Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 14/8: Tăng tốc độ tiêm chủng; thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154; Hà Nội chỉ có 2 ca mới
D.Ngân - 14/08/2021 09:50
 
Nhiều địa phương đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 để phòng chống dịch bệnh.

Số ca mắc mới tại các ổ dịch: Bình Dương giảm mạnh, TP.HCM tăng cao

Tính từ 18h ngày 13/8 đến 18h ngày 14/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.710 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca. Tại TP.HCM tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân.

Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).

Theo Bộ Y tế, từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).

***

Trong ngày Bộ Y tế công bố 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 14/8. Đến thời điểm hiện tại tổng số ca được điều trị khỏi: 96.985 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 579 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Chiều 14/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 349 ca tử vong tại TP.HCM (285), Bình Dương (32), Long An (10), Tiền Giang (5), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hậu Giang (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến 14/8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do Covid-19).

Trong ngày 13/8 có 727.902 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.

Để phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch Covid-19.

Các địa phương tăng cường phòng chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế.

TP.HCM triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) cho các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 điều trị ngoại trú.

Chương trình sẽ sử dụng có kiểm soát ngoài cộng đồng thuốc Molnupiravir, đây là thuốc đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị.

Hơn 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm về Việt Nam

Ngày 14/8, chuyến bay từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đưa khoảng một triệu liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Lô hàng này nằm trong số 5 triệu liều vắc-xin Vero Cell mà Bộ Y tế đồng ý để Công ty TNHH Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu.

Trước đó, ngày 31/7, khoảng 1 triệu vắc-xin Vero Cell cũng đã về đến TP.HCM. Ngày 10/ 8, Bộ Y tế có văn bản đồng ý cho Thành phố sử dụng một triệu liều vắc-xin này.

Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 2 triệu liều vắc-xin Vero Cell trong tổng số 5 triệu liều trên về đến Việt Nam.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 13/8, Thành phố đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 93.993 người. Trong đó, 17.916 liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm đã được tiêm.

Vắc-xin Vero Cell được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 ngày 3/6.

Công ty TNHH Dược Sài Gòn chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc-xin nhập khẩu; đảm bảo việc bảo quản vắc-xin tại các cơ sở bảo quản theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin nhập khẩu; đồng thời bảo đảm việc sử dụng vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Đơn hàng có giá trị một năm và Cục Quản lý Dược đề nghị công ty phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông, phân phối thuốc và các quy định về dược liên quan.

Hà Nội tìm người liên quan lò mổ Minh Hiền

Chiều 14/8, CDC Hà Nội đã có thông báo tìm người liên quan đến Công ty TNHH Minh Hiền (lò mổ Minh Hiền) địa chỉ: Cụm công nghiệp Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội từ 31/7/2021 đến 13/8/2021.

Những người đã đến, liên quan đến địa điểm trong khoảng thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn, Trung tâm Y tế Thanh Oai (0916.874.282) hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/0949.396.115.

Trước đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Thanh Oai cũng phát đi thông báo khẩn về việc rà soát, quản lý các trường hợp liên quan đến ca dương tính tại Công ty TNHH Minh Hiền, xã Bích Hòa.

Theo thông báo, 8 giờ ngày 14/8/2021 UBND huyện Thanh Oai nhận được thông báo kết quả dương tính với SARS-CoV-2 của 2 trường hợp tại Công ty TNHH Minh Hiền.

Trường hợp 1: N.T.T., nữ, sinh năm 1971, trú tại Thôn Mùi, Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội (người đến mua hàng).

Trường hợp 2: Đ.X.M., nam, sinh năm 1979, trú tại Ngô Thì Nhậm, phường Hà Cầu, quận Hà Đông (nhân viên bảo vệ).

Được biết, Công ty TNHH Minh Hiền (lò mổ Minh Hiền) cung cấp số lượng khá lớn thực phẩm (thịt lợn) cho thị trường khu vực và nhiều địa bàn của Hà Nội.

Tăng tốc độ tiêm chủng

Ngành Y tế Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bến Tre, Cà Mau, Long An cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất để tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân ngay khi Bộ Y tế phân bổ.

Nhiều địa phương đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 để phòng chống dịch bệnh.

Theo Sở Y tế Khánh Hòa, trong đợt 4, địa phương nhận về 42.000 liều vắc-xin Covid-19 của Moderna, tiêm cho 21.000 người 2 mũi cách nhau một tháng. 5.650 liều vắc-xin Pfizer tiêm mũi một cho những người tiêm cách nhau một tháng. 25.000 liều vắc-xin AstraZeneca dùng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm cách đây 8 tuần.

Lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho hay, tổng hợp từ các đơn vị, nhu cầu tiêm vắc-xin đợt này rất lớn. Tuy nhiên, số lượng phân bổ của Bộ Y tế giới hạn cho từng đợt, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh Khánh Hòa thống nhất sẽ phê duyệt trường hợp cần tiêm sớm ngay trong đợt thứ 4.

Tỉnh Khánh Hòa cũng bố trí 35 điểm tiêm trên toàn tỉnh để tiến hành tiêm nhanh nhất. Dự kiến việc phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế cho tỉnh Khánh Hòa đến cuối năm là hơn 1,4 triệu liều. Nếu Bộ Y tế phân bổ vắc-xin đúng tiến độ như đề ra, đến cuối năm tỉnh sẽ có 95% người dân được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Đến năm 2022, Khánh Hòa sẽ có 95% người dân tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài ra, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã đồng ý chủ trương dùng ngân sách để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Theo ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh vừa đặt mua 700.000 liều vắc-xin Nano Covax để tiêm cho người dân. Trong 700.000 liều vắc-xin đặt mua, khoảng 500.000 liều sẽ dùng ngân sách, số còn lại được tài trợ và vận động nguồn xã hội hóa.

***

Tại Đà Nẵng, Bộ Y tế dự kiến phân bổ các nguồn vắc-xin đã có cam kết, viện trợ và ký hợp đồng trong năm 2021 cho thành phố với số lượng hơn 1,57 triệu liều.

Số vắc-xin này tiêm cho gần 827.000 người từ 18 tuổi trở lên (đạt 95% dân số thành phố).

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết căn cứ số lượng vắc-xin dự kiến tiếp nhận, UBND TP thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thành phố; Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, thành phố thiết lập 10 điểm tiêm, với 100 đội tiêm. Bên cạnh đó, Sở Y tế đề xuất UBND thành phố tối ưu hóa tại các điểm tiêm, tổ chức tiêm thành 2 ca/ngày, thời gian tiêm 14 tiếng/ngày.

Với số lượng điểm tiêm như hiện nay và việc tăng thời gian tiêm, thành phố có thể tiêm hơn 20.000 mũi/ngày. Nếu được cấp vắc-xin như cam kết của Bộ Y tế, đến cuối năm 2021, thành phố sẽ tiêm đạt 95% dân số từ đủ 18 tuổi.

***

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết Bộ Y tế đã phân bổ cho địa phương này 4 đợt với khoảng 140.000 liều vắc-xin phòng Covid-19. Ngày 14/8, Bến Tre sẽ tiêm xong đợt 4 và có khoảng 12.000 người đủ 2 liều.

Theo phân bổ của Bộ Y tế, từ đây đến cuối năm 2021, Bến Tre được phân bổ 1,8 triệu liều để phủ 90% dân số của địa phương này.

Cà Mau đã tiêm 126.000 liều vắc-xin cho người dân, đạt 17% dân số toàn tỉnh và tỉnh kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục cấp thêm vắc-xin.

***

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Y tế đã 10 lần phân bổ vắc-xin cho tỉnh Cà Mau tổng số 126.000 liều. Đến nay, lực lượng chức năng Cà Mau đã tiêm được 150.239 liều cho 138.791 người thuộc các đối tượng ưu tiên và người dân trên địa bàn tỉnh.

Cao điểm trong 3 ngày (từ 9 đến 11/8), cả tỉnh tiêm chủng đạt tốc độ nhanh chóng cho gần 38.000 người. Các đối tượng tiêm được mở rộng đến công nhân các nhà máy, xí nghiệp, tài xế vận chuyển hàng hóa thiết yếu, các hộ buôn bán kinh doanh…

***

Tại Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hòa cho biết, từ ngày 5/8 đến nay, Long An đã huy động tất cả nguồn nhân lực tiêm vắc-xin cho toàn dân từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương vùng đỏ (các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An) với số lượng dự kiến hơn 852.000 người.

Phương án tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu, địa phương này xong mới chuyển sang địa phương khác và sau đó tiến hành tiêm phòng cho người dân vùng xanh. Sau một tuần đẩy nhanh tiến độ, Long An đã tiêm hết 400 nghìn liều vắc-xin đã được Bộ Y tế phân bổ.

Để nhanh chóng khống chế, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Long An kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm 600 nghìn liều vắc-xin để tiếp tục tiêm ngay cho toàn dân; cam kết thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng đúng theo quy định của Bộ Y tế đã hướng dẫn.

Ngày mai sẽ thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154

Thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội sẽ chính thức được khởi động tại Trường Đại học Y Hà Nội vào ngày mai, 15/8.

Ngày 2/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3679/QĐ-BYT phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19.

Mục tiêu là xây dựng, thống nhất đề cương, hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nghiên cứu sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu tuổi từ 18 tuổi trở lên.

Giai đoạn 1, thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện. Giai đoạn 2 thực hiện trên 300 người tình nguyện tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng ở các tỉnh triển khai nghiên cứu. 

Giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm với số lượng 20.600 đối tượng, gồm giai đoạn 3a (600 người tình nguyện) và 3b (20.000 người tình nguyện).

Theo Bộ Y tế, giai đoạn 1 sẽ khởi động vào ngày 15,16/8 với việc tiến hành tiêm mũi 1 vắc-xin ARCT-154 cho 100 người tình nguyện khỏe mạnh tại trung tâm thử nghiệm lâm sàng - Trường Đại học Y Hà Nội.

GS.TS Tạ Thành Văn, nghiên cứu viên chính, đại diện Đại học Y Hà Nội cho biết, trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên được khám sàng lọc và làm các xét nghiệm.

Theo đề cương nghiên cứu lâm sàng vắc-xin ARCT-154 đã được Bộ Y tế phê duyệt, giai đoạn 1 sẽ được thực hiện trên 100 người tình nguyện khỏe mạnh phân nhóm ngẫu nhiên theo tỷ lệ 3:1 (75% ARCT-154 và 25% giả dược) với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch.

Người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi vắc-xin ARCT-154 hoặc giả dược cách nhau 28 ngày. Các dữ liệu an toàn sau tiêm mũi 1 (ngày 1) đến 7 ngày sau tiêm mũi 2 (ngày 36) sẽ được đánh giá.

Nếu dữ liệu này được Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế đánh giá là vắc-xin ARCT-154 thể hiện tính an toàn, khả năng dung nạp tốt, sẽ xin phép cơ quan quản lý tiến hành sớm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Vắc-xin phòng Covid 19 ARCT-154 là vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA đầu tiên của Việt Nam do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ.

Vắc-xin ARCT-154 được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA – mRNA tự nhân bản).

Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc-xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn, cho hiệu quả phòng ngừa biến thể Sars- Cov-2 nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…

Được biết, các loại vắc xin chống Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA của Arcturus đã và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 tại Mỹ, Singapore và nhiều nước khác trên thế giới. Kết quả nhận được rất khả quan, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt yêu cầu và đáp ứng độ an toàn, khả năng dung nạp.

Đặc biệt, ARCT - 154 là vắc xin chống được biến chủng Delta, đang được thử nghiệm giai đoạn 1,2 tại Singapore. Tại Việt Nam, ARCT - 154 sẽ được thử nghiệm lại giai đoạn 1 và 2; đồng thời thử nghiệm giai đoạn 3 theo đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt. ARCT - 154 là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA đầu tiên của Việt Nam, cũng là công nghệ tân tiến nhất hiện nay - saRNA (self-amplifying mRNA – mRNA tự nhân bản).

Công nghệ trên cho phép sử dụng liều vắc xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn, cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma...

Hà Nội: Chỉ 2 ca mắc mới

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 13/8 đến 6 giờ ngày 14/8 ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, đã được cách ly từ trước, được phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm ho, sốt thứ phát (2)

Cụ thể, bệnh nhân L.H.C, nam, SN 1969 ở đường Bưởi, Cống Vị, Ba Đình, là F1 của BN 128536, được cách ly tập trung từ 29/7.

Bệnh nhân P.Q.A, nam, SN 2006 ở Ngọc Lâm, Long Biên, là F1 của BN 215402 được chuyển cách ly tập trung từ 7/8. Ngày 9/8 BN xuất hiện ho, sốt được chuyển cách ly tại Bệnh viện Đức Giang, xét nghiệm lần 2 âm tính. Ngày 13/8, BN được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021): 2.128 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.178 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 950 ca.

Bộ Y tế đề nghị tiêm vắc-xin Covid-19 theo hình thức cuốn chiếu
Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo hình thức cuốn chiếu “vắc-xin về đến đâu tiêm chủng ngay đến đó".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư