Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 5/6: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ cấp cứu; Xử nghiêm trục lợi bảo hiểm y tế
D.Ngân - 05/06/2023 09:52
 
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế giao cho Viện trưởng Viện Huyết truyền máu Trung ương cùng các đơn vị bảo đảm cung cấp máu, đủ máu cấp cứu và điều trị bệnh tại Cần Thơ.

Chỉ đạo khẩn liên quan tới thiếu máu

Theo thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, ngày 3/6, đơn vị này nhận được công văn của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về việc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ thông báo tạm dừng cung cấp máu, chế phẩm máu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, mà chỉ cung cấp cho người bệnh cấp cứu với số lượng hạn chế (nguyên nhân do khó khăn trong đấu thẩu, mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu).

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế giao cho Viện trưởng Viện Huyết truyền máu Trung ương cùng các đơn vị bảo đảm cung cấp máu, đủ máu cấp cứu và điều trị bệnh tại Cần Thơ.

Sau khi nắm tình hình và báo cáo nhanh của các đơn vị liên quan, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giao Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu Quốc gia làm đầu mối điều phối, phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc Huế, TP.HCM bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, tuyệt đối không để thiếu gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Sở Y tế Cần Thơ khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện trong phạm vi bao phủ cung cấp máu, chế phẩm được giao.  

Sở Y tế Bạc Liêu, Sở Y tế các tỉnh/TP có sử dụng máu, chế phẩm máu khu vực đồng bằng sông Cửu Long tích cực phối hợp với Sở Y tế TP.Cần Thơ và các đơn vị liên quan trong cung cấp máu, chế phẩm và báo cáo Văn phòng UBND tỉnh/thành phố kịp thời để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong bảo đảm cung cấp đủ máu, chế phẩm.

Xử nghiêm các hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 1623/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế về việc vi phạm trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với 6 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đúng quy định.

Những sai phạm chủ yếu như người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.

Trong đó, với sự việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của 6 phòng khám đa khoa tại tỉnh Đồng Nai từ tháng 5/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan phát hiện và chuyển Công an tỉnh Đồng Nai.

Để bảo đảm việc tuân thủ thực thi chính sách pháp luật theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó Bộ Y tế cần chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh được xác định có hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giao cho Sở Y tế phối hợp bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ; Điều 23 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, ...).

Ăn trứng cóc, hai mẹ con phải nhập viện cấp cứu

Chiều 4/6, TS.Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết, nơi đây vừa cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc.

Bệnh nhân là mẹ và con gái trong cùng gia đình, nhập viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, tê bì chân tay. Riêng con gái 17 tuổi còn kèm thêm triệu chứng khó thở và đau tức ngực, loạn nhịp tim.

Trước đó, hai mẹ con làm thịt cóc để chế biến thức ăn. Mặc dù đã lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng, chỉ lấy phần thân để chế biến, nhưng thấy cóc đang có trứng, hai mẹ con đã lọc lấy bọc trứng để chế biến cùng thịt cóc.

Sau bữa cơm, cả hai cùng xuất hiện đau đầu, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Các bệnh nhân được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện sơ cứu ban đầu và nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Mặc dù khuyến cáo rất nhiều, song các vụ ngộ độc do ăn thịt cóc vẫn xảy ra. Vào đầu tháng 4 năm nay, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc. Dù được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực 30 phút, nhưng đáng tiếc 1 trong 3 bệnh nhân đã tử vong.

Theo TS.Hoàng Công Tình, cóc chứa chất độc ở trên toàn bộ da, tuyến nước bọt- mang tai, nội tạng và trứng. Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của chúng: trứng, nòng nọc, cóc con, cóc trưởng thành. Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hoá, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch.

Vì vậy, theo các bác sĩ, người dân không nên thịt cóc để chế biến làm thức ăn vì nọc độc của cóc có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng con người.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư