Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 1/11: Phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư thực quản
D.Ngân - 01/11/2024 09:42
 
Ung thư thực quản thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, khối u to, không thể phẫu thuật, để lại nhiều hệ lụy cho người mắc.

Khó phát hiện ung thư thực quản vì dấu hiệu mờ nhạt

PGS-TS.Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, thực quản là phần trên của ống tiêu hóa, giúp chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày.

Ung thư thực quản thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, khối u to, không thể phẫu thuật, để lại nhiều hệ lụy cho người mắc.

Ung thư thực quản là khối u ác tính được hình thành từ niêm mạc thực quản. Khi phát triển, khối u sẽ xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh và di căn.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, Việt Nam có hơn 3.600 người mắc mới và 3.400 người chết vì bệnh này.

Ung thư thực quản đứng thứ 5 trong các loại ung thư tiêu hóa, sau ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng và gan. Khoảng 70% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, khối u thực quản xâm lấn xung quanh hoặc di căn xa.

Dấu hiệu sớm ung thư thực quản rất nghèo nàn, kín đáo, khi người bệnh khó nuốt, nuốt đau thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển.

Các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh là thuốc lá, rượu bia. Những người bị trào ngược dạ dày lâu ngày, người béo phì hoặc uống phải các chất độc hại.

Điều trị ung thư thực quản hiện nay là phối hợp phẫu thuật, hóa, xạ trị, miễn dịch, điều trị đích. Trong đó, điều trị ngoại khoa vẫn đóng vai trò quan trọng nhất, mang tính chất triệt căn. Song, cách này gặp khó do hầu hết bệnh nhân đến ở giai đoạn tiến triển, khối u to, di căn. Khi đó, bác sỹ không thể phẫu thuật, buộc hóa, xạ trị.

Còn ở giai đoạn sớm, khối u chỉ khu trú ở lớp niêm mạc, bác sỹ chỉ cần cắt hớt niêm mạc qua nội soi ống mềm. Tỷ lệ sống có thể đạt đến 90% sống trên 5 năm với chẩn đoán sớm.

Nội soi đường tiêu hóa là phương pháp để phát hiện những tổn thương của bệnh giai đoạn sớm. Nếu phát hiện các tổn thương sùi loét trong thực quản, bác sỹ sẽ sinh thiết, từ đó đưa hướng xử trí.

Bác sỹ khuyến cáo việc phát hiện sớm rất quan trọng trong điều trị ung thư thực quản. Khi có các dấu hiệu như nghẹn khi ăn, khó nuốt, đau ngực, khàn tiếng, sụt cân nên đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Nếu có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị triệt để. Người có yếu tố gia đình mắc bệnh, hay có các yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, uống rượu, béo phì,... nên tầm soát bệnh sớm.

Cứu bệnh nhân thoát cửa tử

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân T.N.K., sinh năm 1999 ở Vĩnh Phúc được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân T.N.K., sinh năm 1999 ở Vĩnh Phúc được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, phải an thần, thở máy do rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết nặng, nguy cơ tử vong trên 90%.

Theo lời kể của bệnh nhân, anh này có tiền sử thủng tá tràng, viêm phúc mạc đã được bệnh viện tuyến dưới mổ khâu thủng, dẫn lưu ổ bụng. Tuy nhiên, sau mổ, bệnh nhân có dấu hiệu rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết, dẫn lưu ra khoảng 1,5 lít dịch tiêu hóa.

Bệnh nhân trở nặng, sốt cao, suy hô hấp phải đặt ống thở máy. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng rất nặng, rò tiêu hóa, rối loạn nước và điện giải.

Sau một thời gian nỗ lực điều trị, tình trạng sốc nhiễm khuẩn của bệnh nhân cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân tăng trở lại và rò tá tràng không cải thiện.

Các bác sỹ nhận định, bệnh nhân ở tình trạng rất nặng, tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%. Nếu không phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân ngày càng xấu hơn, có nguy cơ tử vong.

BSCKII Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, tiết niệu và nam học cho biết, trong 2 tiếng phẫu thuật, chúng tôi đã làm sạch ổ bụng, phá các ổ áp xe cũ và đặt lại nhiều ống dẫn lưu ở các ổ áp xe và cạnh lỗ rò, dẫn lưu mủ cũng như dịch tiêu hóa ra bên ngoài.

Bệnh nhân được đặt thêm một hệ thống ống hút liên tục qua dẫn lưu vùng bị thủng ở tá tràng để không cho dịch tiêu hóa đọng lại gây tổn thương thêm cho những cơ quan nội tạng xung quanh”.

Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Sau 20 ngày đặt hệ thống hút liên tục, các lỗ rò tá tràng dần thu hẹp nhỏ lại, dịch tiêu hóa không còn bị rò ra bên ngoài. Đến nay, lỗ rò tá tràng của bệnh nhân đã liền trở lại, tình trạng nhiễm khuẩn huyết được cải thiện.

Bất thường di truyền và dị tật bẩm sinh ở trẻ nguy hiểm thế nào?

Theo các chuyên gia y tế, các bất thường lệch bội nhiễm sắc thể như Down, Patau, Edwards... gây nguy cơ thai chết lưu. Nhiễm sắc thể chứa gene quy định thông tin di truyền đặc điểm, điều chỉnh quá trình phát triển của bào thai.

Các dị tật thành bụng (thoát vị rốn, thoát vị thành bụng), vô sọ, tắc nghẽn đường tiết niệu dưới, teo phổi, khuyết tật tim nghiêm trọng (thiểu sản tim trái, tứ chứng Fallot)... ảnh hưởng đến chức năng sống của thai nhi, dẫn đến tử vong.

Bánh nhau là cơ quan bám vào niêm mạc tử cung, kết nối thai nhi với thai phụ bằng dây rốn. Nhau thai truyền oxy, chất dinh dưỡng từ nguồn cung cấp máu của thai phụ đến bé.

Nếu bánh nhau hoặc dây rốn xảy ra bất thường như u mạch máu nhau thai, dây rốn bám màng, mạch máu tiền đạo, sa dây rốn... có thể ngăn cản bào thai nhận oxy, chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Điều này khiến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, nghiêm trọng nhất là thai lưu.

Nhau bong non là tình trạng nghiêm trọng, trong đó bánh nhau tách một phần hoặc toàn bộ khỏi thành tử cung khiến thai nhi không nhận đủ oxy, chất dinh dưỡng, thường xảy ra sau tuần 20 thai kỳ.

BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ vì nhau bong non là tình trạng cấp cứu sản khoa, có thể dẫn đến rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ và thai nhi.

Các triệu chứng bao gồm đau bụng, cứng bụng, co thắt tử cung, xuất huyết âm đạo có thể rất nhẹ. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường, thai phụ cần đi khám ngay lập tức.

Đây là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến thai chết lưu. Tiền sản giật xảy ra sau tuần thai 20 với các triệu chứng tăng huyết áp kèm lượng protein trong nước tiểu cao.

Bệnh còn có thể đi kèm với suy giảm chức năng thận, tổn thương gan, giảm tiểu cầu, phù phổi, biến chứng thần kinh (đau đầu, co giật, đột quỵ, vấn đề về thị giác) và thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Bánh nhau trong thai kỳ tiền sản giật thường nhỏ hơn bánh nhau ở thai kỳ bình thường cùng tuổi thai. Tổn thương nhau thai này có thể do thiếu tưới máu ở mẹ (lượng máu cung cấp đến thai nhi không đủ) hoặc bất thường mạch máu thai nhi. Đây cũng là lý do khiến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, hậu quả là lưu thai.

Nghiên cứu cho thấy hơn 130 loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung, 1/3 trong số này là nguyên nhân dẫn đến thai lưu. Các loại nhiễm trùng có thể làm tổn thương bào thai như liên cầu khuẩn nhóm B, cytomegalovirus (CMV), E.coli, chlamydia, rubella, cúm, lyme, toxoplasma, herpes, sốt rét, Covid-19...

Thai nhi có khả năng bị nhiễm trùng trực tiếp qua bánh nhau với tổn thương ở tim, phổi, thận... Bánh nhau bị nhiễm trùng làm giảm lưu lượng máu đến bào thai.

Trong trường hợp khác, virus gây bệnh nặng ở thai phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi. Nếu thai phụ nhiễm bệnh không được phát hiện sớm, điều trị, nguy cơ cao khiến thai chết lưu.

Ngoài những nguyên nhân trên, các yếu tố như thai phụ mắc bệnh lý, béo phì, dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi, hút thuốc, uống rượu, mang đa thai... cũng gây thai lưu.

Bác sỹ Hưng khuyến cáo khám thai định kỳ và sàng lọc các nguy cơ mang thai giúp hạn chế tình trạng thai chết lưu. Những thai phụ từng bị lưu thai cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình chăm sóc trước sinh nhằm đảm bảo thai kỳ thuận lợi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư