Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tín hiệu đầu tư mạnh mẽ từ Nhật Bản
Anh Trung - 23/01/2018 12:53
 
Ngay trong những ngày đầu năm 2018, đoàn khảo sát gồm 22 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo của Nhật Bản do ông Yasukazu Irino, Phó Chủ tịch thường trực JETRO làm trưởng đoàn, đã có chuyến tìm hiểu thông tin và các bước để chuẩn bị đầu tư sang Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản hãy sớm đầu tư vào Việt Nam (Ảnh: Đức Trung)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản hãy sớm đầu tư vào Việt Nam (Ảnh: Đức Trung)

Sáng nay, 22/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Buổi làm việc là hoạt động đầu tiên trong chuỗi khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản theo đề nghị của Chủ tịch JETRO với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bên lề hội nghị Davos 2017.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những đóng góp của Nhật Bản trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong suốt những năm qua và nhìn nhận mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được nâng lên một tầm cao mới.

"ODA từ Nhật Bản đứng số 1 trong các nước viện trợ cho Việt Nam, thương mại đứng thứ 4, đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng số 2 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, ngoài ra còn có sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như ngoại giao nhân dân, du lịch, văn hóa, quốc phòng, an ninh… điều này phản ánh rõ nét một mối quan hệ hợp tác sâu rộng, toàn diện và đã được nâng tầm cao mới", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng thời khẳng định, môi trường đầu tư của Việt Nam đang trong giai đoạn rất thuận lợi, được các nước đánh giá cao và coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn, quan hệ hai nước hiện cũng đang ở trong thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử,do vậy, hy vọng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ sớm tìm ra cơ hội đầu tư của mình tại đây.

Minh chứng cho phát biểu của mình, trước các doanh nghiệp Nhật Bản, Bộ trưởng chỉ ra hàng loạt thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam như vị trí chiến lược trung tâm Đông Nam Á, khu vực phát triển được đánh giá là năng động bậc nhất trong khu vực, cửa ngõ để xâm nhập thị trường 600 triệu dân; nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động lớn; quy mô nên kinh tế tương đối lớn, khoảng 220 tỷ USD; tăng trưởng tốc độ cao liên tục trong nhiều năm; tầng lớp trung lưu đang được hình thành và phát triển với tốc độ nhanh cho thấy thị trường tiêu thụ lớn và giàu tiềm năng; hạ tầng được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây,…

Bên cạnh đó, thể chế, hệ thống pháp luật về đầu tư đã được xây dựng và hoàn thiện cơ bản; nền kinh tế mở cửa với 10 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết cho thấy một thị trường xuất nhập khẩu lớn; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thông thoáng, hấp dẫn, nhiều ưu đãi; chính sách trong việc giảm chi phí đầu vào của sản xuất được Chính phủ Việt Nam quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian vừa qua. Điều này được cộng đồng quốc tế ghi nhận khi các chỉ số xêp hạng của Việt Nam liên tục được cải thiện về thứ bậc.

Đặc biệt, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mức tăng trưởng 6,81% của Việt Nam được đánh giá là cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực. Không chỉ vậy, kinh tế vĩ mô được điều hành ổn định, lạm phát được kiểm soát, phát triển, tăng trưởng thể hiện trên mọi mặt, phản ánh một nền kinh tế ổn định và phát triển tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong năm 2018, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung 3 vấn đề cốt lõi đó là ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; và tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.

Để đảm bảo phát triển nhanh bền vững gắn với vấn đề xử lý môi trường và các vấn đề xã hội, Chính phủ Việt Nam tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên theo hướng có chọn lọc hơn.

“Đó là thu hút đầu tư vào những ngành sản xuất chế biến, chế tạo, những ngành sử dụng ít năng lượng, những ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt mong muốn nhà đầu tư nghiên cứu ngành nghề lĩnh vực ưu tiên ở ba đặc khu sắp hình thành để tìm kiếm cơ hội của mình”, Bộ trưởng thông tin với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định rất khuyến khích và hoan nghênh, cam kết luôn đồng hành với các doanh nghiệp Nhật Bản, tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản nhanh chóng nhất tìm kiếm được các cơ hội đầu tư cũng như hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần đối tác chiến lược và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Đánh giá cao những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên, ông Yasukazu Irino cho rằng vẫn còn những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận chưa hợp lý, ví dụ như việc chi trả chi phí phi chính thức cho thủ tục thông quan hải quan, hay những quy định hạn chế nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng...

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhận xét cơ chế để hỗ trợ quá trình chuẩn bị, cũng như giai đoạn đầu tư ban đầu rất tốt nhưng sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thì các hỗ trợ theo sau chưa đáp ứng được như kỳ vọng.

Vị Phó Chủ tịch JETRO cho rằng hai nước còn nhiều dư địa để hợp tác trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và hy vọng trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam tiếp tục có sự hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Thu hút FDI 11 tháng: Dấu ấn Nhật Bản và hiệu ứng APEC
Thu hút đầu tư nước ngoài trong 11 tháng qua đã tăng tốc ngoài dự báo, đạt trên 33 tỷ USD, tăng hơn 82% so với cùng kỳ. Có được điều đó là nhờ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư