Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 26/7: Việt Nam vượt mốc 100.000 ca nhiễm; Bệnh viện Phổi Hà Nội có 14 ca Covid-19
D.Ngân - 26/07/2021 07:54
 
Với việc ghi nhận thêm 2.708 ca mắc mới trong sáng nay, Việt Nam đã chính thức vượt mốc 100.000 ca nhiễm Covid-19.

{Tiếp tục cập nhật}

Hà Nội: Phạt hơn 1,5 tỷ đồng các cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch

Sau ba ngày thực hiện Chỉ thị số 17 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội đã xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng các trường hợp vi phạm phòng dịch.

Công an Thành phố Hà Nội cho biết, trong ngày 26/7, các đơn vị tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, tuyên truyền và xử phạt 250 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 499,5 triệu đồng; 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động, bị phạt 54 triệu đồng.

Ngoài ra, các đơn vị cũng xử phạt hơn 268 triệu đồng đối với 135 trường hợp có các hành vi vi phạm phòng, chống dịch khác, như không thực hiện biện pháp cách ly; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...

Trong đó, quận Thanh Xuân đã lập biên bản xử phạt 24 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, trong đó 13 cá nhân ra đường không lý do, 11 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, tổng số tiền phạt là 53 triệu đồng.

Các lực lượng chức năng quận Ba Đình tiếp tục cắm chốt, duy trì xử phạt các cá nhân ra ngoài đường không có lý do chính đáng; ngăn chặn, không để các chợ tạm hoạt động; bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch tại chợ truyền thống.

Như vậy, tính từ thời điểm Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội đến nay, Công an Thành phố và các đơn vị đã xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng các trường hợp vi phạm.

Trong những ngày tiếp theo của đợt giãn cách này, Công an Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp tuyên truyền, đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

***

Bác bỏ tin đồn Hà Nội lập 3.000 chốt phòng dịch Covid-19

Tối 26/7, lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội khẳng định, thông tin trên mạng xã hội Facebook về nội dung "Thủ đô sẽ có 3.000 chốt kiểm dịch Covid-19 được lập trong thời gian tới" là hoàn toàn sai sự thật. Đây là những thông tin bịa đặt, không có cơ sở, thiếu chính xác và gây hoang mang dư luận.

Công an TP Hà Nội bác bỏ tin đồn sẽ có 3.000 chốt chặn dịch Covid-19 tại Thủ đô.

Hiện, Công an Thành phố đã đề nghị lực lương an ninh mạng và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông vào cuộc, truy tìm tài khoản đăng thông tin sai sự thật, để nhanh chóng xử lý, không làm người dân hoang mang, lo lắng.

Trước đó, ngày 26/7, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin với nội dung: "Sáng mai có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tuỳ thân và giấ tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết...". Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều bình luận của người dân. Trong đó, có nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, hoang mang.

***

Hà Nội: 81 ca mắc/ngày

Theo Bộ Y tế, trong ngày 26/7, nước ta đã ghi nhận 7.882 ca mắc mới, gồm 23 ca nhập cảnh và 7.859 bệnh nhân trong nước.

Số ca mắc cao nhất là ở TP.HCM, với 5.997 ca, sau đó là Bình Dương (733), Đồng Nai (259), Tiền Giang (201), Đồng Tháp (135), Hà Nội (81)…

Trong số các ca mắc của Hà Nội, chiếm phần lớn là tại ổ dịch Bệnh viện Phổi Hà Nội, còn lại là tại các ổ dịch khác.

Tính đến chiều ngày 26/7, Việt Nam có tổng 106.347 ca mắc, gồm 2.201 ca nhập cảnh và 104.146 bệnh nhân trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 102.576 ca. Tổng cộng 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện tại, 7/62 tỉnh, thành phố trải qua 14 ngày không ghi nhận F0 mới, gồm Yên Bái, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Ngoài ra, 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang.

Riêng trong ngày 26/7, Bộ Y tế công bố 2.006 người Covid-19 khỏi bệnh, nâng tổng số ca điều trị khỏi lên 21.344 trường hợp.

Ngành Y tế đang điều trị cho 126 ca nặng, can thiệp ICU; 15 bệnh nhân nguy kịch, được thở ECMO.

Trong 24 giờ qua, Việt Nam thực hiện 102.182 xét nghiệm cho 446.460 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 5.364.440 mẫu, cho 15.428.538 lượt người.

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó, tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.

Cũng trong ngày 26/7, nhằm đáp ứng nhu cầu thuốc phòng Covid-19 và điều trị các bệnh khác, đảm bảo việc bình ổn giá thuốc, ổn định thị trường thuốc trong nước, Cục Quản lý Dược ban hành công văn số 8850/QLD-KD.

Cục yêu cầu các sở y tế tỉnh, thành phố, cơ sở sản xuất nhập khẩu thuốc trên cả nước phải đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống Covid-19.

***

Đồng Nai: Nhiều ca bệnh diễn biến nặng

Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tính đến chiều 26/7/2021, số ca nhiễm Covid-19 mới trong đợt dịch thứ 4 của tỉnh này là 2.675.

Trong đó, TP. Biên Hòa nhiều nhất với 1.440, huyện Vĩnh Cửu 314, huyện Nhơn Trạch 286, huyện Thống Nhất 177 ca. Số ca tử vong là 8 trường hợp.

Đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho hay, trên địa bàn tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới liên quan đến các điểm dịch tại các xã, phường đã phong tỏa.

Một số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục xuất hiện trong một số doanh nghiệp. Số ca dương mới phát hiện thông qua test nhanh sàng lọc còn cao, rải rác trong ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Như vậy nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, dịch tiếp tục diễn biến theo chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát. Số ca bệnh diễn biến nặng tăng, nguy cơ số tử vong tăng.

Hiện nay, Đồng Nai đã ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 ở các khu công nghiệp Long Bình, Sông Mây, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn, Nhơn Trạch 2.

Một số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có quy mô lớn như Công ty Pouchen, Changshin đã xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19.

Các khu nhà trọ công nhân ở TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và các địa phương khác đã có ổ dịch lây nhiễm thứ phát. Nguy cơ bùng phát dịch, lây lan rộng trong các khu chợ, khu nhà trọ công nhân, các cơ sở sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp rất cao.

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã có khoảng 20 doanh nghiệp ở Đồng Nai, thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (ăn ở tại chỗ, làm việc tại chỗ; phòng, chống dịch tại chỗ), đảm bảo an toàn chuỗi sản xuất, không đứt gãy đơn hàng.

Đồng Nai là tỉnh có 32 khu công nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp sử dụng trên dưới 30.000 lao động. Việc tập huấn thường xuyên cho các tổ kiểm tra trong doanh nghiệp là cần thiết góp phần ngăn chặn dịch lây lan.

Theo đại diện Bộ Y tế, công tác chống dịch trong khu công nghiệp rất quan trọng, vai trò của tổ kiểm tra là cánh tay nối dài của chính quyền quận, huyện, thành phố trong rà soát, nhắc nhở giúp doanh nghiệp sản xuất an toàn trong chống dịch.

***

TP.HCM đã tiêm vắc-xin cho hơn 170.000 người trong đợt 5

Tính đến trưa 26/7, TP.HCM đã tiêm được 170.177 liều vắc-xin ngừa Covid-19 đợt 5 tại các điểm tiêm ở trung tâm y tế, cộng đồng, bệnh viện.

Đây là thông tin được ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cung cấp tại buổi họp báo về công tác tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đợt 5 trên địa bàn Thành phố, diễn ra chiều 26/7.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Theo ông Dương Anh Đức, chiến dịch tiêm vắc-xin đợt 5 đã được bắt đầu từ 14 giờ ngày 22/7. Đến trưa nay TP.HCM đã tiêm 170.177 liều tại các điểm tiêm ở trung tâm y tế, cộng đồng, bệnh viện.

Trong quá trình tiêm, ghi nhận 189 trường hợp có phản ứng sau tiêm nhưng chưa có trường hợp nào thực sự nặng, tất cả đều đã được xử lý ổn. Phần lớn người có phản ứng là người được tiêm trong bệnh viện vì đây là những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.

Về công tác tổ chức tiêm, Thành phố đã có 606 đội tiêm vắc-xin, chưa kể các đội tiêm chuyên trách của các bệnh viện. Trong những ngày qua, tốc độ tiêm đang tăng dần, ngày 22/7 chỉ tiêm một buổi để test hệ thống, sau đó thống nhất quy trình, hoàn thiện phần mềm.

“Đến hôm nay, Thành phố đã đạt được tốc độ tối đa là 60% so với dự kiến, từ ngày mai sẽ tăng tốc dần lên. Khi đạt được đầy đủ công suất thì có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ ngày”, ông Đức nói và khẳng định so với đợt 4 thì lần này có thể tổ chức tiêm nhanh hơn.

Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách vẫn phải giữ an toàn cho người dân, giảm ùn ứ, không vi phạm quy định giãn cách. Do đó, các bộ phận tổ chức tiêm phải kỹ lưỡng, nên chỉ đặt mục tiêu 100.000 liều/ngày.

Theo ông Đức, dù đặt mục tiêu 100.000 liều/ngày nhưng số được tiêm thật sự không đến vì có người được khám kĩ nhưng không đủ điều kiện được tiêm (không dưới 10%). Do đó, có thể ước lượng được với 90.000 người/ngày thì trong 10 ngày có thể đạt đủ số liều vắc-xin đợt này và sẽ tổ chức tiêm “vét” cho các đối tượng khác sau một tuần sau đó.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm, trong đợt tiêm vắc-xin lần thứ 5 này, Thành phố sử dụng ba loại là AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Vắc-xin sau khi về đến kho của Bộ Y tế tại Viện Pasteur TP.HCM thì sẽ chuyển về kho của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), kế đến chuyển về kho của các quận, huyện. Trong đó, Vắc-xin của AstraZeneca có thể tiêm ngay, còn Pfizer phải làm nguội bớt mới được tiêm và phải tiêm trong ngày.

TP.HCM được cấp tổng số 902.790 liều vắc-xin, trong đó 612.600 liều Astrazeneca, 235.200 liều Moderna và 54.990 liều Pfizer. Hiện số liều vắc-xin Astrazeneca và Moderna đã về đủ ở Viện Pasteur TP.HCM, còn Pfizer mới về 25.740 liều.

Thành phố đã cấp cho các quận huyện, bệnh viện 432.718 liều cả ba loại vắc-xin để chuyển cho các đơn vị tổ chức tiêm và tiếp tục sẽ chuyển về để đảm bảo lưu trữ theo đúng quy định.

***

24 ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Hà Nội

Bác sĩ Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết cơ sở đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19.

Trong số đó, phần lớn là người bệnh đang điều trị tại Khoa Nội 3, Khoa Nội 1 và Khoa Nội 5; Các trường hợp khác là người nhà chăm bệnh nhân tại Khoa Nội 3 và Khoa Nội 4 và nhân viên y tế tại Khoa Nội 3, Khoa Nội 2 và Khoa Nội 4.

Ngay trong sáng nay (26/7), UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định về việc thiết lập khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với Bệnh viện Phổi Hà Nội (số 44 Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) trong vòng 14 ngày (kể từ 18h ngày 25/7 cho đến khi có quyết định mới của UBND quận).

Theo quyết định này, đối tượng cách ly là toàn bộ người hiện đang có mặt tại Bệnh viện Phổi Hà Nội có liên quan đến bệnh nhân dương tính với Covid-19.

UBND quận Hai Bà Trưng cũng đề nghị Bệnh viện Phổi Hà Nội cung cấp danh sách bệnh nhân ra viện kể từ ngày 6/7/2021 để phục vụ công tác điều tra, truy vết tại cộng đồng.

Trước đó, vào tối 25/7, nữ bệnh nhân L.T.T.L (sinh năm 1997, địa chỉ ở quận Tây Hồ) được điều trị tại Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Hà Nội từ ngày 6/7 đến 22/7. Sau khi xuất viện vào ngày 22/7, đến ngày 24/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt và đến khám tại Bệnh viện Phương Đông.

Tại đây, bệnh nhân được làm test nhanh và có kết quả dương tính. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương và ngày 25/7 có kết quả RT-PCR dương tính.

Ngay sau đó, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã tiến hành phong tỏa toàn bộ Khoa Nội 3, đồng thời rà soát, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc và phát hiện 14 trường hợp dương tính, trong đó có 9 trường hợp tại Khoa Nội 3 được CDC khẳng định dương tính vào cuối giờ chiều 25/7. Đến 18h ngày 25/7, bệnh viện đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Được biết, sáng ngày 26/7, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết đã có 21 ca mắc mới liên quan một số ổ dịch gồm:

Chùm liên quan tới Bệnh viện Phổi Hà Nội, 9 ca; Nguyễn Khuyến, Đống Đa, 3 ca; Trại Găng, Hai Bà Trưng, 2 ca; Nhà thuốc Đức Tâm, 2 ca; liên quan tới TP.HCM 2 ca; 1 ca ở Tân Mai, Hoàng Mai và 1 ca phát hiện sau khi sàng lọc trong cộng đồng.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ ngày 29/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 751 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Trong đó, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 482 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Thông qua tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng mới đây, Thành phố đã phát hiện thêm tổng cộng 62 trường hợp nhiễm Covid-19.

***

Đồng Tháp kiểm soát và nâng cao năng lực điều trị các ca Covid-19 nặng 

Đồng Tháp đang tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách toàn Tỉnh theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc tại cộng đồng khi đến khám tại cơ sở y tế. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong thời gian tới khi tăng cường xét nghiệm diện rộng và nếu không thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16.

Ngành y tế Đồng Tháp tặng quà cho các bệnh nhân vừa xuất viện. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp 

Theo tiểu ban thông tin tuyên truyền tỉnh, Đồng Tháp hiện có gần 20 bệnh nhân đang điều trị tiên lượng rất nặng tại khoa Hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp.

Bên cạnh tổ công tác của Bộ Y tế, chuyên gia hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bắc Giang và Bắc Ninh đã được huy động tới Đồng Tháp với mục tiêu hạn chế tối đa nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân nặng.

Theo bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế: Với quyết tâm cao của lực lượng y tế trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia giỏi và Tổ công tác Bộ y tế đã sát cánh cùng Đồng Tháp. Cơ bản năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 của Đồng Tháp được củng cố dần, kể cả hỗ trợ về kinh nghiệm, tư vấn, điều trị, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều được tăng cường cho tỉnh Đồng Tháp, từ đó chất lượng sàng lọc, lấy mẫu và cách ly điều trị được nâng lên rõ rệt.

Đặc biệt, các Đoàn cán bộ, chuyên gia Bệnh viện Trung ương Huế; đoàn y tế của Bắc Giang và Bắc Ninh... đã vào giúp địa phương. Các đoàn vừa xét nghiệm vừa tham gia hội chẩn, đánh giá ca bệnh một cách chuẩn xác hơn. Vậy nên số ca bệnh nặng và tử vong ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc đã được kiểm soát. Các ca nặng, tiên lượng tử vong cao được cải thiện dần. Trong những ngày tới, Tổ công tác Bộ Y tế và các đoàn tiếp tục hỗ trợ các cơ sở y tế khác ở Đồng Tháp trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hiện Đồng Tháp đang sàng lọc xét nghiệm 2.000 mẫu/ngày. Cùng với đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ test nhanh cho tỉnh này. 

Tại các điểm nguy cơ cao, Đồng Tháp đã thiết lập các đoàn giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại các chợ trung tâm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Khắc phục ngay việc chủ quan trong phòng, chống dịch. Cùng với đó, Đồng Tháp đã lập hơn 200 chốt kiểm dịch để kiểm soát người lẫn phương tiện. Đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Để sớm phát hiện ca bệnh, Đồng Tháp cũng phải đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực Sa Đéc, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh. Chính quyền các phường, khóm, ấp phải cử cán bộ hỗ trợ các tổ lấy mẫu trong công tác phân luồng, giãn cách những người được lấy mẫu nhằm phòng chống nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu.

Quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra cộng đồng. Phân công cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định tại các khu cách ly y tế tập trung qua camera giám sát kết nối tập trung.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục kiểm soát tình hình tại các khu cách ly và các khu vực có ca nhiễm trong cộng đồng với quy trình chặt chẽ hơn.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong chỉ đạo ngành y tế, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, có thể xem xét tăng cường thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ở mức cao hơn tại một số khu vực, điểm nóng; đồng thời tập trung biện pháp tăng cường tuyên truyền, giám sát để người dân, các tổ chức, cá nhân thực hiện giãn cách xã hội triệt để, chặt chẽ hơn, hạn chế tối đa tiếp xúc, lây lan mầm bệnh.

Theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, từ 18 giờ ngày 25/7 đến 06 giờ ngày 26/7, ghi nhận 19 ca mắc mới, gồm  06 ca trong các cơ sở cách ly tập trung và 13 ca phát hiện thông qua sàng lọc cộng đồng, gồm: Trung tâm Y tế huyện Thanh Bình 02 ca liên quan đến 01 công ty đóng trên địa bàn huyện Tam Nông (01 ca ngụ ấp Tân Thới, xã Tân Quới, 01 ca ngụ Ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình); Trung tâm Y tế huyện Châu Thành 11 ca (09 ca ngụ ấp An Hòa, 01 ca ngụ ấp Tân Hòa, 01 ca ngụ ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp).

Cộng dồn Đồng Tháp có: 2.010 ca (từ ngày 24/6/2021 là 1.980 ca).

***

Cần Thơ lập 8 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngày 25/7/2021, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đã ký 4 Quyết định thành lập 4 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.

Bệnh viện dã chiến Thốt Nốt qui mô 400 giường có trụ sở làm việc đặt tại Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt

Đó là Bệnh viện dã chiến Phong Điền có trụ sở làm việc đặt tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, với qui mô 150 giường.

Bệnh viện dã chiến Thốt Nốt có trụ sở làm việc đặt tại Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt, với qui mô 400 giường.

Bệnh viện dã chiến Số 1 đặt tại Trường Chính trị TP. Cần Thơ (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Bình, quận Ninh Kiều), có qui mô 600 giường.

Bệnh viện dã chiến Số 2 với qui mô 800 giường, có trụ sở làm việc gồm 2 khu: Khu A đặt tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm TP. Cần Thơ (Số 108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) có qui mô 600 giường và Khu B đặt tại Nhà thi đấu đa năng Cần Thơ (Đường Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), với qui mô 200 giường.

Trước đó, TP. Cần Thơ cũng đã thành lập các Bệnh viện dã chiến: Cái Răng, Bình Thủy, Thới Lai, Quân Dân Y với tổng quy mô 450 giường, đã được kích hoạt và tiếp nhận bệnh nhân.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP. Cần Thơ, trong ngày 25/7/2021, trên địa bàn TP. Cần Thơ ghi nhận 150 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó: 02 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 50 trường hợp là F1 của các ca bệnh đã công bố trước đó; 13 trường hợp trong khu cách ly và 85 trường hợp được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm.

Tại TP. Cần Thơ, số trường hợp mắc COVID-19 tính đến 18h00 ngày 25/7/2021 là 688 người. Số trường hợp đang cách ly tập trung là 2.387 người; lũy tích đến nay, có 5.528 người hoàn thành cách ly tập trung, trở về địa phương. Số người đang trong thời gian theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn là 3.764 người; lũy tích đến nay có 63.113 người hoàn thành theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú.

Các lực lượng chức năng của TP. Cần Thơ khẩn trương truy vết nhanh các ca F0, F1, F2 và các trường hợp liên quan, đồng thời, tiến hành phun khử khuẩn các địa điểm theo quy định.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, TP. Cần Thơ  tiếp tục chỉ đạo các siêu thị và cửa hàng tiện ích thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên những người có thẻ đại diện hộ gia đình đi mua hàng trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình kinh doanh đưa chợ ra phố trên địa bàn các quận, huyện.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP. Cần Thơ, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội, vẫn còn một số trường hợp không chấp hành quy định, gây cản trở đối với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch.

Chỉ tính riêng ngày 25/7/2021, qua công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện và xử phạt đối với 568 trường hợp cá nhân không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch (trong đó, tại quận Ninh Kiều xảy ra vi phạm nhiều nhất với 220 trường hợp bị xử phạt), với số tiền xử phạt là 1,4 tỷ đồng, các hành vi vi phạm chủ yếu như: không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy cách nơi công cộng, ra ngoài trong trường hợp không cần thiết…

Lũy kế từ ngày 10/7/2021 đến ngày 25/7/2021, các lực lượng chức năng TP. Cần Thơ đã xử phạt đối với 1.901 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hơn 4,3 tỷ đồng.

***

Việt Nam vượt mốc 100.000 ca nhiễm

Trong đó, số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ tư kể từ ngày 27/4 đến nay là 97.421 ca.

Bệnh viện Phổi Hà Nội dừng tiếp nhận bệnh nhân vì có 14 ca Covid-19.

Tính từ 19 giờ ngày 25/7 đến 6 giờ ngày 26/7, Việt Nam có 2.708 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 2.704 ca ghi nhận trong nước. TP.HCM vẫn dẫn đầu với 1.714 ca mắc, tiếp sau là Bình Dương (407), Tiền Giang (201), Đồng Nai (125)...

Tính đến sáng 26/7, Việt Nam có tổng 101.173 ca mắc, trong đó có 2.182 ca nhập cảnh và 98.991 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 97.421 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đến nay, có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.

Theo Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương rà soát các điều kiện để thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 với quy mô 500 giường bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với diễn biến tình hình dịch; đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố có tình trạng gia tăng nhanh số lượng, tốc độ và phạm vi lan truyền dịch Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành về việc tổ chức tiêm chủng an toàn và bảo đảm phòng, chống dịch; thực hiện đúng quy định về giãn cách; phân chia khung thời gian để tránh tình trạng tập trung đông người...

***

154 ca bệnh Covid-19 tử vong

Sáng 26/7, Bộ Y tế cho biết, nước ta có thêm 154 ca Covid-19 tử vong trong những ngày gần đây.

10 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh nhân tử vong, gồm TP.HCM (129), Đồng Tháp (9), Long An (7), Cần Thơ (2), Khánh Hòa (2), Ninh Thuận (1), Bắc Ninh (1), Trà Vinh (1), Kiên Giang (1) và Đồng Nai (1).

Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 524 bệnh nhân Covid-19 tử vong, chiếm 0,52% tổng số ca mắc (101.173 trường hợp dương tính).

Về tình hình điều trị, theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 19.342 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 130 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 17 ca.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 cũng như các biện pháp đã triển khai thời gian qua, các chuyên gia dự báo tại TP.HCM và các địa phương phía Nam tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca bệnh sẽ gia tăng và đặc biệt có thể xuất hiện bệnh nhân nặng trong thời gian tới đây.

Do đó, song song với việc giảm số ca mắc thì việc giảm tỉ lệ tử vong được người đứng đầu ngành Y tế coi là nhiệm vụ ưu tiên, hàng đầu.

Về giảm tải hệ thống y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng bộ phận phía Nam đã thống nhất chỉ đạo phân loại các trường hợp nghi nhiễm; nhiễm; trường hợp bệnh nhân và bệnh nhân nặng.

Lo ngại về tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Việt Nam, chuyên gia dự báo có thể tăng nhiều so với giai đoạn trước bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất, trong các đợt dịch đầu, Covid-19 phần lớn bùng phát ở khu công nghiệp tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… 

Đối tượng mắc đa số là nhóm công nhân trẻ, khỏe mạnh, tỷ lệ diễn biến nặng rất thấp. Một số ổ dịch bùng phát tại cộng đồng, nhưng đến một mức độ (khi số bệnh nhân chưa quá lớn) đã được khống chế.

Bên cạnh đó, do bệnh nhân giai đoạn trước chủ yếu là thanh niên, nguy cơ diễn biến nặng thấp nên hệ thống y tế chưa bị quá tải, các y bác sĩ dù vất vả vẫn có thể dành nhiều nguồn lực cho ca nặng. Một số bệnh nhân nhiều lần ngừng tuần hoàn hoặc biến chứng suy đa tạng nghiêm trọng vẫn có “kỳ tích” cứu sống.

Tuy nhiên, hiện nay, dịch đã lan mạnh ra cộng đồng, số ca dương tính rất lớn. Đối tượng nhiễm bệnh bao gồm cả người già, trẻ nhỏ, người mang bệnh mạn tính, bệnh cấp tính…Trong đó, nhóm cao tuổi có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong rất cao (một số khu vực trên thế giới, tỷ lệ tử vong của nhóm này lên tới 80-90%).

Ngoài ra, khi số ca mắc quá lớn, lượng bệnh nhân diễn tiến nặng, cần đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức cũng tăng lên, nguồn lực y tế khó đảm bảo như giai đoạn trước.

Được biết, đến sáng 26/7, nước ta có 130 trường hợp diễn tiến nặng, đang điều trị ICU và 17 bệnh nhân nguy kịch, phải can thiệp ECMO.

Để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong, việc can thiệp tích cực ngay tại cộng đồng nhằm giảm số ca mắc có vai trò quan trọng. 

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế, đặc biệt là thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh hơn.

***

Bệnh viện Phổi Hà Nội dừng tiếp nhận bệnh nhân vì có 14 ca Covid-19

Tối 25/7, thông tin từ Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, qua xét nghiệm sàng lọc, Bệnh viện đã phát hiện 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (gồm 10 bệnh nhân, 3 nhân viên, 1 người nhà bệnh nhân) tại Khoa Nội 3

Ngay sau đó, 14 mẫu xét nghiệm trên được gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để xét nghiệm khẳng định. 

Tối cùng ngày, Sở Y tế thông tin, bệnh nhân L.T.T.L., nữ, sinh năm 1997, địa chỉ: Phú Thượng, Tây Hồ. Bệnh nhân có tiền sử điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội từ ngày 6/7 đến 22/7. 

Ngày 24/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt đến khám tại Bệnh viện Phương Đông được làm test nhanh dương tính Covid-19. Bệnh viện chuyển mẫu đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngày 25/7, bệnh nhân có kết quả RT-PCR dương tính (do Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện).

Sau khi nhận thông báo về bệnh nhân L. dương tính, từ 7 giờ sáng nay, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã cách ly y tế toàn bộ Bệnh viện, tiến hành "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Cùng với đó, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những người có mặt tại Bệnh viện. Theo đó, Bệnh viện sẽ lấy gần 400 mẫu.

Tính đến 18 giờ tối nay, Bệnh viện đã lấy được 323 mẫu, trong đó có 214 bệnh nhân hiện đang điều trị tại Bệnh viện. Sau khi xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 14 ca dương tính tại Khoa Nội 3, bệnh viện đã lập tức phong tỏa toàn bộ khoa này. 

Khi nhận được thông báo của CDC Hà Nội, 9/14 ca có kết quả khẳng định dương tính, vào 18 giờ tối nay, Bệnh viện đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Theo Bệnh viện Phổi Hà Nội, hiện chưa xác định được nguồn lây. Công tác truy vết, điều tra dịch tễ đang được Bệnh viện tiến hành rất khẩn trương. 

Những loại thuốc nào được cấp phép hỗ trợ điều trị Covid-19?
Bộ Y tế vừa công bố danh mục 12 thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư