Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Tín dụng sẽ được kiểm soát tốt nửa cuối năm
Vân Linh - 15/05/2017 07:13
 
Tính đến hết tháng 4/2017, tín dụng nền kinh tế tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, trong khi huy động vốn đạt thấp. Điều này đặt ra yêu cầu phải tăng cường kiểm soát tín dụng trong hệ thống ngân hàng.
TIN LIÊN QUAN

Tín dụng tăng cao hơn huy động vốn

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/4/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,78% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,54%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 3,39% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 4,01%). Trong khi đó, tín dụng 4 tháng đầu năm lại tăng tới 4,86%, cao nhất trong vòng 6 năm qua.

.
.

Nhìn vào những con số trên cho thấy, có sự chênh lệch khá lớn giữa tăng trưởng huy động với tăng trưởng tín dụng, tạo thành áp lực đáng kể lên thanh khoản và lãi suất của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu như các năm trước, những tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 2-3% và dồn lực tăng mạnh vào cuối năm, thì sự ngược chiều của năm nay làm dấy lên lo ngại về chất lượng vốn, thậm chí có thể có hiện tượng “bong bóng” tín dụng.

Thực tế cho thấy, áp lực huy động vốn của các ngân hàng đang ngày một gia tăng. Biên độ chênh lệch khá lớn giữa lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn và dài ngày đang được các ngân hàng áp dụng hiện nay từ 2- 3%. Do đó, xu hướng người gửi tiền đã bắt đầu chuyển sang gửi dài hạn để được hưởng mức lãi suất 7 - 8%/năm. Trong khi, các nhà băng cho rằng, thanh khoản hiện khá dồi dào và thậm chí là dư thừa, nhưng không thể chủ quan trong việc cạnh tranh huy động tiền gửi tiết kiệm, nhằm chuẩn bị nguồn tốt hơn cho việc đẩy mạnh phát triển tín dụng các quý tới.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, khả năng phải đến cuối quý II hoặc quý III/2017, tín dụng sẽ được kiểm soát tốt. Còn nửa đầu năm cũng chưa thể hiện rõ nét và thường chu kỳ 2 quý đầu năm chưa tăng trưởng nhiều.

Áp lực lãi suất

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, khả năng mặt bằng lãi suất có chiều hướng nhích nhẹ, nhất là nếu lạm phát tăng.

Tỷ giá tiền đồng đang được định giá cao so với USD. Ngoài ra, do tính đô-la hóa của thị trường Việt Nam hiện nay còn khá cao, khi việc lưu thông và sử dụng ngoại tệ còn phổ biến, nên khi tỷ giá tăng sẽ lập tức tác động đến thị trường. Từ biến động tỷ giá tác động đến lãi suất và ngược lại. Nếu không triệt để trong việc chống đô-la hóa, tâm lý của thị trường vẫn bị tác động lên tỷ giá. Từ đó, lãi suất khó giảm.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần đầu tháng 5 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tuần qua, thanh khoản thị trường liên ngân hàng chưa hạ nhiệt khi lãi suất các kỳ hạn giảm không đáng kể, từ 10-14 điểm cơ bản. Lãi suất qua đêm cuối tuần dừng ở 4,43%/năm.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đưa ra đánh giá, tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát đối với các khu vực có rủi ro cao, bao gồm bất động sản, chứng khoán và hạ tầng, nhằm hạn chế nợ xấu tái tăng trở lại. Vì vậy, khả năng Ngân hàng Nhà nước không muốn sử dụng hết room tín dụng 18%.

Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 18% là phù hợp, nhưng phải xem xét kỹ về con số tăng trưởng thực, vì khó tránh được tình trạng để giải quyết được nợ xấu và tăng dư nợ, các ngân hàng sẽ sử dụng biện pháp đảo nợ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư