Thứ Hai, Ngày 14 tháng 04 năm 2025,
Tín dụng tiêu dùng lãi “khủng”
Vân Linh - 13/04/2025 14:41
 
Lợi nhuận một số công ty tiêu dùng tăng trưởng mạnh trở lại và nhu cầu vốn tiêu dùng dự báo hồi phục sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận trong năm nay.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ với tổng dư nợ phục vụ đời sống đạt 2,8 triệu tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng

Công ty Tài chính TNHH một thành viên Home Credit Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 đã kiểm toán cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Báo cáo cho thấy, tổng dư nợ tín dụng năm 2024 của Công ty tăng 12,4% so với năm trước nhờ đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh còn 1,76% đến cuối năm 2024, từ mức 2,49% của năm 2023 và thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các công ty tài chính.

Đáng chú ý, Home Credit Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.290 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2023 (375 tỷ đồng), tức chỉ sau 1 năm công bố thông tin bán cho Ngân hàng Thái Lan (SCB). Công ty cho biết, kết quả trên đến từ hiệu quả của chiến lược kinh doanh linh hoạt và khả năng quản trị rủi ro. Lợi nhuận khả quan còn phản ánh bức tranh thị trường tài chính tiêu dùng đã phục hồi trở lại sau giai đoạn khó khăn. 

HDBank cho biết, năm 2024, Ngân hàng đạt 16.730 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28,5% so năm 2023 và hoàn thành 106% kế hoạch cổ đông giao. Riêng ở mảng tài chính tiêu dùng, công ty con HD Saison (HDBank chi phối 50% vốn) tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường về lợi nhuận, đạt 1.200 tỷ đồng trước thuế, tăng mạnh 83,9% so với năm 2023. Kết quả này một lần nữa cho thấy chiến lược phát triển bền vững, năng lực duy trì tăng trưởng cao, quản trị rủi ro hiệu quả của HD Saison.

Trong khi đó, theo báo cáo năm 2024 đã kiểm toán, FE Credit đạt lợi nhuận trước thuế gần 515 tỷ đồng. Sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu này đến từ tăng trưởng quy mô tín dụng, nỗ lực nâng cao chất lượng tài sản, tối ưu chi phí và quản trị rủi ro, thu hồi nợ hiệu quả. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc toàn diện trong hai năm (2023, 2024) và sự trợ lực từ hai định chế tài chính lớn trong và ngoài nước là VPBank và Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBC CF,  thuộc Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group).

Công ty Chứng khoán Vietcap đánh giá cao tác động tích cực của FE Credit lên biên lãi thuần (NIM) và chất lượng tài sản của ngân hàng hợp nhất. Thu ngoài lãi của ngân hàng hợp nhất cũng hưởng lợi từ nỗ lực thu hồi của công ty tài chính.

Theo báo cáo kết quả hoạt động, lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 của Công ty EVNFinance đạt hơn 166 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2024 đạt 703,7 tỷ đồng.

Động lực cho năm 2025

Lãnh đạo FE Credit cho biết, năm 2025, Công ty xác định mục tiêu duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, Công ty tiếp tục tối ưu hóa mô hình kinh doanh, kiểm soát rủi ro tín dụng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm khách hàng trên diện rộng. SMBC, với tầm nhìn toàn cầu và kinh nghiệm quản lý tài chính quốc tế, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để không ngừng tiến xa hơn. Với cầu vốn cải thiện, VPBank dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận FE Credit sẽ quay lại mức 3.000-4.000 tỷ đồng trước thuế.

Môi trường thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, trong khi ngành ngân hàng phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 16%. Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng khi việc làm, thu nhập của người lao động gia tăng và sức mua của người dân được cải thiện. Đồng thời, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ nhu cầu vay tiêu dùng, mang lại cơ hội lớn.

Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ với tổng dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng đạt 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế tính đến giữa năm qua. Trong đó, các ngân hàng thương mại cung cấp 94% và các công ty tài chính tiêu dùng đóng góp khoảng 4,8%, với tổng dư nợ 139.000 tỷ đồng. Như vậy, tín dụng tiêu dùng vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng, còn các công ty tài chính, dù giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp cận nhóm khách hàng thu nhập thấp này, lại gặp không ít khó khăn.

Dư địa tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất lớn. Theo báo cáo của FiinGroup, tỷ lệ thâm nhập cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương, báo hiệu tiềm năng tăng trưởng dồi dào. Bước sang năm 2025, ngành tài chính tiêu dùng nói chung được kỳ vọng sẽ tăng tốc phục hồi khi môi trường vĩ mô cải thiện, nhu cầu tiêu dùng và thu nhập của hộ gia đình khởi sắc.

Công ty Chứng khoán MBS dự báo, tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc vào năm 2025 do nền kinh tế phục hồi, với tăng trưởng GDP được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình cải thiện. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu vay. Cụ thể, đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết.

Song theo nhận định của giới phân tích tài chính, dù đang trên đà hồi phục, nhưng thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn gặp thách thức không nhỏ. Những sai phạm từ các năm trước khiến khách hàng cảnh giác cao độ với tín dụng tiêu dùng, nhất là các công ty tài chính. Việc mở rộng tín dụng tiêu dùng sang nhóm khách hàng có thu nhập thấp hoặc hồ sơ tín dụng yếu tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao, nên cần cẩn trọng.

CEO Home Credit Việt Nam Pham Ngoc Khang: Thị trường tài chính tiêu dùng đang được định hình lại
Là một người Pháp gốc Việt, năm 2018, ông Pham Ngoc Khang về Việt Nam làm việc với vai trò là Giám đốc tài chính (CFO) Home Credit Việt Nam. Sau 8 năm làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư