Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 24/6: Thông tin về vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng
D.Ngân - 24/06/2023 17:02
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hiện đã có một công ty sản xuất vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược.

Dịch tay chân miệng phức tạp

Tại cuộc họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phố phía nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, tại Viện Pasteur TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đã có một công ty sản xuất vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm vắc-xin này sẽ được cấp phép.

Ảnh minh hoạ.

Cũng tại buổi họp, TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, trong tuần qua, 20 tỉnh, thành phố phía Nam ghi nhận 2.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 23% so với tuần trước và có 2 ca tử vong.

Ca tử vong chủ yếu là trẻ 5 tuổi, tử vong sau 1 - 6 ngày sau khi nhập viện. Nguyên nhân tử vong ở 5/7 ca xác định do vi rút Entero 71 (EV17). Do đó trường học là nơi dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, và đã có 4 ca tử vong.

Những năm trước phải đến tháng 8,9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn tiến phức tạp.

Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.

Đây là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng.

Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi hai tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực.

Ngày 21/6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại Khoa Nhiễm - Thần kinh.

Để đối phó với tình trạng bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng mạnh ở TP.HCM, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết TP.HCM và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại. 

Đối với thành phố, hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Thêm trường hợp ngộ độc nấm

Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận một bệnh nhân nam 37 tuổi, địa chỉ ở TP. Lạng Sơn vào viện với các triệu chứng: đau bụng quanh rốn, nôn, tiêu chảy.

Theo lời người bệnh kể, trưa cùng ngày, người bệnh có ăn cơm cùng với một loại nấm màu đỏ, mua ngoài chợ. Sau ăn khoảng 4 giờ đồng hồ, người bệnh đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần, mệt mỏi nên vào viện.

Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm cho thấy người bệnh dấu hiệu rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, suy thận cấp, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan.

Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc nấm - suy thận cấp và được điều trị truyền dịch tích cực, than hoạt đa liều, bù điện giải. Hiện tại, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện. 

Qua hình ảnh người bệnh cung cấp, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng người bệnh ăn phải nấm xốp Russula có độc. Loại nấm này có hình dáng gần giống với nấm Chẹo đỏ - một loại nấm có thể ăn được, vì vậy người dân rất dễ nhầm lẫn.

Đây là ca bệnh thứ 2 tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bị ngộ độc nấm mua ở ngoài chợ. Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có nhiều loại nấm phát triển, rất khó phân biệt giữa các loại nấm.

Trong khi đó, các loại nấm rừng là loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc. Người ăn phải nấm độc thường có biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, choáng váng.

Đối với các trường hợp nặng thường bị khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, dần dẫn tới tình trạng suy thận, suy gan cấp, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Để không xảy ra ngộ độc nấm, người dân cần phân biệt các loại nấm và cách nhận biết nấm độc, sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng. Nếu không biết cách phân biệt các loại nấm hoặc không biết rõ nguồn gốc thì không nên sử dụng.

Khi ăn phải nấm độc và thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Phát động Hành trình Đỏ lần thứ 11 tại TP.HCM

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP.HCM phối hợp Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Công ty cổ Phần VTVCorp tổ chức khai mạc chương trình Hành trình Đỏ lần thứ 11, năm 2023 tại TP.HCM và Ngày hội hiến máu tình nguyện với chủ đề “Giọt hồng từ Thành phố mang tên Bác”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, cho biết trong hơn một thập kỷ năm qua, công tác hiến máu tình nguyện nước ta đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ nét và rất đáng tự hào.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện năm 2008 đến nay, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 16 triệu đơn vị máu;

Lượng máu thu được năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng: từ hơn 500.000 đơn vị máu (2008) tăng lên hơn 1,4 triệu đơn vị máu (2022). Trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.

Lượng máu này đã góp phần cứu chữa hàng triệu người bệnh, không để xảy ra thiếu máu như trước đây, nhất là vào dịp Tết và dịp hè. Các chiến dịch, sự kiện lớn về hiến máu tình nguyện ngày càng được tổ chức quy mô, khoa học, bài bản, phù hợp từng đối tượng, thu hút ngày càng đông đảo các lực lượng tham gia.

Trong đó, đặc biệt là Hành trinh Đỏ - chương trình vận động hiến máu xuyên Việt có quy mô lớn nhất vào mỗi dịp hè - đã mang lại nhiều kết quả, giá trị và kinh nghiệm sâu sắc cho phong trào hiến máu tình nguyện.

Mặc dù những năm gần đây TP.HCM không còn tình trạng thiếu máu nhưng Chương trình Hành trình Đỏ vẫn tiếp tục được thực hiện để truyền thông đến tất cả các cá nhân, đơn vị hãy thường xuyên hiến máu nhắc lại, để có được nguồn máu ổn định, an toàn và chất lượng.

Kể từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tham gia chương trình Hành trình Đỏ đầy đủ 11 năm, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố đã tiếp nhận được gần 45.000 đơn vị máu, với hàng ngàn người tình nguyện viên tham gia.

Theo Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, khởi động chương trình Hành trình Đỏ năm 2023 đánh dấu 11 năm Hành trình Đỏ cũng là sự kết nối những trái tim nhân ái của Thành phố nghĩa tình với Ngày hội hiến máu “Giọt hồng từ Thành phố mang tên Bác”, tiếp tục truyền thông điệp “Hiến giọt máu đào trao đời sự sống”.

“Về mục tiêu của chương trình Hành trình Đỏ lần thứ 11 năm 2023, thành phố phấn đấu đạt tối thiểu hơn 5.000 đơn vị máu trong tuần lễ phát động và hơn 20.000 đơn vị máu/tháng, huy động ít nhất 200 tình nguyện viên tham gia; truyền thông cho các thế hệ trẻ về căn bệnh Tan máu bẩm sinh Thalassemia, cách nhìn nhận và phòng ngừa”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Dịp này, ban tổ chức đã tặng quà cho 10 bệnh nhân tan máu bẩm sinh, tôn vinh 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống tay chân miệng
Ngày 12/6, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các Bộ, ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư