Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/9: Nhiều trạm y tế triển khai tiêm vắc-xin 5 trong 1
D.Ngân - 07/09/2023 11:22
 
Hiện nhiều trạm y tế trên địa bàn Hà Nội bắt đầu tiêm trở lại vắc-xin 5 trong 1. Ngay khi có vắc-xin về, các phụ huynh khẩn trương đưa con đi tiêm để đảm bảo phòng bệnh.

Hà Nội tiêm vắc-xin 5 trong 1

Vẫn là lịch tiêm vắc-xin cho trẻ vào thứ tư tuần đầu tháng như thường lệ, nhưng đợt tiêm này, Trạm Y tế phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đông hơn hẳn vì đã có vắc-xin 5 trong 1 về. Trẻ đến tiêm đợt này đa số là nhỏ tuổi; một số trẻ quá lịch tiêm cũng được tiêm bổ sung.

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, từ tháng 4/2023, TP. Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước rơi vào tình trạng thiếu vắc-xin 5 trong 1; nhiều trẻ phải hoãn, chờ vì không có vắc-xin tiêm miễn phí tại các phường, xã.

Vừa qua, Bộ Y tế đã có nguồn vắc-xin 5 trong 1 và triển khai phân bổ đến các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Ngay sau khi có nguồn vắc-xin được phân bổ, Hà Nội đã triển khai tiêm cho trẻ, “trả nợ” các mũi tiêm chậm cho trẻ để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.

Vắc-xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay để phòng 5 loại bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, một số bệnh đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Với mũi vắc-xin 5 trong 1, trẻ được tiêm 3 mũi vào giai đoạn 2, 3, 4 tháng tuổi.

Đáng lo với dịch đau mắt đỏ

Ngày 7/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng trên địa bàn thành phố trong những ngày gần đây, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) phối hợp với đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh.

Đồng thời, Sở Y tế thành phố cũng đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ.

Theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, số lượt khám vì viêm kết mạc tính từ ngày 1/1/2023 cho đến nay là 71.740 lượt.

Số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm, trong đó khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn. Thống kê cho thấy, năm 2013 là năm mà số trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Để phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh; khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác; hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và các dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.

Thứ hai, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, đặc biệt lưu ý dặn dò, tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng, cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú.

Thứ ba, yêu cầu các cơ sở y tế báo cáo nhanh khi có tình hình bệnh có diễn biến bất thường. Các đơn vị phải sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, vật tư, thuốc điều trị và kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Phòng bệnh cúm mùa bằng cách tiêm vắc-xin
Hàng năm, cứ đến mùa đông - xuân là các bệnh truyền nhiễm liên quan đến hô hấp lại nổi lên như là có lịch hẹn trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư