Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 2/10: Rà soát nguồn lực phòng chống dịch Covid-19; Bắt đầu cuộc thi “Vũ điệu 2K+”
D.Ngân - 02/10/2022 08:24
 
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về tăng cường quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19.

Rà soát các nguồn lực đã huy động, được phân bố sử dụng cho phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về tăng cường quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị rà soát các nguồn lực đã huy động, nguồn lực được phân bố sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid 19, trong đó có nguồn do Bộ Y tế hỗ trợ.

Thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không được để hàng hóa không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng, chống mọi hành vi tiêu cực trong việc tiếp nhận, sử dụng hàng hỗ trợ, viện trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện theo dõi việc tiếp nhận, xuất dùng theo đúng nguồn (nguồn mua sắm; được phân bố; nhận tài trợ, viện trợ...) làm cơ sở để thực hiện việc quyết toán và sử dụng nguồn lực đúng quy định.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch tại các cơ sở y tế để có kế hoạch điều chuyển cho phù hợp trên cơ sở cận đối nhu cầu của từng đơn vị trong tỉnh hình thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và y tế dự phòng trong thời gian tới.

Đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh minh hoạ

Đối với thuốc, vật tư, hàng hóa đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ theo hướng ưu tiên điều chuyển giữa các cơ sở y tế trong phạm vi quản lý của địa phương, bộ ngành để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, sau đó cho phép điều chuyển sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh chữa bệnh với đơn giá bằng giá mua vào được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm xuất sử dụng đối với từng loại thuốc, vật tư và hàng hoá; Số tiền thu được từ nguồn BHYT và người bệnh sẽ hoàn trả ngân sách theo quy định.

Đề nghị các đơn vị được phân bổ hàng hóa phòng chống dịch rà soát lại hồ sơ bàn giao, tiếp nhận, điều chuyển, cho mượn các trang thiết bị y tế; thực hiện hạch toán, theo dõi, quản lý đối với các thiết bị, vật tư nhận phân bổ, tài trợ theo các quy định hiện hành.

Bộ Y tế lưu ý, trường hợp sử dụng thuốc, vật tư y tế, test xét nghiệm và các nguồn lực được hỗ trợ thì không được thu và thanh toán các chi phí từ nguồn lực hỗ trợ này với đối tượng thanh toán; không được sử dụng trang thiết bị và nguồn lực từ nguồn hỗ trợ phòng chống dịch để cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.

Đối với các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị, test xét nghiệm và các nguồn lực khác được Bộ Y tế hỗ trợ để phục vụ công tác phòng chống dịch cần lưu ý thực hiện tiếp nhận, quản lý, hạch toán, theo dõi và quyết toán số thiết bị, vật tư, hàng hóa được hỗ trợ theo đúng chế độ kế toán và pháp luật hiện hành.

Đối với các trang thiết bị tiếp nhận từ nguồn ngân sách Nhà nước mua cho công tác phòng chống dịch Covid-19, nguồn do một số đơn vị tài trợ, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản thông tin đầu mối liên hệ để các đơn vị rà soát và chủ động liên hệ tiếp nhận các giấy tờ và tài liệu còn thiếu trong quá trình tiếp nhận.

Một số trang thiết bị, vật tư chưa có đơn giá: Tạm thời các đơn vị ghi nhận và thực hiện hạch toán, theo dõi theo chế độ kế toán hiện hành. Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm việc với nhà tài trợ để cung cấp đơn giá, làm cơ sở để các đơn vị hạch toán theo quy định.

Trong trường hợp các loại thuốc, vật tư, hàng hóa đã tiếp nhận nhưng bị hết hạn sử dụng, bị hỏng không sử dụng được, các đơn vị thực hiện hủy, thanh lý theo quy định hiện hành.

Thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với các tải sản đơn vị nhận của các tổ chức, đơn vị theo đúng quy định...

Về vấn đề đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và khám chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục có phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân theo các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh, trong trường hợp cần thiết khi Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu, các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận trang thiết bị thực hiện việc điều chuyển trang thiết bị sang các đơn vị khác để sử dụng, đáp ứng yêu cầu công tác chống dịch.

Bộ Y tế tổ chức cuộc thi nhảy “Vũ điệu 2K+” trên nền tảng Tiktok

Nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trong chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”, Bộ Y tế phối hợp cùng Quỹ Unilever Việt Nam, Lifebuoy Việt Nam tổ chức cuộc thi nhảy “Vũ điệu 2K+” trên nền tảng Tiktok từ ngày 1/10/2022 đến ngày 20/10/2022.

Về đối tượng tham gia cuộc thi: Không giới hạn độ tuổi và số lượng thành viên tham gia chương trình. Người dự thi cần thực hiện 3 bước:

Bước 1: Sử dụng nhạc điệu nhảy “Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” tại TikTok Bộ Y tế để quay video cover điệu nhảy. (Sử dụng nhạc cho điệu nhảy tại đây: https://vt.tiktok.com/ZSRQs6F6w/)

Bước 2: Đăng tải clip cover lên trang TikTok cá nhân ở chế độ công khai. Viết caption kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia cuộc thi kèm theo đầy đủ các hashtag: #BoYte #UnileverVN #Lifebuoy #Vudieu2K+ #AntiCovid19

Bước 3: Gửi clip dự thi vào hòm thư chính thức của Cuộc thi: [email protected].

Số lượng giải thưởng gồm 2 Giải Nhất, 4 Giải Nhì và 4 Giải Ba. Ban tổ chức (BTC) sẽ chọn người thắng Giải Nhất – Nhì – Ba theo 2 tiêu chí:

+ Điểm tương tác trên nền tảng Tiktok (1 tim = 1 điểm, 1 share = 3 điểm).

+ Điểm BTC được tính theo tiêu chí chấm điểm (Chi tiết kèm theo Thể lệ cuộc thi).

Với tổng điểm = Điểm tương tác x 50% + Điểm BTC x 50%.

Bên cạnh phát động Cuộc thi cover điệu nhảy 2K+ với chủ đề “Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” trên nền tảng Tiktok, Bộ Y tế mong muốn truyền tải thông điệp mới mang tinh thần vui tươi, tích cực giúp cộng đồng dễ dàng ghi nhớ và chủ động thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe.

Đồng thời, Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam thực hiện chuỗi hoạt động truyền thông cung cấp các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với các thể loại (video, infographic, audio), thực hiện các tọa đàm, trao đổi, tư vấn sức khoẻ trên các báo đài,...

Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng

 Bộ Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức hội thi sáng kiến truyền thông "Gia đình có sức khỏe, không có khói thuốc". ‏

Tình trạng hút thuốc cũng như các hình thức sử dụng thuốc lá khác của phụ nữ và trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Việc phơi nhiễm với khói thuốc sẽ gây hại với sức khỏe, sự phát triển của trẻ em và chất lượng nòi giống...

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc lá thụ động gây tử vong cho 1,2 triệu người mỗi năm, trong đó có 64% nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em.‏

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội bao gồm chi phí bỏ ra cho hút thuốc và chi phí điều trị cho các nhóm bệnh có liên quan đến hút thuốc lá như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa và hô hấp trên, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim và đột quỵ…

Nước ta có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha, tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng gia tăng nhanh chóng, kèm theo đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi.‏

‏Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại của hút thuốc lá vì một gia đình mạnh khỏe, vì một môi trường lành mạnh, từ đó góp phần xây dựng một môi trường không khói thuốc trong cộng đồng.

Gánh nặng bệnh tật với các loại thuốc lá thế hệ mới
Ngoài thuốc lá điếu truyền thống, hiện trên thị trường đang xuất hiện hai loại mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư