Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 19/9: Làm chủ kỹ thuật khó, cứu sống bệnh nhân tim mạch
D.Ngân - 19/09/2023 10:30
 
Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện E đã triển khai thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi nhân tạo qua da, không cần mổ mở, cho một bệnh nhân nhi có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp tứ chứng fallot.

Làm chủ kỹ thuật cao

Mới đây, các bác sĩ Khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã triển khai thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi nhân tạo qua da, không cần mổ mở, cho một bệnh nhân nhi (14 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp tứ chứng fallot.



Điều này cho thấy, các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã làm chủ được kỹ thuật khó này đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là trẻ em mắc các bệnh tim bẩm sinh, giúp người bệnh có khả năng hồi phục nhanh, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.

Người bệnh nhi may mắn đầu tiên được các bác sĩ Khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E thực hiện kỹ thuật thay van động mạch phổi nhân tạo qua da này mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot và đã phẫu thuật sửa toàn bộ tại một bệnh viện tuyến trung ương lúc 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, gần đây, các bác sĩ phát hiện cháu bé bị hở van động mạch phổi gây suy thất phải.

Theo các bác sĩ, đây là diễn tiến tự nhiên thường gặp sau phẫu thuật điều trị tứ chứng fallot. Vì vậy, các bác sĩ đã chỉ định thay van động mạch phổi qua da cho người bệnh nhi này.

TS-BS.Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, thông thường đối với các trường hợp mắc bệnh này tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện E nói riêng, các bác sĩ hay lựa chọn mổ cưa xương ngực và thay ống van động mạch phổi nhân tạo (conduite) cho người bệnh.

Người bệnh phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như phải gây mê hồi sức, cưa xương ức, liệt tim… và cắt thân động mạch phổi, khoét phễu thất phải để thay conduite động mạch phổi. Người bệnh đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm như nhiễm trùng, rối loạn chức năng tim, hẹp các miệng nối và những nguy cơ của chạy máy tim phổi nhân tạo…

Nhưng đối với người bệnh nhi này, thay vì mở lồng ngực để thay van động mạch phổi có mức độ xâm lấn lớn, nguy cơ biến chứng như trên, các bác sĩ quyết định lựa chọn thực hiện can thiệp thay van động mạch phổi qua da cho người bệnh. Bởi vì những ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là quan trọng nhất là người bệnh không trải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm, không phải cưa xương ức thêm lần nữa và không gây liệt tim, không phải chạy máy tim phổi nhân tạo…

TS-BS. Trần Đắc Đại giải thích về phương thức thực hiện ca can thiệp này, các bác sĩ chỉ mở vào đường tĩnh mạch đùi rồi luồn ống thông lên tĩnh mạch chủ dưới đến nhĩ phải, xuống thất phải và lên động mạch phổi.

Các bác sĩ thực hiện các thao tác để lựa chọn kích cỡ van động mạch phổi phù hợp. Sau đó, đưa van động mạch phổi nhân tạo qua đường ống thông từ tĩnh mạch đùi lên động mạch phổi và tiến hành thả van động mạch phổi, nằm trong thân động mạch phổi nguyên bản của người bệnh.

Thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, bác sĩ đưa dụng cụ đến vị trí thích hợp, đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường.

Khi lựa chọn thực hiện kỹ thuật khó này cho người bệnh, cần đảm bảo 3 yếu tố quan trọng sau: Thứ nhất, các bác sĩ phải lựa chọn người bệnh phù hợp về tiêu chuẩn, có hở van động mạch chỉ phổi với hình thái động mạch phổi được xác định kỹ càng qua chụp MSCT động mạch phổi và chụp MRI để đánh giá chức năng thất phải.

Sau đó, thực hiện các thao tác thay van động mạch phổi qua da cho người bện; Thứ hai, mang tính quyết định đó trình độ chuyên môn của người thầy thuốc phải có nhiều năm kinh nghiệm trong can thiệp tim mạch để có thể thực hiện thành công kỹ thuật khó này;

Thứ ba, là một lợi thế khi Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E là một cơ sở tim mạch hoàn chỉnh bao gồm phẫu thuật, điều trị nội khoa và can thiệp tim mạch, gây mê hồi sức… với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại đảm bảo khám và điều trị các bệnh lý tim, mạch máu và các bệnh lồng ngực cho người bệnh.

Do đó, trong quá trình thực hiện kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da đã có một ekip phẫu thuật tim mạch chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu để xử trí kịp thời những biến chứng nếu có.

Sau can thiệp 2 giờ, người bệnh tỉnh và sức khỏe ổn định, có thể đi lại vào ngày hôm sau. Bệnh nhân được xuất viện sau 2 ngày, tái khám sau xuất viện một tuần. Hiện người bệnh đã hồi phục sức khỏe, hết khó thở, hết mệt mỏi khi gắng sức và có thể trở lại học tập, sinh hoạt bình thường.

Theo TS-BS.Trần Đắc Đại, hiện tại có rất nhiều người bệnh nhi có chỉ định thay van động mạch phổi sau phẫu thuật tim bẩm sinh. Việc áp dụng thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da giúp người bệnh có thêm lựa chọn điều trị ít xâm lấn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao.

Cứu sống sản phụ vỡ tử cung

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vừa cấp cứu thành công sản phụ sốc mất máu nhiều do vở tử cung, rau tiền đạo trung tâm.

Theo đó, vòa khoảng 12h trưa ngày 17/9, Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh tiếp nhận sản phụ N.T.O (32 tuổi, địa chỉ phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh) đang mang thai lần 3, thai 27 tuần.

Sản phụ vào viện trong tình trạng kích thích vật vã, da xanh niêm mạc nhạt, huyết áp 75/50 mmHg, mạch nhanh nhẹ khó bắt tần số 130 lần/phút, đau bụng nhiều từng cơn, đau vết mổ nhiều, âm đạo có nhiều máu, siêu âm bụng có dịch tự do ổ bụng lượng vừa, sản phụ được kíp trực chẩn đoán sốc mất máu/vỡ tử cung/rau tiền đạo trung tâm/thai lần 3, 27 tuần, tiền sử mổ lấy thai 2 lần.

Nhận thấy đây là trường hợp nguy kịch nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân, ngay lập tức, Bệnh viện ĐK thị xã Kỳ Anh đã kích hoạt báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Cùng với kích hoạt báo động đỏ, bệnh nhân được hồi sức tích cực và chuyển lên khoa gây mê hồi sức để phẫu thuật. Với sự phối hợp giữa bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và các bác sỹ Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh, bệnh nhân được phẫu thuật bằng cắt toàn bộ tử cung cầm máu.

Trong khi phẫu thuật sản phụ mất máu số lượng nhiều cần truyền máu cấp cứu. Tuy nhiên, nguồn máu từ người nhà của sản phụ thời điểm này chưa có, trước tình trạng khẩn cấp cần có máu để cứu sản phụ, kíp mổ đã xin ý kiến trực lãnh đạo và liên hệ với Ban chấp hành Công đoàn để huy động máu từ nguồn “Ngân hàng máu sống”, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu (phụ trách phòng kế hoạch tổng hợp) đã tình nguyện hiến 01 đơn vị máu truyền cho sản phụ. Hiện tại sau 1 ngày phẫu thuật bệnh nhân tạm ổn định.

Bác sỹ Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh cho biết: Thực hiện quy trình "báo động đỏ" liên viện, mang lại hiệu quả lại cao trong công tác cấp cứu bệnh nhân, trong đó đáng chú ý là huy động được lực lượng nhanh nhất, phối hợp đồng bộ để cấp cứu bệnh nhân. Ðặc biệt, áp dụng quy trình "báo động đỏ", cơ hội cứu sống bệnh nhân tăng lên rõ rệt, nhất là những ca nguy cơ tử vong cao".

Mỗi ngày 50 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 50 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đang điều trị 157 ca sốt xuất huyết, trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, với hơn 2.000 ca/tuần, tăng gấp đôi so với tuần cuối tháng 8/2023. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số ca mắc sốt xuất huyết đến khám, nằm viện tăng mạnh so với trước. Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Phạm Ngọc Thạch, hiện cả 2 cơ sở của bệnh viện đang điều trị 157 ca sốt xuất huyết, trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo.

"Chỉ riêng Khoa Cấp cứu cơ sở Kim Chung mỗi ngày đang điều trị hơn 40 bệnh nhân hồi sức cấp cứu nói chung, trong đó có 3-5 ca sốt xuất huyết Dengue nặng, và khám cấp cứu trên dưới 50 ca sốt xuất huyết một ngày", bác sĩ Thạch cho hay.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.

Người bệnh nên bù nước điện giải bằng đường uống (Oresol), hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.

Sau ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao).

Hoặc nếu người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.

Bệnh viện tiêu chuẩn Nhật Bản đầu tiên ở Ecopark chính thức vận hành
Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (Bệnh viện Kusumi), nằm tại KĐT Ecopark có 100% vốn đầu tư Nhật Bản, đội ngũ bác sĩ chuyên gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư