Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 21/3: Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; Dấu hiệu hô hấp hậu Covid-19
D.Ngân - 21/03/2022 12:14
 
Theo đại diện Bộ Y tế, mục tiêu bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên của Bộ này thời gian tới.

Thêm 131.709 ca Covid-19 mới tại 63 tỉnh, thành

Tính từ 16 giờ ngày 20/3 đến 16 giờ ngày 21/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 131.713 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 131.709 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, có 87.895 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-3.930), Hà Nội (-1.149), Đắk Lắk (-1.003). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Kạn (+1.875), Bắc Ninh (+1.442), Bình Dương (+1.277).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 160.108 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.089.761 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 81.848 ca nhiễwm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.082.091 ca, trong đó có 4.279.851 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.188.086), TP Hồ Chí Minh (584.234), Bình Dương (362.009), Nghệ An (351.251), Hải Dương (299.214).

179.640 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 4.282.668 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.169 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.557 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 225 ca; thở máy không xâm lấn là 85 ca; thở máy xâm lấn là 297 ca; ECMO là 5 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 20/3 đến 17 giờ 30 ngày 21/3 ghi nhận 69 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.949 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 37.153.001 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người, tăng 178.490 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 20/3 có 167.693 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 201.828.138 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.768.739 liều: Mũi 1 là 70.943.341 liều; Mũi 2 là 67.884.313 liều; Mũi 3 là 1.496.237 liều; Mũi bổ sung là 14.650.864 liều; Mũi nhắc lại là 29.793.984 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.059.399 liều: Mũi 1 là 8.753.306 liều; Mũi 2 là 8.306.093 liều.

Hà Nội ghi nhận 17.916 F0 mới

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua đã ghi nhận 17.916 ca Covid-19 mới, trong đó 6.667 ca cộng đồng; 11.249 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 530 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.613); Ba Vì (967); Thanh Trì (961); Hai Bà Trưng (946);  Đống Đa (908).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.189.260 ca.

Tính đến hết ngày 20/3, Hà Nội có 346.957 ca dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi.

Trong đó, 262 ca điều trị tại khu cách ly; 3.336 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm hơn 0,96% tổng số ca đang điều trị, theo dõi); số còn lại 343.359 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm hơn 99%).

Ngày 20/3, Hà Nội ghi nhận 3 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1.300 người.

Tính đến hết ngày 19/3, Hà Nội có 81,8% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi nhắc lại vắc-xin Covid-19. Gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng.

Ưu tiên bảo vệ nhóm dễ tổn thương

Mục tiêu mà Bộ Y tế đặt ra trong công tác phòng chống Covid-19 thời gian tới là kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; 

Theo đại diện Bộ Y tế, mục tiêu bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên của Bộ này thời gian tới.

Tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến;

Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; Bảo đảm thông tin, truyền thông chủ động trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc;

Chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo cấp độ nguy cơ dịch để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa

TP.HCM thêm bệnh viện tiếp nhận trẻ em mắc Covid-19

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, trước tình hình trẻ em mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng cao, Bệnh viện sẽ tiếp nhận cấp cứu, điều trị nội trú các trẻ em mắc Covid-19.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ba bệnh viện nhi gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố đảm bảo mỗi nơi đều có Khoa Covid-19, tối thiểu 150 giường điều trị, trong đó có 50 giường hồi sức tích cực, rà soát nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để đảm bảo điều trị.

Như vậy, ngoài Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố tăng 300 giường điều trị Covid-19 (trong đó 50 giường hồi sức) cho trẻ còn có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đối với bệnh viện quận, huyện, đa khoa có chuyên khoa nhi phải có 30 - 50% giường điều trị Covid-19 dành cho bệnh nhi mắc Covid-19 mức độ trung bình hoặc nhẹ nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Dấu hiệu hô hấp hậu Covid-19

Theo một thống kê năm 2021 có đến từ 10-35% bệnh nhân Covid-19, không cần nhập viện vẫn bị hậu Covid-19, bất kể tình trạng bệnh nền. Còn nhóm bệnh nhân có bệnh nền, cần nhập viện vì Covid-19, có tỷ lệ bị hậu Covid-19 lên đến 80%.

Bệnh nhân bị hậu Covid-19 với các biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan, hệ thống trong cơ thể như hô hấp, tim mạch, thần kinh - tâm thần, ngoài da và toàn thân… nhưng phổ biến hơn cả là di chứng ở cơ quan hô hấp (chiếm khoảng 50%).

Biểu hiện đầu tiên là khó thở, ho kéo dài và đau ngực. Đây là hiện tượng thường xảy ra sau nhiễm virus đường hô hấp nói chung với triệu chứng chính là ho, thường chỉ ho khan, thở khò khè, nặng ngực, thường gặp ở bệnh nhân trong khi mắc Covid-19 có tăng IL-6 và lipocalin-2.

Các biểu hiện như vậy được gọi là hội chứng tăng phản ứng đường thở sau viêm.

Biểu hiện tiếp theo là huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi. Hiện tượng này xảy ra ở Covid-19 nhiều hơn các bệnh virus khác. 

Mặt khác, tình trạng tăng đông có thể kéo dài qua thời kỳ hậu Covid-19. Cơ chế huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi là do máu ứ trệ, tổn thương nội mạc mạch máu và tăng đông.

Ngoài ra, xơ phổi mô kẽ hậu Covid-19 là biến chứng nghiêm trọng nhất của hậu Covid-19, cơ chế được giải thích là do CRP, IL-6 và LDH tăng cao hoạt hóa fibroblast gây xơ phổi. 

Xơ phổi mô kẽ thường xảy ra nhiều ở những bệnh nhân thở máy, viêm phổi nặng, hút thuốc, nghiện rượu, và khi điều trị oxy liều cao gây stress oxy hóa, chấn thương do thở máy cũng làm tăng khả năng xơ phổi. 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xơ phổi vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân Covid-19 nhẹ, điều trị ngoại trú, trẻ tuổi.

Biểu hiện lâm sàng là những bệnh nhân này khó thở thường xuyên, tăng khi gắng sức, nặng hơn là phụ thuộc thở oxy, mệt mỏi, trên phim CT-Scan ngực tổn thương xơ tiến triển ở mô kẽ kết hợp tổn thương kính mờ 2 phổi;

Đo chức năng hô hấp bệnh nhân có rối loạn thông khí hạn chế biểu hiện bằng giảm rõ rệt dung tích sống và giảm khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch phổi (đo Dlco giảm rõ), đo khí động mạch có giảm oxy, nếu nặng có biểu hiện suy hô hấp.

Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục ban hành chiến lược tổng thể thích ứng với Covid-19
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể, kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thích ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư