Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 4/9: Điều kiện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch; Hà Nội tìm người tới tòa nhà FPT Cầu Giấy
D.Ngân - 04/09/2021 08:59
 
Bộ Y tế ban hành công văn số 7316/BYT-MT gửi tới UBND các tỉnh, thành phố về hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.

Giảm hơn 5.000 ca mắc trong ngày

Trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.521 ca, giảm 5.373 ca so với ngày 3/9. TP.HCM giảm 4.395 ca, Bình Dương giảm 1.191 ca, Đồng Nai tăng 6 ca, Long An giảm 20 ca, Tiền Giang giảm 6 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 511.170 ca nhiễm, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi, với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, nước ta đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.199 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 506.912 ca, trong đó có 279.742 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các sở y tế công bố thì nước ta có 347 ca tử vong tại TP.HCM (256), Bình Dương (45), Long An (9), Đồng Tháp (6), Đồng Nai (ngày 3 - 4/9: 5 ca), Khánh Hòa (5), Tiền Giang (5), Cần Thơ (4), Đà Nẵng (4), Đắk Lắk (2), Hà Nội (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1), Quảng Nam (1), Vĩnh Long (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).

Về tình hình điều trị, 11.848 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19 trong ngày. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.572 ca, trong đó, 4.204 phải thở oxy qua mặt nạ, 1.267 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, 173 ca thở máy không xâm lấn, 899 người thở máy xâm lấn, 29 ca can thiệp ECMO.

Ngày 3/9, 210.119 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 21.046.279 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.998.754 liều, tiêm mũi 2 là 3.047.525 liều.

Bộ Y tế yêu cầu điều tra ổ dịch mới ở Nam Định

Trong công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Nam Định, Bộ Y tế cho biết qua tổ chức lấy mẫu test nhanh sàng lọc cho đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn tỉnh vào ngày 31/8, Trung tâm y tế Hải Hậu đã ghi nhận 26 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Theo kết quả xét nghiệm rRT-PCR của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nam Định, 10 trường hợp nhiễm với SARS-CoV-2. Họ là giáo viên, người nhà của giáo viên trường Mầm non thị trấn Yên Định, sinh sống tại tổ dân phố số 2,3,4, thị trấn Yên Định và xóm 17 xã Hải Hưng.

Bộ Y tế nhận định các trường hợp này có tiền sử dịch tế đi lại và tiếp xúc phức tạp, khả năng lây nhiễm cao. Cơ quan này đề nghị tỉnh Nam Định tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần và có liên quan các bệnh nhân.

Nam Định cần thông báo danh sách các trường hợp trên cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết, cách ly y tế kịp thời, đảm bảo không để lọt F1, F2.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị ngành Y tế Nam Định lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nguy cơ, bao gồm người thân, cán bộ, nhân viên trường mầm non, người tiếp xúc gần..., xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Cũng tại công văn hoả tốc này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình khám sàng lọc, phân loại để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.

Tất cả người có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở, lập tức được cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

TP.HCM: Trạm y tế phải quản lý chặt F0 trên địa bàn

Trong công văn khẩn số 6296/SYT-NVY ban hành ngày 3/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, hoạt động chăm sóc, quản lý người F0 đang cách ly tại nhà đã được một số địa phương triển khai hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn một số phường, xã, thị trấn chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Y tế, ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc và điều trị.‏

‏Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức, quận, huyện tập trung triển khai và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý người F0 cách ly tại nhà.

Theo đó, các trạm Y tế phường xã, thị trấn, trạm y tế lưu động được yêu cầu phải quản lý cho được danh sách người F0 trên địa bàn bằng cách kết hợp các giải pháp bao gồm:‏

‏Khi có kết quả xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và Trung tâm Y tế phải khẩn trương gửi ngay danh sách người F0 mới phát hiện về các trạm Y tế hoặc Trạm Y tế lưu động để triển khai ngay công tác chăm sóc người F0.‏

‏Tổ chức đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh khi nhận được thông tin của người dân báo có kết quả tự xét nghiệm dương tính qua điện thoại hoặc qua phần mềm "Hệ thống khai báo y tế điện tử"; hoặc nhận được thông tin từ Tổ Covid cộng đồng, Tổ dân phố.

Đồng thời sau khi phát hiện trường hợp F0 mới các trạm y tế cần phải ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình; phát ngay túi thuốc điều trị Covid-19 (gói thuốc A, gói thuốc B, gói thuốc C) và hướng dẫn các F0 sử dụng.

‏Ngoài ra, cần tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung; hướng dẫn người F0 tự theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày; cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần trợ giúp.

Hà Nội: 50 ca mắc mới, ổ dịch Thanh Xuân vẫn “nóng”

Chiều 4/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 4/9, Hà Nội ghi nhận 6 bệnh nhân Covid-19, trong đó 3 ca đã được cách ly, 1 ca khu vực phong tỏa, 2 ca cộng đồng.

Tính từ 18 giờ ngày 3/9 đến 18 giờ ngày 4/9, TP. Hà Nội ghi nhận 50 ca Covid-19, trong đó 37 ca trong khu vực cách ly, 11 ca khu vực phong tỏa, 2 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Trong 50 ca Covid-19 trong ngày, có 23 ca ghi nhận tại quận Thanh Xuân. Như vậy, tính từ ngày 23/8 đến nay, ổ dịch Thanh Xuân Trung 441 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.474 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.561 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.913 ca.

Vĩnh Long nới lỏng giãn cách xã hội

Ngày 4/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ký Quyết định về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh ở mức độ cao hơn so với Chỉ thị số 15/CT-TTg, thay cho Chỉ thị 16 mà tỉnh này đang áp dụng.

Thời điểm bắt đầu áp dụng bắt đầu từ 0h ngày 05/9/2021 đến hết ngày 15/9/2021.

Theo Quyết định, người dân không ra đường trong khoảng thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 04 giờ ngày hôm sau.

Tập trung không quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Người dân không được tự ý di chuyển ra ngoài Tỉnh. Đối với người di chuyển từ vùng dịch về Vĩnh Long sẽ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và chi phí cách ly do cá nhân tự chi trả, trừ những trường hợp được miễn giảm theo quy định.

Trong việc tổ chức đi chợ, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đi chợ thay cho người dân trên địa bàn Tỉnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc hạn chế ra đường. UBND tỉnh Vĩnh Long giao Công an tỉnh thiết kế mẫu giấy đi đường đảm bảo thực hiện thống nhất trên toàn Tỉnh; cấp giấy đi đường cho công nhân trong khu công nghiệp, công nhân xây dựng các công trình do Trung ương quản lý trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp giấy đi đường.

Cụ thể: UBND xã, phường, thị trấn cấp giấy đi đường cho người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; công nhân các công ty, doanh nghiệp, các công trình xây dựng của địa phương trên địa bàn quản lý; giấy đi đường cho người dân trong trường hợp cấp thiết khác.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện việc đeo thẻ.

Đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động nhưng phải đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa được hoạt động trở lại đến khi có thông báo mới.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, tính từ ngày 01/01/2021 đến 07h sáng ngày 3/09/2021, trên địa bàn tỉnh có 2.177 ca mắc COVID-19 đã công bố (14 ca nhập cảnh, 2.163 ca cộng đồng) và 08 trường hợp nghi nhiễm mới chờ Bộ Y tế công bố (tính riêng từ ngày 9/7/2021 đến 3/9/2021 ghi nhận 2.082 ca mắc đã công bố).

Số ca điều trị khỏi cộng dồn từ trước đến nay là 1.788 trường hợp; số ca tử vong là 37.

Lũy kế đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho 227.575 người. Trong đó, có 193.035 người đã tiêm mũi 1 và 34.540 người đã tiêm mũi 2.

Đức tặng Việt Nam 2,5 triệu liều vaccine Astra Zeneca

Ngày 3/9, Chính phủ Đức đã quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vaccine Astra Zeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19. Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ ô-xy. Đây là sự giúp đỡ quý báu và kịp thời, thể hiện tinh thần đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Đức đối với Việt Nam trong thời điểm khó khăn và là minh chứng sinh động cho mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đang ở năm thứ 10 (10/2011 - 10/2021).

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiếp cận được nhiều nguồn vaccine đã được Chính phủ Việt Nam xác định là giải pháp và ưu tiên cấp bách để có thể triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng nhanh và hiệu quả, góp phần sớm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Cho đến nay, viện trợ của Chính phủ Đức là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên EU đối với Việt Nam.

Đây là kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư và điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nỗ lực vận động mà Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, các bộ, ngành và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức đã triển khai trong thời gian qua.

Đức là một trong những nước tài trợ lớn nhất thế giới cho cơ chế COVAX với tổng cam kết đóng góp trị giá 2,2 tỷ Euro. Trên cơ sở đạt yêu cầu về tỷ lệ tiêm chủng trong nước và góp phần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine trên toàn cầu, từ cuối tháng 8/2021, Đức cũng đã bắt đầu chia sẻ nguồn vaccine dôi dư và các trang thiết bị y tế với các đối tác qua cơ chế hợp tác song phương. Dự kiến đến cuối năm 2021, Đức sẽ tài trợ 30 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển.

Nhật Bản viện trợ bổ sung vaccine cho Việt Nam

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 3/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ bổ sung vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Đây là thành quả của vận động cấp cao, nỗ lực của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

Dự kiến số vaccine này sẽ tới Việt Nam ngày 9/9/2021.

Cho đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 3 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Hà Nội tìm người tới tòa nhà FPT, Cầu Giấy

Trưa 4/9, CDC Hà Nội cho biết từ 6h đến 12h ngày 4/9, Thành phố ghi nhận 38 bệnh nhân trong đó 28 ca đã được cách ly, 10 ca khu vực phong tỏa.

Như vậy tính từ 18h ngày 3/9 đến 12h ngày 4/9 ghi nhận 44 ca. trong đó 34 ca trong khu vực cách ly, 10 ca khu vực phong tỏa.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.468 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.909 ca.

Với ca Covid-19 mới được phát hiện, Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 quận Cầu Giấy cũng đã phát đi thông báo tìm những người đã đến địa điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại trụ sở Tập đoàn FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy trong thời gian từ 13h30-15h30 ngày 27/8 và 8-10h ngày 30/8.

Đây là thời gian có ca bệnh Covid-19 cùng đi tiêm chủng. Những người đến địa điểm này vào thời gian trên cần tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn cư trú để được tư vấn hỗ trợ và lấy mẫu xét nghiệm hoặc gọi điện đến số 0969.082.115 - 0949.396.115 (CDC Hà Nội).

Trước đó, tối 3/9, để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thành phố quyết định triển khai biện pháp phòng, chống dịch tại 3 vùng, kể từ 6 giờ 00 ngày 6/9 đến 6 giờ 00 ngày 21/9. Phân toàn bộ địa bàn Thành phố làm 3 vùng với mức độ kiểm soát khác nhau.

UBND Thành phố yêu cầu tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (vùng nội đô), gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Cơ chế vận hành, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam”.

Về giao thông kết nối vùng 2, vùng 3, có 53 đường qua sông/kênh, đóng cứng 30 đường kết nối không thuận lợi cho giao thông, lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí. Lực lượng liên ngành tham gia chốt do Công an thành phố chủ trì phối hợp lực lượng quân đội, thanh tra giao thông, y tế, chính quyền địa phương, thực hiện trực 24/24.

Để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ địa bàn.

Vì sao tỉ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM cao?

Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM ngày 4/9 cho biết, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tính từ đầu năm đến ngày 3/9 trên toàn Thành phố là 9.974 trường hợp. Đến nay, các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 41.000 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có gần 2.800 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang phải thở máy, lọc máu, ECMO.

Số liệu thống kê sơ bộ trong tuần qua ghi nhận, ca tử vong có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm chưa bền vững. Hai cột mốc đáng chú ý nhất là ngày 30/8 số ca bệnh lên tới 335 trường hợp, đến ngày 1/9 số ca bệnh giảm kỷ lục xuống còn 217 ca. Tuy nhiên, ngày 2/9 số ca tử vong lại tăng lên 250 trường hợp. Số ca tử vong mỗi ngày tuy đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức rất cao.

Theo TS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, số trường hợp tử vong trên tất cả ca bệnh của toàn Thành phố đang chiếm 4,2%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tùy theo giai đoạn, có những nơi tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1% đến 4,4%. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong trên địa bàn TP.HCM đang nằm trong giới hạn cao so với thế giới.

Về nguyên nhân của tình trạng này theo TS. Châu, từ khi phát hiện ca bệnh dương tính đến khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng nặng phải nhập viện sẽ có độ trễ từ 5 tới 7 ngày. Thực tế điều trị Covid-19 ghi nhận, trong 5 ngày đầu virus phát triển mạnh, bệnh nhân có thể sốt, đau mình, mất khứu giác, mất vị giác.

Khoảng 80% trường hợp mắc bệnh sẽ thuyên giảm tự khỏi trong tuần đầu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân diễn tiến qua giai đoạn nặng từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 khiến người bệnh rơi vào nguy kịch. Do đó, sẽ có độ chậm trong thời gian diễn tiến bệnh sau khi số ca mắc trong cộng đồng tăng cao.

Tiếp đến sẽ có một độ chậm khác là giai đoạn bệnh nhân được điều trị tích cực. Giai đoạn này, một số bệnh nhân sẽ hồi phục nhưng một số bệnh nhân nặng sẽ không thể cứu chữa được. Đại diện ngành Y tế thành phố nhận định, trong vòng một tuần tới, số lượng bệnh nhân tử vong sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, trên thực tế số ca mới mắc Covid-19 mỗi ngày đang ở mức rất cao, cá biệt trong ngày 3/9 toàn Thành phố có tới 8.480 ca F0 được phát hiện. “Khi ca bệnh tăng cao ngoài cộng đồng sẽ kéo theo sự gia tăng của nhóm bệnh nặng, nguy kịch, nỗ lực kéo giảm số ca tử vong tại TP.HCM còn nhiều thách thức”, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thừa nhận.

Bình Dương chấn chỉnh F0 vượt rào, giật đồ ăn tại bệnh viện dã chiến

Sáng 4/9, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh ngay công tác tổ chức cung cấp suất ăn tại Bệnh viện dã chiến số 1 (cơ sở Thới Hòa), phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, không để xảy ra tình trạng F0 giành giật, chen lấn.

Trước đó, tối ngày 3/9, mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh nhân viên mặc đồ bảo hộ đẩy xe thức ăn vào bên trong khu điều trị thì hàng trăm F0 ùa ra chặn đường, xô đổ hàng rào để lấy thức ăn. Nhiều người lấy 5-10 phần, trong khi người khác không có phần nào.

Trong lúc nhiều người chạy đến lấy thức ăn, dẫn đến xô đẩy, có người bị té ngã, ngất xỉu, thức ăn thì đổ đầy dưới nền. Clip có sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát cơ động nhưng do F0 quá đông nên không thể ổn định tình hình.

Bệnh viện dã chiến số 1 (cơ sở Thới Hòa) có quy mô 12.000 giường nhằm thu dung, điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tính từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 3/9, toàn Tỉnh ghi nhận 126.408 ca nhiễm Covid-19, trong số này có 72.256 trường hợp khỏi bệnh, xuất viện.

Một số địa phương có số ca mắc Covid-19 cao, được phân thành "vùng đỏ đậm đặc" và giãn cách theo biện pháp "khóa chặt, đông cứng" như TP. Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Hiện, TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên đang quá tải nên các F0 được trung chuyển đến các địa phương khác nhằm “chia lửa” trong công tác thu dung, điều trị.

Phú Yên nới lỏng giãn cách xã hội

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, vừa ký quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên toàn Tỉnh từ tối 3/9 đến hết ngày 12/9. Trong đó, địa phương chuyển giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 đối với các huyện, thị xã trên toàn tỉnh Phú Yên.

Riêng TP. Tuy Hòa có hai xã Phú Đông, Bình Ngọc và các phường 2, 3, 4, 6, 9 tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; các xã, phường còn lại thực hiện Chỉ thị 15.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giao các địa phương tùy vào tình hình dịch, cần thiết phải áp dụng các biện pháp thắt chặt hoặc nới lỏng thì có văn bản đề xuất cụ thể để Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên cho biết từ 19h ngày 3/9 đến 8h ngày 4/9, địa phương chỉ ghi nhận 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Những ca này chủ yếu là người từ TP.HCM, Bình Dương được tỉnh đón về quê. Các trường hợp mắc mới trong cộng đồng giảm mạnh.

Về công tác an sinh, Phú Yên đang tập trung hỗ trợ chính sách cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Các địa phương vận động người từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, có đủ sức khỏe tham gia phòng, chống dịch nhằm bảo vệ vùng xanh, sớm dập tắt dịch bệnh.

Được biết, từ 0h ngày 23/7, Phú Yên bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn Tỉnh. Từ ngày 28/6 đến sáng 4/9, Phú Yên đã ghi nhận 2.737 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 2.300 trường hợp được điều trị khỏi, xuất viện; còn 368 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

***

Điều kiện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch

Các lực lượng được cử tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương gồm: nhân viên y tế, sinh viên khối ngành sức khỏe, các lực lượng khác như cán bộ y tế nghỉ hưu, giáo viên, thanh niên, tăng ni phật tử/tu sĩ, lái xe...

Bộ Y tế đã có hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.

Về yêu cầu, các đối tượng này phải đủ điều kiện sức khỏe về thể chất, tinh thần, không mắc bệnh nền, mạn tính. Không cử phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi hỗ trợ chống dịch;

Không thuộc đối tượng tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày trước khi làm nhiệm vụ. Không có các biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở, đau rát họng;

Đã được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19; được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào hỗ trợ (tối đa 72 giờ), định kỳ 3 ngày/lần trong thời gian công tác và trước khi kết thúc đợt công tác.

Được tập huấn về nội quy phòng, chống dịch, nhiệm vụ, đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện bảo vệ;

Được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, quy định về phòng, chống dịch, các thông tin liên quan đến địa phương, đơn vị công tác.

Nguồn cung vắc-xin còn hạn chế tại Hà Nội

Sáng ngày 4/9, ổ dịch Thanh Xuân Trung tiếp tục có thêm 2 trường hợp dương tính với Covid được phát hiện trong khu cách ly. Bốn người còn lại đều là F1, đã được đưa đi cách ly tập trung, có độ tuổi từ 6 đến 72, trú tại Minh Khai (Hai Bà Trưng); Yên Nghĩa, Phú Lãm (Hà Đông) và Văn Miếu (Đống Đa).

Như vậy, từ ngày 23/8, ổ dịch này đã có tổng cộng 424 trường hợp dương tính với Covid-19.

Một số ổ dịch tại Hà Nội cũng đang có diễn biến dịch phức tạp là: Văn Miếu (114 ca nhiễm), Văn Chương (89), ngõ 24 Kim Đồng (46), chợ Ngọc Hà (16), Tân Lập (17).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.430 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

Để kiểm soát dịch, vắc-xin Covid-19 tiếp tục là giải pháp được các chuyên gia dịch tễ đưa ra nhằm giúp thành phố sớm khống chế tình hình. 

Theo số liệu được đăng tải trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, tỉ lệ dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin tại Hà Nội chỉ là hơn 50%.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, khẳng định thời gian qua, thành phố đã tích cực tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin của thành phố còn bị hạn chế.

Đến nay, Hà Nội đã được phân bổ tổng cộng hơn 4 triệu liều vắc-xin Covid-19. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện tất cả gần 3 triệu mũi tiêm, đạt gần 70% số lượng vắc-xin được phân bổ.

Dù muốn tăng nhanh tỉ lệ tiêm vắc-xin song theo ông Tuấn, điều này phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vắc-xin do Bộ Y tế phân bổ cho thành phố. Hiện nay, Hà Nội vẫn chưa thể chủ động được nguồn vắc-xin Covid-19.

Ngày 3/9, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn tới các đơn vị liên quan về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn thành phố đợt 12. 

Theo đó, Hà Nội vừa được Bộ Y tế phân bổ 161.460 liều vắc-xin phòng Covid-19 Comirnaty (Pfizer) và 800.700 liều AstraZeneca.

TP.HCM: Đề xuất xem xét bổ sung 2 thuốc mới vào phác đồ điều trị cho F0

Hai loại thuốc được TP.HCM nêu ra là Reamberin và Cytoflavin. Đây là thuốc dự kiến được viện trợ của Công ty Polysan (Nga) để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM.

Trong đó, thuốc Reamberin có chỉ định giảm ô-xy huyết và giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn thuốc Cytoflavin có chỉ định phòng chống đột quỵ thiếu máu cục giai đoạn cấp.

Được biết, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 232.585 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được công bố.

Ngành Y thành phố đang điều trị 41.470 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 2.915 bệnh nhân Covid-19 là trẻ em dưới 16 tuổi, 2.779 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân cần can thiệp ECMO. 

Lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của chiến lược điều trị F0 tại nhà. Việc điều trị tại nhà được thực hiện bằng nguồn lực của 411 trạm y tế lưu động 312 trạm y tế phường, xã, thị trấn.

[Infographic] Phòng, chống dịch COVID-19: Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh hơn tại vùng nội đô
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư