Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thu hút đầu tư Nhật Bản vào các dự án lớn và có sức lan tỏa
Nguyên Đức - 10/04/2017 08:06
 
Đang có chuyến thăm Nhật Bản, kéo dài từ ngày 8 đến ngày 15/4/2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với Báo Đầu tư về những kỳ vọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương sau chuyến thăm này.

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể chia sẻ về mục đích chuyến thăm Nhật Bản lần này của mình?

Đây là lần đầu tiên, tôi sang thăm Nhật Bản trên cương vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chuyến công tác này, trước hết là nhằm củng cố, nâng cao và đẩy mạnh mối quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - đã được thiết lập giữa hai quốc gia. Chuyến đi của tôi cũng là để chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 6 tới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sau chuyến thăm Việt Nam mới đây của Nhật hoàng và Hoàng hậu.

Có thể nói rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, đã bước sang giai đoạn mới về chất, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, với tổng cam kết ODA đã lên tới 30 tỷ USD; đồng thời là đối tác đầu tư lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ ba và là đối tác du lịch lớn thứ tư của Việt Nam. Chuyến thăm của tôi là để củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác, với kỳ vọng làm sao trong thời gian tới, sẽ có thêm những giải pháp đột phá để mang lại sự hợp tác hiệu quả hơn trong tất cả các lĩnh vực đó.

.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Như Bộ trưởng vừa nói, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Việt Nam. Trong lịch trình chuyến đi lần này, Bộ trưởng cũng sẽ gặp gỡ nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, vậy Bộ trưởng mong muốn sẽ thu hút đầu tư những lĩnh vực nào từ Nhật Bản?

Với các nhà đầu tư Nhật Bản, chúng tôi muốn thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ nguồn, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài đầu tư trực tiếp như lâu nay, chúng tôi cũng đang quan tâm thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản theo cơ chế đối tác công - tư (PPP) và hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).

Trong đó, với PPP, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của Việt Nam. Còn với M&A, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp này.

Với các nhà đầu tư Nhật Bản, điều mà chúng tôi mong muốn không chỉ là vốn, mà còn là công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiện đại.

Chưa thể sớm nói cụ thể, nhưng tôi có thể tiết lộ rằng, trong chuyến đi Nhật Bản lần này, chúng tôi sẽ thảo luận với các tập đoàn lớn của Nhật Bản về những dự án lớn, có tính chất hình thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, từ đó làm nền tảng để tạo sức lan tỏa, lôi kéo, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam.

Vậy còn PPP, thưa Bộ trưởng? Đây là hình thức đầu tư quan trọng mà Việt Nam đang kỳ vọng thúc đẩy. Bộ trưởng mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những dự án nào ở Việt Nam?

Trước mắt, chúng tôi quan tâm đến các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành, các dự án giao thông đô thị, như đường sắt trên cao ở Hà Nội, TP.HCM và cả dự án đường sắt Bắc - Nam trong tương lai… Đây đều là các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.

Cầu Nhật Tân (Hà Nội), sử dụng vốn ODA Nhật Bản, được xem là cây cầu hữu nghĩ Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Đ.T
Cầu Nhật Tân (Hà Nội), sử dụng vốn ODA Nhật Bản, được xem là cây cầu hữu nghĩ Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Đ.T

Hiện tại, tuy hành lang pháp lý cho đầu tư theo cơ chế PPP đã có, nhưng chúng tôi đang rà soát lại để sửa đổi làm sao phù hợp với điều kiện thực tế hơn, minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án PPP.

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thông báo về việc triển khai đầu tư Dự án Cao tốc Bắc - Nam, với những thay đổi quan trọng, như thay vì làm từng đoạn tuyến thì chúng ta sẽ nỗ lực giải phóng mặt bằng toàn tuyến, đồng thời điều chỉnh quy mô từ 4 - 6 làn xe trước đây lên 6 - 10 làn, với tầm nhìn dài hạn 30 - 50 năm để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Tất nhiên, quy hoạch là thế, nhưng có thể không làm ngay được 8 - 10 làn, mà trước mắt vẫn sẽ là 4 - 6 làn. Có thể không làm đường lớn ngay, nhưng giải phóng mặt bằng thì phải làm toàn tuyến, để khi nào có nhu cầu, sẽ mở rộng đường rất nhanh, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn.

Chính phủ cũng đã quyết định dành 55.000 tỷ đồng để làm đối ứng cho các dự án PPP. Đây là những tiền đề quan trọng để từ đó các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản, nghiên cứu đầu tư các đoạn, tuyến phù hợp theo cơ chế PPP.

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã hết sức tốt đẹp, nhưng vẫn còn có thể tiếp tục tăng cường và mở rộng. Đâu là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy sự hợp tác này, thưa Bộ trưởng?

Quan trọng nhất là niềm tin. Phải xác lập được niềm tin chiến lược với nhau, cùng chia sẻ và đồng thuận các tầm nhìn, các kế hoạch hợp tác, để từ đó nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Tôi hy vọng rằng, sau chuyến thăm Nhật Bản của tôi lần này, quan hệ hợp tác song phương Việt - Nhật trong tất cả các lĩnh vực sẽ ngày càng được tăng cường và có hiệu quả hơn.

Về đầu tư thì như tôi đã nói ở trên. Về hợp tác ODA, chúng tôi mong muốn phía Nhật Bản có thể đơn giản hóa các thủ tục, tiết giảm các điều kiện về xuất xứ hàng hóa, cắt giảm chi phí… để làm sao nhanh chóng triển khai các dự án ODA, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho Việt Nam, đồng thời cũng là mang lại hiệu quả sử dụng đồng vốn ODA mà Nhật Bản đã tài trợ cho Việt Nam.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều rằng, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đặt kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, vào một bối cảnh mới. Thế giới cũng đang chuyển mình theo một trật tự mới, với việc hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng mới trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng muốn chia sẻ tầm nhìn với Nhật Bản để thấy được mình ở đâu trong trật tự thế giới mới đó, ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi mong muốn cùng hợp tác với Nhật Bản để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, độc lập, tự chủ hơn và có thể kết nối với cả thế giới.

Ngân hàng Việt chuộng đối tác Nhật Bản
Làn sóng rót vốn mua cổ phần các ngân hàng, công ty tài chính, cho thuê tài chính trong nước của nhà đầu tư Nhật Bản chưa dừng lại. Xét về quy mô,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư