Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hậu Covid-19, Trung Quốc tăng tốc đầu tư, Việt Nam hào hứng đón vốn
Nguyên Đức - 09/09/2023 10:42
 
Không chỉ vượt Nhật Bản, mà còn vượt cả Hàn Quốc, Trung Quốc đã vươn lên đứng vị trí thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay.

Dồn dập đổ vốn

Ít ngày trước đây, đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đã tới Giang Tô (Trung Quốc) để thăm và làm việc với Tập đoàn Runergy, một nhà đầu tư vừa có những dự án đầu tư quan trọng vào tỉnh này.

Ban đầu, Runergy đăng ký đầu tư vào Việt Nam 293 triệu USD, sau 3 tháng tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau khi nhận chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu, Runergy quyết định nâng vốn đầu tư lên 440 triệu USD.

Chuyến thăm Runergy tại trụ sở chính lần này, ông Bùi Thanh An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã chính thức trao chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, đưa Runergy trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài có quy mô đầu tư lớn tại Nghệ An.

Không chỉ tăng vốn nhanh, mà một điều quan trọng, đó là Runergy sẽ xây dựng nhà máy ở KCN Hoàng Mai 1 để sản xuất các loại linh kiện bán dẫn, bao gồm thanh silic và tấm đĩa bán dẫn. Hơn thế, đây chỉ là những bước đi đầu tiên trong chuỗi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam của Runergy. Nếu mọi việc thuận lợi, Runergy sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1,2-1,4 tỷ USD.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho nhà đầu tư Runergy.

Một kế hoạch đầu tư khiến Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung hồ hởi đón nhận. Bởi lẽ, bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao mà thời gian gần đây, không chỉ Việt Nam, mà còn nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, đang rất muốn thu hút đầu tư. Nhu cầu cao của thị trường toàn cầu khiến công nghiệp bán dẫn đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Sự xuất hiện của Runergy, có thể nói, đã là một minh chứng cho thấy, chất lượng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã không ngừng tăng lên. Cùng với chất, là lượng, khi mà đúng như dự báo của các chuyên gia kinh tế, hậu Covid, Trung Quốc sẽ tăng tốc đầu tư ra bên ngoài, trong đó có Việt Nam.

Runergy không phải là nhà đầu tư Trung Quốc duy nhất đầu tư tại Việt Nam trong thời gian gần đây. UBND tỉnh Nghệ An mới đây cũng đã trao chứng nhận đầu tư cho Dự án sản xuất hợp kim nhôm cho các dự án sản xuất điện tử, năng lượng xanh của Greenwich Management Limited - thuộc Tập đoàn Shandong Innovation (Trung Quốc).

Với tổng mức đầu tư 165 triệu USD, theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động vào tháng 10/2024, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động chất lượng cao. 

Trong khi đó, Tập đoàn BYD vào cuối tháng 7/2023 cũng đã tới Nghệ An để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo chia sẻ của bà Diana Xu, Giám đốc văn phòng Tập đoàn, BYD muốn đầu tư một nhà máy sản xuất phụ tùng, linh kiện, lắp ráp xe điện tại Việt Nam…

Trước BYD, Tập đoàn Victory Gaint Technology cũng đã tới Bắc Ninh bày tỏ mong muốn đầu tư một dự án 400 triệu USD ở Bắc Ninh. Đây cũng là một dự án trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao mà Việt Nam đang mong chờ: công nghiệp bán dẫn.

Còn nhà sản xuất xe máy điện của Trung Quốc - Yadea, sau 3 năm đầu tư tại Việt Nam, cũng đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất, khởi công xây dựng nhà máy mới với quy mô 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Hưng (Bắc Giang) vào cuối năm nay. Yadea thậm chí còn có kế hoạch mở một trung tâm R&D ở Bắc Giang.

Bắc Giang chính là một trong những địa phương thu hút được rất nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc đại lục, cũng như của Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc), sau khi làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng được đẩy mạnh. Foxconn, Luxshare… đều đã tìm đến đây.  

Chờ đón những cơ hội mới

Với sự xuất hiện của hàng loạt dự án mới, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 8 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 2,69 tỷ USD, tăng hơn 90,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (gần 18,15 tỷ USD).

Vượt cả Nhật Bản, vượt cả Hàn Quốc, Trung Quốc đã vươn lên vị trí “á quân” trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam. Thậm chí, nếu xét về số lượng dự án mới, thì Trung Quốc xếp hạng nhất, với 399 dự án, chiếm 20,7% tổng số dự án đầu tư mới đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng qua.

Thực tế, kể từ sau căng thẳng Mỹ - Trung nổ ra, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Bất chấp Covid-19, Trung Quốc vẫn đăng ký đầu tư không ít vào Việt Nam và luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, năm 2021 là 2,92 tỷ USD, năm 2022 là 2,5 tỷ USD và nay, sau 8 tháng, con số đã đạt mức cả năm của những năm trước đó.

Tính lũy kế, Trung Quốc vẫn đứng hàng thứ 6, với trên 25,8 tỷ USD. Tuy vậy, thứ hạng này đã được cải thiện đáng kể, sau khi vốn đầu tư từ Trung Quốc gia tăng mạnh những năm gần đây. Và có thể, nếu Trung Quốc tiếp tục đầu tư các dự án quy mô lớn, thì thứ hạng cũng có sự thay đổi.

Trong “bảng tổng sắp” thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đứng ngay trên Trung Quốc chính là Hồng Kông (Trung Quốc), với vốn đầu tư đăng ký gần 31 tỷ USD. Xếp ngay trên Hồng Kông (Trung Quốc) là Đài Loan (Trung Quốc), với hơn 37,6 tỷ USD.

Nếu chính chung cả ba, bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) thì tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam lên tới gần 94,5 tỷ USD.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, chắc chắn, sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Trong chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo hàng loạt tập đoàn lớn của Trung Quốc, như Texhong, Runergy, Energy China, TCL… Lãnh đạo các tập đoàn này đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam và cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.

“Khẩu vị” đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc cũng có những thay đổi. Sẽ có thêm các dự án trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất ô tô, công nghiệp điện tử, nghiên cứu - phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam...

Thông tin gần đây cho biết, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đang quan tâm đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, hai nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng hàng đầu của Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng mới và mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Trong đó, Xiamen Hithium Energy Storage Technology có thể đầu tư một nhà máy 900 triệu USD tại Hải Dương, còn Growatt New Energy mở rộng nhà máy ở Hải Phòng, với quy mô khoảng 300 triệu USD.

Thông tin trên Tờ South China Morning Post gần đây cho biết, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam và điều này xuất phát từ việc nhiều khách hàng Mỹ thúc giục họ phải chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Trung Quốc là một nhà đầu tư có tiềm lực vô cùng lớn. Họ đã đầu tư không chỉ tới Việt Nam, mà còn sang cả Âu, Mỹ và nhiều thị trường khác.

“Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc, không chỉ năm nay mà cả các năm tiếp theo. Họ sẽ đầu tư để tận dụng lợi thế về giao thương hàng hóa của Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nói.

Đề xuất mở đường bay kết nối Đà Nẵng với tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)
Các doanh nghiệp đề xuất mở đường bay kết nối giữa Thành phố Đà Nẵng với tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), để tăng cường hơn nữa mối quan hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư