Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 31/12: Nhiều địa phương siết chặt các biện pháp chống dịch
D. Ngân - 31/12/2021 08:44
 
Nhiều tỉnh, thành đã lập kế hoạch, phương án ứng phó nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, đặc biệt là trước lo ngại biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam.

Thêm 16.476 người mắc Covid-19, Hà Nội có 1.914 ca

Theo thông tin từ Bộ Y tế tối 31/12, trong 24 giờ qua, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 16.515 ca nhiễm mới, trong đó 39 ca nhập cảnh và 16.476 ca phát hiện tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, 11.337 ca được phát hiện quan sàng lọc người bệnh trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh là Hà Nội (1.914), Vĩnh Long (1.080), Cà Mau (1.063), Bình Phước (1.003), Khánh Hòa (799), Tây Ninh (776), Bình Định (655), Trà Vinh (571), Đồng Tháp (570), TP.HCM (557), Bạc Liêu (541), Hải Phòng (520).

Khoảng 2 tuần qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước.

Ngược lại, TP.HCM tiếp tục có dưới 1.000 ca nhiễm. Vĩnh Long (1.080) và Cà Mau (1.063) là 2 tỉnh có số ca mắc cao thứ 2 và thứ 3 cả nước.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Long (+494), Bình Phước (+244), Bến Tre (+171).

Như vậy, kể từ đầu dịch Covid-19, Việt Nam có 1.731.257 ca nhiễm, riêng đợt dịch bùng phát lần 4 (từ 27/4 đến nay), cả nước có 1.725.518 ca.

Hơn 18.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hôm nay, cả nước có thêm 18.642 người được công bố khỏi Covid-19. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 1.355.286 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị vẫn duy trì ở mức 7.291 ca, trong đó, bệnh nhân thở ô-xy qua mặt nạ là 5.195 người, 1.145 người thở oxy dòng cao, 159 người thở máy không xâm lấn, 773 người thở máy xâm lấn, 19 trường hợp can thiệp ECMO.

Số bệnh nhân tử vong do Covid-19 hiện vẫn còn ở mức cao. Hôm nay tiếp tục có thêm 226 người qua đời.

Trong số 34 ca tại TP.HCM, 7 ca từ các tỉnh chuyển đến là Đồng Tháp (1), Long An (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Tiền Giang (1), Tây Ninh (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Số ca tử vong tại các tỉnh, thành khác là Đồng Nai (18), An Giang (18), Vĩnh Long (15), Cần Thơ (15), Đồng Tháp (14), Bình Dương (13), Kiên Giang (12), Sóc Trăng (11), Khánh Hòa (10), Tiền Giang (10), Bình Phước (8), Hà Nội (7), Bạc Liêu (7), Hậu Giang (6), Tây Ninh (5), Cà Mau (5), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Trà Vinh (3), Long An (2), Gia Lai (2), Quảng Ngãi (1), Bình Định (1), Lâm Đồng (1).

Hà Nội: Số ca mắc tại Hà Nội bất ngờ giảm nhanh

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 31/12, thành phố phát hiện thêm 1.914 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó, các bệnh nhân được ghi nhận tại cộng đồng (612), khu cách ly (1.040), khu phong tỏa (262).

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca nhiễm trong ngày là: Nam Từ Liêm (213); Cầu Giấy (172); Hà Đông (154); Gia Lâm (152); Tây Hồ (136); Bắc Từ Liêm (112); Thanh Xuân (103); Long Biên (103); Hoàng Mai (99).

12 ca cộng đồng ghi nhận tại 211 xã, phường thuộc 24/30 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Một số quận, huyện nhiều ca cộng đồng gồm: Cầu Giấy (66); Nam Từ Liêm (63); Gia Lâm (60); Thanh Xuân (50); Hoàng Mai (45); Tây Hồ (43); Hoàn Kiếm (40); Long Biên (40).

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 48.939 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 16.412 ca, số mắc đã được cách ly là 31.527 ca.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 101% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh Covid-19.

Hà Nội: Hơn 16.000 F0 điều trị tại nhà

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 16.256 F0 tự theo dõi tại nhà và 4.636 trường hợp nhiễm Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện.

Trong số này, 2.737 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.598 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 301 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 243 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 19 trường hợp thở ô-xy dòng cao (HFNC), 10 người thở máy không xâm lấn, 27 ca thở máy xâm lấn và 2 bệnh nhân phải lọc máu.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về việc dừng việc cách ly tập trung tất cả hành khách đến từ hoặc đi qua quốc gia có người nhiễm biến chủng Omicron.

Theo đó UBND thành phố tuân thủ tinh thần chỉ đạo chung. Sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn ứng phó với biến chủng Omicron, thành phố có văn bản 310 yêu cầu cách ly người về từ các nước có Omicron.

Tuy nhiên, sau đó Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, thành phố cũng ra văn bản mới phù hợp với tinh thần chung là không cách ly người từ nước có Omicron nữa.

Trước đó ngày 27/12, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố.

Hà Nội yêu cầu các đơn vị cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Đối với các chuyến bay có hành khách đến từ quốc gia có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung, bất kể đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Kiểm soát chặt người nhập cảnh

Để chủ động giám sát phát hiện sớm biến chủng Omicron, CDC Hà Nội đã lấy mẫu trên các bệnh nhân có kết quả RT-PCR dương tính, gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen.

Kết quả cho thấy, có 15 trong tổng số 22 mẫu gửi đều thuộc biến thể Delta, chưa ghi nhận biến chủng Omicron, 7 mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gen.

Kiểm soát chặt người nhập cảnh để ngăn chặn biến chủng Omicron

Cụ thể, các mẫu bệnh phẩm này phân bố tại: Chương Mỹ (2), Đống Đa (2), Quốc Oai (1), Mỹ Đức (1), Bắc Từ Liêm (1), Hoàn Kiếm (1), Mê Linh (1), Gia Lâm (1), Nam Từ Liêm (1), Hà Đông (1), Thanh Oai (1), Đông Anh (1), Hai Bà Trưng (1).

Có 15 trong tổng số 22 mẫu bệnh phẩm CDC Hà Nội gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen đều là biến thể Delta, không phải biến thể Omicron, còn 7 mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gen.

Các trường hợp này thuộc khu vực nguy cơ cao, vì vậy CDC Hà Nội đã gửi mẫu bệnh phẩm tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen nhằm chủ động phát hiện sớm biến chủng Omicron.

Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc lấy mẫu F0 thuộc khu vực nguy cơ cao gửi giải trình tự gen, sàng lọc chủ động biến thể Omicron là hoạt động thường quy ở tất cả địa phương theo chỉ đạo của Bộ Y tế từ khi chủng này xuất hiện.

Để ứng phó biến chủng mới Omicron, thực hiện hướng dẫn giám sát và phòng chống Covid-19 biến thể Omicron của Bộ Y tế, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch về xây dựng thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron.

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải. Giao Công an TP, Bộ đội biên phòng tăng cường các biện pháp an ninh hàng hải, giám sát ngăn chặn và phát hiện sớm, xử lý nghiêm những trường hợp lên bờ, xuống tàu bất hợp pháp cũng như trên bộ, biên giới.

Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phát hiện và thông báo sớm cho cơ quan chức năng. Tổ chức xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2.

Thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc nhóm người nhập cảnh trong vòng 28 ngày; người tái nhiễm Covid-19. Tất cả các trường hợp trên, sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly điều trị và xét nghiệm giải trình tự gen.

Tại Đà Nẵng, đối với tất cả các chuyến bay nhập cảnh đưa người về đều kiểm soát chặt chẽ, xét nghiệm nếu phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sẽ cách ly khu vực riêng và tiến hành phối hợp giải trình tự gen để xác định biến chủng Omicron. Thành phố đã thiết lập khu vực riêng, trước mắt có khoảng 20 giường để cách ly, điều trị cho các trường hợp nhập cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 để tiến hành theo dõi và xác định nguy cơ biến chủng mới, sẽ không điều trị chung với các bệnh nhân Covid-19 khác.

Tương tự tại Cần Thơ, Sở Y tế TP.Cần Thơ đã có phương án trình UBND TP. Cần Thơ để tăng cường phòng chống biến chủng Omicron, trong đó tiếp tục tập trung kiểm soát dịch tại cộng đồng; đặc biệt đối với người nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Cần Thơ.

Tất cả hành khách nhập cảnh qua sân bay Cần Thơ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP. HCM để xác định chủng vi rút nhằm kịp thời phát hiện trường hợp chủng Omicron.

Dừng một số hoạt động đông người dịp Tết

Tại Tây Ninh, những ngày gần đây, thông tin từ Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Tây Ninh, số ca mắc mới Covid-19 tại tỉnh này đã vượt 900 ca/ngày. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tây Ninh sẽ không tổ chức bắn pháo hoa, họp mặt kiều bào, hội thề Rừng Rong…

Chỉ một số sự kiện được tổ chức nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, như Lễ khai mạc hội xuân núi Bà Đen năm Nhâm Dần 2022; viếng nghĩa trang Liệt sĩ; chương trình "Tết sum vầy" cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tại Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh này yêu cầu hạn chế một số hoạt động tập trung đông người nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch sắp tới.

UBND tỉnh Hải Dương khuyến khích các cửa hàng dược nhập những loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 có trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép để phục vụ nhu cầu của nhân dân tại địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận trên 100 ca mắc Covid-19 mỗi ngày và số ca mắc có xu hướng tăng dần.

TP. Huế thu hẹp các hoạt động thay vì tổ chức rộng rãi như thường niên. Chính quyền thành phố sẽ không tổ chức khai trương phố đêm nhưng sẽ bố trí các gian hàng để giới thiệu các đặc sản của các địa phương đến du khách.

Riêng đối với chợ hoa xuân Tết Âm lịch cũng không làm lễ khai mạc, bế mạc nhưng vẫn tạo không gian chợ cho bà con kinh doanh hoa.

Về chương trình đếm ngược (countdown) chào đón năm mới 2022 tại TP.HCM, chỉ tổ chức duy nhất tại 1 điểm trên đường Nguyễn Huệ (trước tòa nhà Sunwah), không tổ chức tại đường Lê Duẩn.

Thời gian diễn ra sự kiện này từ 22 giờ 31/12/2021 đến 0 giờ 10 phút ngày 1/1/2022. Chương trình không mời khán giả và đại biểu tham dự và được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố…, trực tuyến trên các hạ tầng truyền thông xã hội thông qua các kênh và trang điện tử.

Số ca nặng, tử vong ở TP.HCM giảm

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, những ngày gần đây, số ca xuất viện ở thành phố luôn cao hơn số ca nhập viện; số ca nhập viện liên tục giảm.

Cụ thể, trong ngày 29/12, thành phố có 510 bệnh nhân nhập viện, 682 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 306.807), 37 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 19.850).

Theo ông Phạm Đức Hải, những ngày gần đây, số ca xuất viện ở thành phố luôn cao hơn số ca nhập viện. Số ca nhập viện liên tục giảm.

Trước đây, mỗi ngày thành phố có 800-900 ca nhập viện thì hiện nay giảm xuống còn khoảng 400-500 ca. Số ca tử vong cũng giảm nhiều trong thời gian gần đây. Được biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 11 đơn vị cung cấp oxy, trong đó có 4 đơn vị có sản xuất, 7 đơn vị kinh doanh. Tổng lượng oxy các đơn vị cung cấp cho thành phố khoảng 150 tấn mỗi ngày.

Cách đây 2 tuần, do số F0 nhiều, nhu cầu oxy lỏng cho các cơ sở điều trị trên địa bàn thành phố là 166 tấn mỗi ngày dẫn đến tình trạng thiếu oxy tại các cơ sở y tế, điều trị.

Tuy nhiên, hiện số F0 giảm, số ca chuyển nặng giảm, nhu cầu oxy cũng giảm đi và các bệnh viện đã có thông tin báo là không thiếu oxy.

WHO khuyến cáo các nước giảm thời gian cách ly

Ngày 29/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ các nước không nên giảm các hạn chế phòng dịch Covid-19, trong đó có việc giảm thời gian cách ly, mặc dù các phát hiện ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể khiến bệnh tình người mắc ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Theo hướng dẫn của WHO về cách ly, các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng cần cách ly 10 ngày sau khi biểu hiện triệu chứng và thêm 3 ngày sau khi hết triệu chứng; trong khi các trường hợp không biểu hiện triệu chứng cần cách ly 10 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Hiện, các nước đều đang nỗ lực nhằm tìm ra biện pháp phù hợp để vừa có thể chặn đà lây lan của dịch bệnh vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đặc biệt sau khi số ca mắc mới trên toàn thế giới tăng 11% trong tuần trước do sự lây lan của biến thể Omicron.

Chủ động ứng phó biến chủng Omicron; Kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19
Tại Việt Nam, trong khi đợt bùng phát bởi biến chủng Delta chưa “hạ nhiệt”, Omicron càng trở thành nguy cơ khiến nhiều người dân lo lắng, đặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư