Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng chính sách hỗ trợ trực diện phụ nữ làm giàu
Hà An - 12/03/2022 20:32
 
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một công cụ trực diện giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, đồng thời phát huy sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế.
Chị em phụ nữ tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Về Lai Châu, câu chuyện những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số “xắn tay” cùng chồng lo toan phát triển kinh tế gia đình không phải là hiếm. Gia đình chị Lã Thị Nhung ở bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường là một ví dụ.

Trước đây, mặc dù hai vợ chồng chăm chỉ lao động, nhưng thu nhập hàng năm vẫn không đủ trang trải, cuộc sống rất khó khăn.

Năm 2018, với việc mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chị đã nghe theo lời tư vấn của Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn và Hội Phụ nữ xã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư một quán tạp hóa phục vụ bà con trong bản với số tiền vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với những kinh nghiệm và tích lũy buôn bán, chị đã mở rộng, đa dạng hóa hàng hóa, thu nhập gia đình cũng theo đó khấm khá dần, đạt bình quân 100 triệu đồng/năm.

Theo báo cáo của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu, Hội đang quản lý gần 400 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 12.590 hộ vay vốn với tổng dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đạt gần 700 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã và đang phát huy trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, trong giai đoạn 2016 - 2020, đã giúp hơn 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh gần 4,78%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Không chỉ riêng Lai Châu, nguồn vốn chính sách thông qua các cấp Hội Phụ nữ cũng đang thấm đẫm vào đời sống từ thành thị đến những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, dần ăn mòn những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục trong đời sống vốn làm cho phụ nữ trở thành nhóm xã hội cực khổ nhất, đưa họ từng bước vươn lên trở thành một trong những chủ nhân trụ cột của gia đình và xã hội.

Từ thực tế và sự thấu hiểu ý nghĩa dòng vốn tín dụng là một trong những trụ cột giúp phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế, hàng năm, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đều sớm xây dựng kế hoạch về thực hiện hoạt động ủy thác, tín chấp các ngân hàng và các hoạt động khác… Theo đó, chất lượng tín dụng chính sách xã hội do Hội quản lý ngày một nâng cao, khi hàng năm, 100% hội phụ nữ các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về quy trình bình xét, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác, các kỹ năng. Chỉ riêng năm 2021 đã tổ chức trên 2.400 lớp tập huấn cho trên 75.000 cán bộ Hội và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng luôn chủ động cùng với Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin nhằm đánh giá, giám sát việc thực hiện các quy định về hoạt động tín dụng cũng như các chương trình tín dụng, chính sách tín dụng, nhu cầu vay vốn của khách hàng... để đưa ra các chỉ đạo, kiến nghị, đề xuất kịp thời; tuyên truyền, triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Kết quả của nỗ lực đó thể hiện rõ trong bức tranh hoạt động của Hội. Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ ủy thác qua Hội liên hiệp Phụ nữ đứng đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đạt 93.991 tỷ đồng, chiếm 38,41% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7.040 tỷ đồng so với cuối năm 2020; nợ quá hạn cũng thấp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 0,19%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,36% tổng dư nợ nhận ủy thác. Có 62.852 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý, góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến với 2,4 triệu khách hàng. 99,99% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 6.160 tỷ đồng (tăng 768 tỷ đồng so với năm 2020). Điều này cũng phần nào cho thấy hiệu quả của nguồn vốn chính sách khi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác không chỉ có “của ăn”, mà còn có “của để”.

Hiệu quả thiết thực của tín dụng chính sách xã hội
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội và một số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư