 
Lãi suất cho vay mua nhà 6%/năm được đánh giá là mức hấp dẫn và có thể thúc đẩy tín dụng bất động sản tăng mạnh.
TIN LIÊN QUAN

Tín dụng bất động sản sẽ tăng trưởng đáng kể, nếu dòng vốn 30.000 tỷ đồng được ngân hàng triển khai tốt, đúng đối tượng, đúng dự án.
(Ảnh: Đức Thanh)

Lãi hấp dẫn, tín dụng sẽ tăng vọt

Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng chính thức ban hành.

Bộ Xây dựng hy vọng, gói 30.000 tỷ đồng sẽ làm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở diện tích nhỏ ấm lên, từ đó tác động lan tỏa đến toàn bộ thị trường bất động sản.

Ngoài việc hỗ trợ thị trường bất động sản và những người thu nhập thấp mua nhà, NHNN còn kỳ vọng gói 30.000 tỷ đồng sẽ đẩy tăng trưởng tín dụng tăng vọt.

Câu hỏi đặt ra là, liệu lãi suất 6%/năm của gói 30.000 tỷ đồng có lạc hậu, bởi thực tế, trước khi gói 30.000 tỷ đồng này tung ra, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra những gói cho vay mua nhà, sửa nhà với lãi suất chỉ 7 - 8%/năm?

Giải thích vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, mức lãi suất cho vay 6%/năm rất hấp dẫn đối với người mua nhà. Thời gian qua, một số ngân hàng đưa ra các gói khuyến mãi với lãi suất thấp, nhưng chỉ có thời hạn trong thời gian ngắn. Còn với gói vay 30.000 tỷ đồng này, lãi suất ưu đãi (tối đa 6%/năm), sẽ được áp dụng tới 10 năm.

Theo khảo sát của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức lãi suất mà khách hàng mua nhà thu nhập thấp có thể chịu được hiện nay khoảng 5 - 6%/năm. Do đó, mức lãi suất mà NHNN đưa ra trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là hoàn toàn hợp lý, xét cả về khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước, cũng như khả năng chia sẻ lợi nhuận của các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.

Liên quan đến nhận định tín dụng sẽ tăng vọt khi tung ra gói 30.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nếu dòng tiền này được các ngân hàng triển khai tốt, đúng đối tượng, sẽ góp phần giúp tín dụng bất động sản tăng trưởng đáng kể.

Trên thực tế, dù tín dụng 3 tháng đầu năm hầu như bằng 0, song tín dụng bất động sản vẫn khá khả quan. Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), dư nợ cho vay bất động sản tính đến ngày 31/3/2013 đạt 230.951 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2012.

Ông Mạnh khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai ngay chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, giúp cho hàng chục ngàn căn hộ trên thị trường được giao dịch và hàng chục ngàn hộ gia đình có điều kiện được mua, thuê, thuê mua các căn nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Chưa vội nới gói 30.000 tỷ đồng

Tuy kỳ vọng tín dụng bất động sản sẽ tăng mạnh sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được tung ra, song NHNN và các ngân hàng thương mại quốc doanh khẳng định, không có chuyện các ngân hàng chỉ rót vốn cho doanh nghiệp thân quen, hoặc các dự án mà phía ngân hàng đã trót rót vốn đầu tư.

NHNN cũng khẳng định, sẽ không có chuyện nới cơ chế cho vay. “Chúng ta không hạ chuẩn tín dụng để lại mắc bẫy nợ xấu”, ông Mạnh khẳng định.

Liên quan đến việc nới rộng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, NHNN cho biết, sau một thời gian theo dõi, nếu thấy gói tín dụng này thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, không gây lạm phát, không gây mất cân đối về ngân sách…, thì NHNN sẽ xem xét và đưa ra những đề xuất cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng nêu quan điểm: trước mắt, việc quan trọng nhất của Bộ Xây dựng và NHNN thời gian tới là phải đưa dòng vốn vay ưu đãi tới đúng địa chỉ, đúng đối tượng, nhanh, thuận tiện. Trong quá trình giải ngân, hai bên sẽ theo dõi, đánh giá tổng kết. Trên cơ sở hiệu quả của gói tín dụng, căn cứ ngân sách, nguồn vốn… để có những đề xuất tiếp theo. “Tất nhiên, chúng tôi không loại trừ khả năng tăng thêm nguồn vốn này”, ông Nam nói.

Đánh giá về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là giải pháp rất cần thiết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang bí bách về tài chính, điều chỉnh cung - cầu trên thị trường, giúp người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết khối lượng vốn đang tồn trong thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản thực sự ấm lên, cần đưa thêm nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc giải tỏa khối nợ xấu bất động sản đang nằm chết trong các ngân hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư