Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 16/11: Nhiều nguy cơ khi mổ đẻ chủ động
D.Ngân - 16/11/2023 10:02
 
Chỉ trong 1 tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 6 trẻ sơ sinh gặp các biến chứng nặng phải thở máy, trong đó 1 trẻ tử vong do sinh mổ chủ động khi mẹ chưa có cơn chuyển dạ.

Không lạm dụng mổ đẻ chủ động

Tỷ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Tỷ lệ mổ lấy thai ở Mỹ năm 1996 là 21%, năm 2014: 32,24%; Paraguay: 42%; Ecuador: 40%. Tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai vẫn còn cao, khoảng 39,1%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1985, tỷ lệ này chỉ nên từ 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con.

Chỉ trong 1 tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 6 trẻ sơ sinh gặp các biến chứng nặng phải thở máy, trong đó 1 trẻ tử vong… Đây là những trẻ được sinh mổ chủ động khi mẹ chưa có cơn chuyển dạ.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những năm gần đây, xu hướng mổ đẻ khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ sinh đẹp trở nên phổ biến.

Tại Việt Nam, thống kê của ngành Y tế cho thấy, tỷ lệ mổ lấy thai hiện khoảng 39,1%. Việc mổ lấy thai chủ động khi chưa có cơn chuyển dạ khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp sau sinh.

Nói về điều này các ông bố bà mẹ thường có suy nghĩ sai lầm cho rằng, mổ lấy thai an toàn hơn so với sinh thường, song sự thực là khiến con đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Minh chứng về điều này, đại diện Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 6 trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải thở máy, có trẻ cần duy trì thuốc trợ tim, vận mạch. Đặc biệt, có 2 trường hợp trẻ tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Trường hợp thứ nhất là bé trai 1 ngày tuổi, ở Thái Bình, con lần 2 trong gia đình. Do lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên ở lần sinh thứ 2 này, mẹ cháu bé quyết định sinh mổ chủ động khi thai nhi được 37 tuần.

Sau sinh, trẻ được hỗ trợ thở CPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi). Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp tiến triển, trẻ được đặt nội khí quản chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tổn thương phổi nặng, suy tuần hoàn.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ thở máy cho trẻ, bơm surfatant vào phổi để hỗ trợ hô hấp, kết hợp với thuốc vận mạch, trợ tim liên tục. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bé đã cải thiện và ổn định.

Trường hợp thứ hai không may mắn là bé trai 1 ngày tuổi ở Nam Định, đẻ mổ chủ động tại bệnh viện địa phương khi thai kỳ ở tuần thứ 36.

Qua khai thác tiền sử được biết, khi sản phụ phải nằm theo dõi thai kỳ trong 1 tuần tại viện, gia đình đã quá lo lắng và mong muốn sinh mổ khi chưa có cơn chuyển dạ.

Trẻ sau sinh có suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển đến Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tím tái, suy tuần hoàn.

Bé được các bác sĩ tiến hành cho trẻ thở máy tần số cao, duy trì thuốc trợ tim, vận mạch, thuốc giãn mạch phổi. Mặc dù đã được hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong sau 3 ngày.

Trước thực trạng trên các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do mổ đẻ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế các gia đình hãy trao đổi những lo lắng của mình với bác sĩ sản khoa để được hỗ trợ, chuẩn bị cho quá trình sinh an toàn 

Nguy cơ dị ứng nặng khi sử dụng thuốc Nam

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, thời gian gần đây, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng thuốc thể nặng sau khi dùng các loại thuốc đông y điều trị bệnh.

Bệnh nhân nữ (60 tuổi), có tiền sử uống thuốc Nam điều trị sỏi thận. Sau khi dùng thuốc được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện tổn thương da rải rác tay chân, sau đó nhanh chóng lan toàn thân.

Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh, chưa phát hiện tiền sử dị ứng thuốc. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương được chẩn đoán dị ứng thuốc và chỉ định nhập viện điều trị.

Đại diện Bệnh viện Da liễu trung ương lý giải, dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc.

Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau. Hoại tử thượng bì nhiễm độc là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là dị ứng thuốc.

Ở Việt Nam, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị, không theo chỉ định của bác sĩ, nên tỷ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều bệnh nhân khi bị dị ứng không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để phòng tránh.

Các loại thuốc đông y (không theo chỉ định của bác sĩ) thường không có thành phần rõ ràng, khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng để phòng tránh.

Theo chuyên gia, bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.

Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước… nên dừng ngay thuốc đang uống nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm.

Vấn nạn ngộ độc thuốc nam không rõ nguồn gốc
Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng tình trạng người dân tự ý sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ dẫn tới ngộ độc vẫn liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư