Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế 16/12: Việt - Mỹ mở rộng hợp tác về thuốc và điều trị bệnh; Covid-19 đang quay trở lại
D.Ngân - 16/12/2023 10:38
 
Chuyên gia cấp cao Stanford cùng các nhà khoa học Viện nghiên cứu Tâm Anh bàn về bệnh truyền nhiễm và thuốc sinh học mới.

Việt - Mỹ mở rộng hợp tác về thuốc và điều trị nhiều bệnh thời đại

Các chuyên gia từ Viện vi sinh & Chống dịch Stanford (Mỹ) và Viện nghiên cứu Tâm Anh (Việt Nam) đã trao đổi nghiên cứu, ứng dụng mới trong điều trị bệnh và các vấn đề y tế cấp thiết tại Việt Nam.

Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện hợp tác.

GS.Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tâm Anh cho biết, thay vì chỉ ra nước ngoài học hỏi, nghiên cứu, Viện nghiên cứu Tâm Anh nỗ lực mời ngày càng nhiều các chuyên gia, nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới đến Việt Nam.

Chúng tôi muốn tham vấn các góc nhìn, đánh giá mới, tận dụng trí tuệ quốc tế về chính các vấn đề y tế, dịch bệnh và công tác nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và thuốc mới tại Việt Nam, phù hợp với dịch tễ học và tình hình thực tế của Việt Nam”, GS.Nguyễn Văn Tuấn nói.

Tại sự kiện hợp tác hai bên, GS.Jeffrey Glenn trình bày báo cáo “Phương pháp mới điều trị viêm gan siêu vi D” thu hút giới chuyên môn, do Việt Nam vẫn chưa có kỹ thuật xét nghiệm và vắc-xin phòng bệnh này.

GS.Jeffrey Glenn cho biết Viện vi sinh & Chống dịch Stanford đã xúc tiến đào tạo kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D cho Trung tâm Xét nghiệm, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Các chuyên gia cảnh báo, người mắc cùng lúc viêm gan siêu vi B và D càng khiến bệnh tiến triển đến xơ gan nhanh hơn và tăng tỷ lệ tử vong. Dịch bệnh giống như một cuộc chiến, các thuốc điều trị và vắc-xin mới đóng vai trò quan trọng, cần bắt đầu sớm.

Ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới, người đứng đầu Stanford cho biết hai bên sẽ định hướng mô hình khả thi để phát triển cộng đồng các bác sĩ có động lực nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam.

Việt Nam cần thúc đẩy hơn nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm mới.

Hai Viện cùng nhau xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.

Việc ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám và điều trị bệnh theo xu thế mới cũng được hai bên trao đổi.

Các chuyên gia từ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn về ứng dụng robot AI trong mổ u não, đột quỵ xuất huyết não; Công nghệ nuôi phôi AI, cải thiện tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm; Ứng dụng siêu "thuật toán" AI trong dựng hình, đo đạc cấu trúc tim thai, phát hiện bất thường nhỏ nhất.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn ứng dụng công nghệ thực tế ảo “Mắt thần” Knee+ trong phẫu thuật tạo hình khớp gối nhân tạo; can thiệp phì đại lành tính tuyến tiền liệt không phẫu thuật với sự trợ giúp của AI, “siêu chọn lọc” đúng các mạch máu cần can thiệp.

Đại diện Stanford cho rằng các đột phá công nghệ sẽ giúp ngành y tế thay đổi mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ AI có thể rút ngắn được quá trình sản xuất ra các loại thuốc mới, phù hợp riêng cho từng người.

Ở lĩnh vực y tế dự phòng, BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC trình bày các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vắc-xin phòng bệnh với các chuyên gia Mỹ, từ đó tìm cách đối phó tốt hơn.

Hiện Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm gan siêu vi B… nhưng chưa có vắc-xin cho sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Trong chuyến thăm và làm việc, các chuyên gia Việt - Mỹ còn trao đổi nhiều chủ đề lớn mang tính thời đại như: Khả năng lập trình các loại thuốc kháng virus, Tương lai ngành công nghệ sinh học mới, chuyển tải các nghiên cứu y sinh học cơ bản thành các ứng dụng chữa trị mới…

GS.Jeffrey Glenn đánh giá Tâm Anh sở hữu hệ thống bệnh viện lớn, viện nghiên cứu, hàng trăm trung tâm tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc và xây dựng trường đại học chú trọng đến năng lực khoa học cơ bản, cho thấy đủ tầm vóc trở thành đối tác lý tưởng của Stanford.

Giám sát trọng điểm lồng ghép Covid-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, giám sát trọng điểm được thực hiện từ năm 2005 với giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP) và từ năm 2006 với giám sát hội chứng cúm (ILI) nhằm phát hiện sớm các tác nhân đường hô hấp mới có thể lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao để kịp thời đáp ứng với các đợt bùng phát dịch.

Kết quả 10 năm giám sát hội chứng cúm tại Việt Nam, cho thấy các virus cúm lưu hành quanh năm với tỷ lệ mắc cúm hàng năm khoảng 21%; trong đó khoảng 39,2% là cúm B, 31,1% là cúm A/H3 và 29,7% là cúm A/H1N1.

Trên cơ sở chiến lược và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Cục Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn và kế hoạch triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép Covid-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp để phát hiện sớm các tác nhân mới, bao gồm các biến thể mới của SARS-CoV 2 và giám sát sự thay đổi về khả năng lây lan, mức độ tăng nặng của bệnh.

Cục Y tế dự phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và trình ban hành hướng dẫn và kế hoạch triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép Covid-19, cúm và các tác nhân đường hô hấp để bảo đảm việc duy trì triển khai giám sát liên tục, thống nhất và làm cơ sở cho công tác dự báo, lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.

Về công tác phòng, chống Covid-19, TS.

Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin, tại Việt Nam, tình hình Covid-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.

Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với Covid-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp Covid-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19, giai đoạn 2023-2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.

Đối với cúm gia cầm độc lực cao (cúm A/H5N1), lãnh đạo Cục Y tế dự phòng  cho biết, trong năm 2023, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc ở người; tuy nhiên theo thông tin từ Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương.

Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển; đồng thời hiện cũng bắt đầu có xu hướng tăng nuôi gia cầm chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán 2024 nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đã có văn bản số 7910/BYT-DP đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Lưu ý khi dịch Covid-19 tăng tại một số nước

Trước thực tế dịch Covid-19 đang quay trở lại, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (USCDC) và cơ quan Đầu mối, các nước thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và chủ động cập nhật, cung cấp thông tin báo chí về tình hình dịch và các khuyến cáo phòng bệnh.

Đáng chú ý, tại nước ta hiện đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Do vậy người dân không nên chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân theo các khuyến cáo đã được đưa ra như: đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Mặt khác, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư