Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 11/4: Phản ứng thường gặp sau tiêm vắc-xin ở trẻ cần lưu ý
D. Ngân - 11/04/2022 09:56
 
Việc tiêm vắc-xin cho trẻ được Bộ Y tế cam kết an toàn song các phản ứng thông thường như sốt, đau, sưng... sau tiêm là bất khả kháng.

Số mắc Covid-19 trong 24 giờ giảm mạnh, còn hơn 23.000 ca

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 23.184 ca nhiễm mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 23.181 ca trong nước tại 61 tỉnh, thành phố (giảm 5.126 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bắc Giang (giảm 480 ca), Bắc Ninh (giảm 353 ca), Lạng Sơn (giảm 348 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Giang (tăng 204 ca), Đắk Lắk (tăng 159 ca), Gia Lai (tăng 85 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 39.280 ca/ngày.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.250.160 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.661 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.242.413 ca, trong đó có 8.552.106 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.524.273), TP.HCM (602.470), Nghệ An (416.641), Bình Dương (381.716), Bắc Giang (375.584).

Hơn 22.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 22.400 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 8.554.923.

Ngoài ra, hiện có 1.235 bệnh nhân đang thở ôxy, trong đó có 916 ca thở ôxy qua mặt nạ, 109 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 38 ca thở máy không xâm lấn, 170 ca thở máy xâm lấn và 2 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, nước ta ghi nhận thêm 17 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 27 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.830 ca, chiếm 0,4% tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội giảm 170 ca mắc mới

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 10/4 đến 18h ngày 11/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.011 ca Covid-19 (giảm 170 ca so với hôm qua), trong đó có 796 ca cộng đồng và 1.215 ca đã cách ly. Trong 24 giờ qua, huyện Đông Anh là địa bàn ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất.

Cụ thể, 2.011 bệnh nhân phân bố tại 305 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (188); Hoàng Mai (186); Gia Lâm (186); Sóc Sơn (185); Hà Đông (155).

Như vậy, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.524.811 ca Covid-19, trong đó đã có 1.331 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0,08% tổng ca mắc).

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, toàn Thành phố còn gần 148.844 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 900 ca so với ngày trước đó. Trong đó, số ca phải điều trị ở bệnh viện chỉ còn 630 người, giảm 24 ca; số còn lại hơn 148.200 ca theo dõi cách ly tại nhà.

Về công tác tiêm vắc-xin Covid-19, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội báo cáo đã tiêm được gần 4,2 triệu liều nhắc lại (đạt 88%).

Ngoài ra, có thêm 139.200 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Như vậy, 91% người dân từ 18 tuổi trở lên ở Thủ đô đã được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại. Cùng với đó, gần 100% người dân cần tiêm mũi bổ sung cũng đã được tiêm.

Các phản ứng thông thường

Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, gồm vắc-xin Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi) và vắc-xin Moderna (tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi).

VViệc tiêm vắc-xin cho trẻ được Bộ Y tế cam kết an toàn song các phản ứng thông thường như sốt, đau, sưng... sau tiêm là bất khả kháng.

Đối với vắc-xin Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm ( 80%), kiệt sức ( 50%), đau đầu ( 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (20%), đau cơ và ớn lạnh (10%).

Thường gặp nhất là phản ứng buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm; Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm;

Đối với vắc-xin Moderna, các phản ứng rất thường gặp là sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp;

Phản ứng thường gặp là: Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm;

Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm; Phản ứng hiếm gặp là: Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da; Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Không chủ quan bỏ tiêm mũi 3

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, hiện dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. 

Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến chủng Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến chủng Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. 

Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày, từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày (tương đương với tuần thứ 3 của tháng 2 vừa qua là thời điểm trước khi số mắc bắt đầu gia tăng cao nhất).

Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong tháng 3 ghi nhận trên 1,2 triệu ca, tăng khoảng 950.000 ca so với tháng 2; số ca nặng từ hơn 3.600 ca xuống còn hơn 1.500 ca đang điều trị tại bệnh viện; số tử vong từ hơn 50 ca mỗi ngày xuống còn hơn 30 ca mỗi ngày. 

So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm từ 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,%, số ca nặng và nguy kịch giảm 31,7%. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. 

Tỷ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% xuống còn 0,03% trong tháng này.

Sở dĩ tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong giảm sâu là do biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến chủng khác, cộng với tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt cao (đã tiêm hơn 207 triệu liều vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên). 

Làn sóng Omicron đã khiến hàng triệu ca mắc Covid-19 trong thời gian qua, nhiều F0 khi nhiễm bệnh mới tiêm 2 mũi vắc-xin. Tuy nhiên, khi khỏi bệnh, nhiều người trong số đó không có ý định tiêm mũi 3 khiến chỉ tiêu tiêm mũi 3 chưa đạt. 

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến hết quý I/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Nhưng hết ngày 31/3, mới có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), đến ngày 8/4 là 50,8%.

Theo chuyên gia dịch tễ nhận định, số người mắc Covid-19 tăng cao trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3 nên có sự trì hoãn tiêm chủng. Song, còn nhiều người có tâm lý chủ quan cho rằng, sau khi mắc Covid-19 và bình phục là đã miễn dịch tự nhiên nên có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3. 

Thậm chí, có người không mắc Covid-19 cũng không tiêm mũi 3 vì cho rằng biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ. Điều này là sai lầm bởi Bộ Y tế nhiều lần khẳng định việc tiêm mũi 3 rất quan trọng bởi giúp tăng miễn dịch, tránh tái nhiễm, giảm bệnh nặng, giảm tử vong, đặc biệt ở người có bệnh nền. 

Bộ Y tế vẫn chỉ định người dân tiêm mũi 3. Đặc biệt hiện nay đã xuất hiện biến chủng tái tổ hợp XE ở châu Âu, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể BA.2. 

Các chuyên gia lo ngại Việt Nam cũng có thể có biến chủng này nhưng chưa phát hiện ra. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, 3 - 5 tháng sau khỏi Covid-19 thì nên đi tiêm mũi 3.

Suy giảm trí nhớ hậu Covid-19

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), hầu hết người mắc Covid-19 hồi phục mà không bị ảnh hưởng lâu dài đến trí nhớ và sự tập trung. Trong khi đó, một số người gặp khó khăn nhẹ kéo dài.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp khác, đặc biệt là những người đã bị Covid-19 nặng có thể cảm nhận thấy họ gặp một số vấn đề về trí nhớ như khó nắm bắt thông tin trong đầu để đưa ra quyết định, khó nhớ lại điều gì đó đã xảy ra hoặc đơn giản là quên không uống thuốc đúng giờ.

Một số lý do khiến nhiều người mắc Covid-19 bị suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy sau khi khỏi bệnh là do mệt mỏi, sợ hãi, lo lắng, viêm não và đột quỵ.

Theo đó, dù hiếm gặp, nhiều người mắc Covid-19 có thể bị đột quỵ sau khi khỏi bệnh. Covid-19 có thể ảnh hưởng các mạch máu, hình thành cục máu đông di chuyển đến não và làm gián đoạn lưu lượng máu đến một phần của não.

Hậu quả của việc này phụ thuộc vào phần nào của não bị tổn thương, nhưng có thể bao gồm các vấn đề về thể chất, nhận thức hoặc cảm xúc, gây suy giảm trí nhớ.

Hải Phòng triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
UBND TP.Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trên địa bàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư