Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 27/12: Kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh; Cảnh báo tai nạn do pháo nổ tự chế
D.Ngân - 27/12/2022 09:12
 
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Cập nhật về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Tại đây các nhà khoa học, cán bộ y tế trong cả nước có cơ hội trao đổi, cập nhật kiến thức chuyên môn, giới thiệu kỹ thuật, mô hình kiểm soát nhiễm khuẩn tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả thực hiện công tác nhiễm khuẩn bệnh viện.

Hội thảo khoa học lần này nhận được sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ các trung tâm y khoa lớn trong nước. Với 14 báo cáo khoa học có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao, bàn luận về 3 chuyên đề lớn trong kiểm soát nhiễm khuẩn: Tổng quan, cập nhật kiến thức; cải tiến chất lượng giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện và thách thức nhiễm khuẩn bệnh viện vi khuẩn đa kháng; xử lý dụng cụ và môi trường - an toàn nhân viên y tế.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Hậu quả mà nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra hết sức nặng nề, làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm điều trị trung bình từ 7-15 ngày, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe lên 2-4 tuần.

Kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng chuyên môn của bệnh viện. Ảnh minh hoạ

Các bệnh gây nhiễm khuẩn bệnh viện có mức độ kháng kháng sinh cao hơn các bệnh gây nhiễm khuẩn trong cộng đồng. Do đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng chuyên môn của bệnh viện, liên quan tới an toàn của người bệnh và nhân viên y tế.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những trung tâm y học hàng đầu của Quân đội và cả nước, trung bình hàng ngày Bệnh viện khám và điều trị từ 4.500-5.000 bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nếu không có biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Bệnh viện luôn làm tốt các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ sau phẫu thuật.

Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch Covid-19, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện đồng bộ, nghiêm ngặt, không để dịch bệnh lan tràn với những kế hoạch cụ thể, quy trình cách ly hợp lý; cũng như đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về chống lây nhiễm cho nhân viên y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đồng thời, việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật sạch và sạch nhiễm đã góp phần đưa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trở thành một trong số ít bệnh viện tại Việt Nam triển khai thành công kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật từ hơn 10 năm nay, với tỷ lệ hàng năm trên 80%, giảm đáng kể chi phí cho người bệnh và tình trạng kháng kháng sinh tại Bệnh viện.

Chiều 26/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống (01/01/2003-01/01/2023) Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Khởi đầu “từ con số 0” - khi chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn chỉ mới hình thành tại Việt Nam, sau 20 năm nỗ lực, phấn đấu, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong công tác chuyên môn chung của Bệnh viện và là cơ sở uy tín hàng đầu đất nước về chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn.

Còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc nâng cao chất lượng dân số

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít-tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững".

Trong thời gian qua, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Các thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dân số có thể kể đến như: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể, năm 2020 nam đạt 168,1cm, nữ đạt 156,2cm. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%. Theo báo cáo phát triển con người, HDI của Việt Nam tăng qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 năm 2019.

Tuy nhiên, ngành công tác dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số là rất lớn, đó là mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh. Chỉ số HDI chưa cao, chậm được cải thiện.

Tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện nhiều những còn cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Chất lượng dân số còn thấp…

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể xây dựng Luật Dân số bảo đảm tiến độ và chất lượng, trình Chính phủ để trình Quốc hội vào năm 2024, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 37-NQ/CP của Chính phủ.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ, chính quyền…

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ tự chế dịp cận Tết

Mới đây, khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam, 16 tuổi, Bắc Giang vào viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân chơi pháo tự chế, khi đang cầm pháo trên tay thì pháo nổ gây nát bàn tay trái và chân phải. Bệnh nhân được đưa đến BV tuyến trước để được cầm máu, sau đó chuyển Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trường hợp thứ 2, bệnh nhân nam, 15 tuổi, Nam Định, bệnh nhân bị nát bàn tay phải, gãy đốt 1 ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp, bờ nham nhở, lộ gân cơ.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương, hiện tại cả 2 bệnh nhân tỉnh táo, các ngón tay hồng….

Ths. BS Nguyễn Điện Thanh Hiệp, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình cho biết “ Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân...

Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo. Để hạn chế tai nạn đáng tiếc gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, gia đình cần giám sát việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em”.

Thời điểm gần Tết, các vụ việc, tai nạn liên quan tới pháo tự chế lại tiếp tục gia tăng, để lại nhiều hậu quả khôn lường về tính mạng và sức khỏe, trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.

Bác sĩ Bạch Mai cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn huyết khi tiếp xúc với nước mặn
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn nặng sau khi vệ sinh ao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư