Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 11/7: TP.HCM thông tin về chống hàng giả, gian lận thương mại
D.Ngân - 11/07/2025 09:05
 
Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về kết quả triển khai Tháng Cao điểm đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra từ ngày 15/5 đến 15/6/2025.

Xử phạt hơn 2 tỷ đồng vi phạm hàng giả, gian lận thương mại 

Theo báo cáo, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 226 cơ sở thuộc các lĩnh vực khác nhau, bao gồm: 6 cơ sở mỹ phẩm, 80 cơ sở dược, 121 cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế và 19 cơ sở khám, chữa bệnh.

Kết quả, có 41 cơ sở bị xử lý vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 2,27 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn buộc nộp lại tang vật vi phạm (mỹ phẩm) trị giá hơn 39,7 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh.

Các tổ công tác đặc biệt phát hiện 3 cơ sở vi phạm, trong đó có 2 cơ sở vi phạm quy định về quảng cáo và 1 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng số tiền xử phạt đối với các vi phạm này là hơn 572 triệu đồng.

Tại cấp huyện, Phòng Y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã kiểm tra 1.059 cơ sở hành nghề y, dược, qua đó xử lý 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 169 triệu đồng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thiết bị y tế, Sở Y tế đã ban hành 17 quyết định thu hồi tổng cộng 364 số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các sản phẩm thuộc loại A và B.

Nhiều sản phẩm trong số này bị phát hiện công bố sai tiêu chuẩn, như: gel rửa tay, máy đo đường huyết, máy massage, dung dịch rửa phụ khoa, dụng cụ chăm sóc tai - mũi - họng...

Qua công tác kiểm tra, Sở Y tế ghi nhận nhiều lỗi vi phạm phổ biến của doanh nghiệp, bao gồm sản phẩm không phù hợp định nghĩa thiết bị y tế; phân loại sai mức độ rủi ro; tự hạ thấp mức độ rủi ro; hồ sơ tự công bố không đầy đủ hoặc thông tin không chính xác.

Trong khi chưa phát hiện thiết bị y tế giả, kém chất lượng tại các bệnh viện, trung tâm y tế, Sở Y tế vẫn cảnh báo tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế tự công bố để gian lận, hạ mức độ rủi ro từ nhóm C hoặc D xuống nhóm A hoặc B nhằm dễ dàng công bố và tham gia đấu thầu.

Để siết chặt công tác quản lý, thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ tăng cường giám sát hoạt động tự công bố thiết bị y tế, đồng thời triển khai 5 nhóm giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Người dân có thể phản ánh các trường hợp sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sai quy định qua đường dây nóng 0989.401.155 hoặc ứng dụng "Y tế trực tuyến" do Sở Y tế vận hành.

Hà Nội thí điểm tổ chức suất ăn sẵn cho trường học và bệnh viện

Hà Nội đang triển khai thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh theo hướng tổ chức tập trung suất ăn sẵn, đồng thời có kế hoạch mở rộng mô hình này tại các bệnh viện nhằm kiểm soát toàn bộ quy trình chế biến thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh và dinh dưỡng.

Thông tin trên được Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sáng 9-7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Đây là phiên chất vấn chuyên đề về an toàn thực phẩm.

Theo bà Vũ Thu Hà, mô hình suất ăn sẵn được thiết kế nhằm giảm thiểu các khâu trung gian trong chế biến và cung ứng thực phẩm, giúp thành phố kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến cũng như dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi. Thí điểm sẽ được triển khai từ năm học 2025 - 2026 tại một số trường học, trước khi mở rộng áp dụng tại các cơ sở y tế trong giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của các cấp, ngành. Thành phố hiện có khoảng 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc sự quản lý của ba lĩnh vực: y tế, nông nghiệp - môi trường và công thương.

Trước thực tế số lượng cơ sở lớn, đa dạng và khó kiểm soát, Hà Nội đã thành lập gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm ở các cấp.

Từ năm 2023 đến nay, thành phố đã xử phạt hơn 52 tỷ đồng, riêng 5 tháng đầu năm 2025, số tiền xử phạt đã lên tới khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã khởi tố 11 vụ án liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm, với 21 bị can.

Ngoài xử phạt, Hà Nội cũng công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tôn vinh, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm. Phó chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà khẳng định, nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện rõ rệt và từ đầu năm đến nay, thành phố chưa để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thu Hà, thách thức vẫn còn nhiều. Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt phân cấp cụ thể cho chính quyền địa phương hai cấp.

Cùng với đó là nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác giám sát, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.

Thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra nguồn thực phẩm đưa từ các tỉnh vào Hà Nội, phối hợp liên ngành để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm cũng sẽ được đẩy mạnh. Hà Nội sẽ công khai các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để người dân dễ dàng tra cứu, đồng thời cảnh báo, khuyến cáo những địa điểm chưa đảm bảo để người dân thận trọng khi lựa chọn.

Song song với mô hình suất ăn sẵn, Hà Nội sẽ thí điểm xây dựng các khu thương mại ẩm thực và tuyến phố ẩm thực có kiểm soát, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh và nguồn gốc thực phẩm rõ ràng. Những địa điểm này sẽ hoạt động theo tiêu chí, tiêu chuẩn do thành phố ban hành, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, an toàn cho dịch vụ ẩm thực đường phố.

“Việc triển khai các mô hình mới chắc chắn sẽ tác động đến nhiều nhóm đối tượng. Vì vậy, chúng tôi mong mỗi người dân Thủ đô cùng đồng hành, trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nói không với thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Bộ Y tế tiếp tục bãi bỏ thêm thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký ban hành quyết định công bố một số thủ tục hành chính mới và bãi bỏ một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 31/2025/TT-BYT ngày 1/7/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhằm cụ thể hóa Luật Dược và Nghị định số 163/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 của Chính phủ.

Theo quyết định vừa ban hành, Bộ Y tế công bố một thủ tục hành chính mới và bãi bỏ bốn thủ tục hành chính trước đó. Cụ thể, thủ tục hành chính mới được ban hành là “Công bố cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc” thuộc lĩnh vực dược phẩm, do cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện. Thủ tục này thay thế thủ tục cũ nhằm đơn giản hóa quy trình, đảm bảo rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện hơn trong thực tiễn.

Cùng với đó, bốn thủ tục hành chính bị bãi bỏ bao gồm: thủ tục công bố cơ sở giáo dục kiểm tra ngôn ngữ trong hành nghề dược (cấp trung ương), thủ tục kiểm tra và công nhận thành thạo ngôn ngữ trong hành nghề dược, thủ tục công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác trong hành nghề dược và thủ tục công bố cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc (cấp tỉnh).

Việc bãi bỏ này nhằm loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp, bị trùng lặp hoặc đã có quy định thay thế rõ ràng hơn trong văn bản mới. Các thủ tục bị bãi bỏ từng được ban hành trước đó theo Thông tư số 07/2018/TT-BYT và Quyết định số 3949/QĐ-BYT ngày 28/6/2018, cũng đồng thời bị bãi bỏ theo quyết định lần này.

Việc tinh gọn các quy trình thủ tục còn góp phần tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dược, phù hợp với định hướng phát triển ngành y tế hiện đại, minh bạch và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Chặt vòi bạch tuộc hàng giả bằng "con dao" truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Ngày 8/7, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư