Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 20/10: Covid-19 trở thành bệnh truyền nhiễm cấp B
D.Ngân - 20/10/2023 09:42
 
Từ ngày 20/10, bệnh Covid-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.

Giảm thời gian ủ bệnh làm ăn cứ công bố hết dịch Covid-19

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Ảnh minh hoạ.

Quyết định nêu rõ, bổ sung nhóm, thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh Covid-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).

Theo đó, bệnh Covid-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.

Trước đó, theo quy định tại Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 là 14 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc mới đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày.

Việc sửa đổi thời gian ủ bệnh trung bình giảm xuống từ 14 ngày còn 4 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh Covid-19 mới giảm từ 28 ngày còn 8 ngày căn cứ trên cơ sở khoa học; diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay; và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.

Việc chuyển bệnh Covid-19 thuộc nhóm A sang nhóm B là do thông tin đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh Covid-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Cụ thể, từ đầu năm đến 31/8/2023, ghi nhận 97.628 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận khoảng 12.000 ca mắc; số mắc trung bình tháng giảm 12 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 68 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng).

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8/2023), tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%);

Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus SARS-CoV-2; Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Trẻ hoá ung thư vú

Thống kê mới nhất của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) cho thấy mỗi năm cả nước có khoảng 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm gần 26% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới.

Hiện nay, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đáng lo ngại hơn khi tại Việt Nam hiện nay ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong một sự kiện gần đây đã cho rằng, ung thư vú là ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Thống kê mới nhất của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) cho thấy mỗi năm cả nước có khoảng 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm gần 26% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới.

Đáng lưu ý, do yếu tố tâm lý nên nhiều chị em phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh ung thư vú.

Còn rất nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém.

Vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn nhiều.

Điều trị bệnh ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp nhắm trúng đich, liệu pháp miễn dịch và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện K, những năm gần đây tỷ lệ khám phát hiện bệnh ung thư vú ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0,1,2) đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70%, ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

PGS-TS.Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú đối với phụ nữ là vô cùng quan trọng. Bà mong muốn phụ nữ Việt Nam sẽ được trang bị các kiến thức cũng như nâng cao nhận thức về căn bệnh tử vong hàng đầu này.

PGS-TS. Nguyễn Thị Xuyên mong muốn phụ nữ hãy biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, nhất là chủ động thực hiện định kỳ thói quen tầm soát ung thư vú.

Theo Bộ Y tế, có hai loại ung thư hay gặp ở phụ nữ, gồm: Ung thư cổ tử cung và ung thư vú được đưa vào danh mục khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, sàng lọc nhằm phát hiện sớm bệnh.

Kinh tế Đà Nẵng phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19
Tăng trưởng kinh tế của TP. Đà Nẵng đã phục hồi nhanh, tăng 6,3%/năm trong giai đoạn 2021-2023, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư