Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng nông nghiệp công nghệ cao: Không phải xin bất cứ ai
Hàn Tín - 14/06/2017 07:40
 
Ngay đầu buổi sáng trả lời chất vấn trước Quốc hội (ngày 13/6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường đã nhận được 86 ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội.
TIN LIÊN QUAN

Mở đầu phiên chất vấn Tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh đề cập thẳng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bởi theo bà, doanh nghiệp, HTX và người nông dân rất khó tiếp cận nguồn tín dụng này, vì còn nhiều bất cập bởi các quy định, muốn được vay vốn, phải có 3 năm hoạt động liên tục được công nhận là ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, được công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất.

.
.

“Bộ trưởng đề xuất gì với Chính phủ để doanh nghiệp, HTX, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn này”, bà Hạnh hỏi.

Đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn (bằng văn bản) trước đó, nhưng Đại biểu Nguyễn Sơn chưa thỏa mãn, nên tiếp tục chất vấn tại hội trường: “Căn cứ vào đâu mà Bộ trưởng phê duyệt quy hoạch đàn lợn?”.

“Theo quy hoạch, tổng đàn lợn đến năm 2015 là 32,2 triệu con, đến năm 2020 là 34,4 triệu con. Năm 2015 mới đạt 27,75 triệu con và đến tháng 10/2016 mới đạt 29,075 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch, nhưng đã thừa hàng triệu con lợn khiến người chăn nuôi điêu đứng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng đề cập vấn đề nóng thời gian qua là tình trạng người chăn nuôi lợn bị thua lỗ nặng nề do giá thịt lợn xuống dốc không phanh, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng, cách “giải cứu” thịt lợn thời gian qua là không căn cơ, thiếu tính ổn định, bền vững.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý chỉ ra rằng, 8 giải pháp đột phá để đổi mới cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có gì mới. “Trong 8 giải pháp thì có 3 giải pháp tiếp tục, 2 giải pháp đẩy mạnh, 2 giải pháp tập trung nghiên cứu hoặc tăng cường nghiên cứu và giải pháp còn lại là rà soát, điều chỉnh. Tôi chắc rằng, các đại biểu Quốc hội và cử tri đều đồng tình rằng, đẩy mạnh, tăng cường, nghiên cứu, rà soát không phải là giải pháp chứ chưa nói gì đến đột phá”, bà Thúy khẳng định.

Trả lời câu hỏi về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, đã triển khai, đã có bộ tiêu chí hướng dẫn đầu tư cho vay đối với sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, có sức cạnh tranh, có thị trường và có tiềm năng phát triển. “Hiện đã có 8 ngân hàng thương mại tham gia với số vốn đăng ký sẵn sàng giải ngân lên đến 120.000 tỷ đồng, đã giải ngân được trên 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng không coi gói tín dụng này là thực hiện theo chỉ đạo, mà coi là tiềm năng rất lớn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng”, ông Cường giải thích.

Tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng thừa nhận, có vướng mắc trong việc xác định tài sản trên đất của khách hàng vay vốn đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vấn đề này sẽ được kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ. “Tài sản trên đất như nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi trị giá hàng tỷ đồng tại sao lại không xác nhận quyền sở hữu để doanh nghiệp, HTX, nông dân thế chấp vay vốn đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?”, ông Cường đặt câu hỏi.

Ông Cường khẳng định, cho vay vốn đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không phải xin bất cứ ai, không ai có quyền cho và không có bất cứ rào cản nào trong việc tiếp cận vốn, các vướng mắc liên quan đến thế chấp tài sản sẽ sớm được tháo gỡ.

Đối với câu chuyện giải cứu hành tím, thanh long… và gần đây là thịt lợn, nguyên nhân chính, theo ông Cường, là khâu tổ chức tiêu thụ rất yếu. “Hoạt động sản xuất nông nghiệp có 3 khâu, trong đó, sản xuất nói chung là tốt, nhưng chế biến và tổ chức tiêu thụ rất yếu, trong thời gian ngắn chưa thể khắc phục ngay được. Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Cường nhận trách nhiệm.

Trả lời chất vấn về quy hoạch tổng đàn lợn, ông Cường cho rằng, có nguyên nhân chính là chưa tính đến cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng đã có sự thay đổi rất nhanh chóng. “Trước đây, trong bữa ăn của người dân, thịt lợn chiếm 70-75%, nhưng hiện giảm rất mạnh vì người dân có nhiều lựa chọn khác, khiến nhu cầu giảm, thịt lợn dư thừa”, ông Cường nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư