Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 02 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 13/6: Dịch sởi, ho gà bùng phát trở lại
D.Ngân - 13/06/2024 10:33
 
Theo điều tra, 100% trẻ mắc ho gà thời gian qua chưa được gia đình đưa đi tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng.

Dịch sởi tăng mạnh tại TP.HCM

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết tháng 4/2024, tỉ lệ trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 trên địa bàn TP.HCM lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%.

Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng phòng chống dịch ho gà, sởi.

Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế nhưng chưa đạt chỉ tiêu của TP.HCM đề ra là trên 95%. Đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại TP.HCM có sự xuất hiện trở lại của các ca bệnh ho gà và sởi. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi.

Theo điều tra dịch tễ, có 90% trẻ mắc ho gà dưới 5 tuổi, trong đó có đến 12 trẻ chưa đủ 2 tháng tuổi để tiêm mũi 1. Trong đó, 100% trẻ mắc ho gà chưa được gia đình đưa đi tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng.

Đây chính là nguyên nhân lớn khiến một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin quay trở lại là do xuất hiện các "khoảng trống miễn dịch".

Được biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch, nhiều quận, huyện độ bao phủ vắc-xin thấp.

Lo ngại dịch bệnh có thể lây lan rộng không chỉ ở TP.HCM mà còn cả khu vực phía Nam, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM kiến nghị cần triển khai ngay chiến dịch tiêm vắc-xin sởi ở các vùng có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cần bảo đảm nguồn cung ứng vắc-xin để khẩn trương tiêm bù cho trẻ, tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh vắc-xin uốn ván nên tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà cho thai phụ.

Nhiều trẻ mắc bệnh ho gà trước khi tới tuổi tiêm chủng, rất cần miễn dịch truyền từ mẹ. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết vùng khu vực phía Nam, nhất là trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp rà soát tiêm chủng cho trẻ ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương; các địa phương cần chủ động nguồn thuốc, vật tư y tế phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Dấu hiệu suy giảm tĩnh mạch chân

Cứ 20 người trưởng thành thì có 1 người bị suy tĩnh mạch chi dưới. Bệnh phổ biến ở nữ giới trên 50 tuổi, người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, phụ nữ mang thai hoặc đã mang thai nhiều lần.

Một bệnh nhân ở TP.HCM kể bà phát hiện suy tĩnh mạch từ ba năm trước, uống nhiều loại thuốc và mang vớ tĩnh mạch đều đặn nhưng bệnh tình thuyên giảm không đáng kể. Một tháng gần đây triệu chứng nặng lên, bà thường xuyên đau nhức chân, vọp bẻ, đêm phải kê cao chân mới ngủ được.

Bệnh nhân từng làm nhân viên văn phòng hơn 30 năm. Trung bình mỗi ngày bà ngồi trên 10 giờ ở công sở, rất ít khi đứng dậy do đặc thù công việc phải tiếp nhiều khách hàng. Bà cũng không có thời gian tập thể dục hàng ngày. Đây là yếu tố nguy cơ chính dẫn tới bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới.

ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM lý giải, không tập thể dục thường xuyên cùng với đặc thù công việc phải ngồi hoặc đứng trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch “giãn không hồi phục” do ứ máu.

Tình trạng giãn tĩnh mạch cũng làm suy yếu các van tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch bị suy nặng hơn. Bên cạnh đó, hiện tượng cục máu đông trong hệ tĩnh mạch sâu ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) cũng là nguyên nhân làm nặng thêm tình trạng suy van tĩnh mạch mạn tính.

Bệnh nhân được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ 3, phải thực hiện thủ thuật để loại bỏ tĩnh mạch bệnh, định hướng dòng máu đi lại theo các tĩnh mạch khỏe mạnh khác. Hai phương pháp phù hợp là đốt laser nội mạch (luồn dây đốt vào tĩnh mạch và tiến hành đốt nóng bằng sóng nhiệt để phá hủy tĩnh mạch bị bệnh) và bơm keo tĩnh mạch Venaseal.

So với đốt laser nội mạch, bơm keo tĩnh mạch Venaseal là phương pháp hiện đại được đánh giá cao vì sự tiện lợi, có nhiều ưu điểm vượt trội: không gây tổn thương dọc theo tĩnh mạch do đốt, ít đau hơn, không gây bỏng da, người bệnh không bắt buộc mang vớ tĩnh mạch vùng đùi liên tục sau mổ và thời gian thực hiện thủ thuật nhanh chóng.

ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cứ 20 người trưởng thành thì có 1 người bị suy tĩnh mạch chi dưới.

Bệnh phổ biến ở nữ giới trên 50 tuổi, người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, phụ nữ mang thai hoặc đã mang thai nhiều lần, cha mẹ/anh chị ruột bị suy tĩnh mạch mạn tính, tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu.

Đặc biệt, người thường xuyên mang giày cao gót, người làm công việc phải đứng nhiều hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài như giáo viên, nhân viên văn phòng, thu ngân, tiếp viên hàng không… cũng tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Theo bác sĩ Hiếu, ngoài hai phương pháp thường được áp dụng cho các trường hợp suy tĩnh mạch chi dưới mức độ trung bình đến nặng) là đốt laser nội mạch và bơm keo tĩnh mạch Venaseal, bệnh ở mức độ nhẹ có thể điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh.

Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp như thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch, thuốc chống đông để ngăn ngừa hình thành cục máu đông…

Một số trường hợp suy tĩnh mạch chi dưới dạng mạng nhện (giãn tĩnh mạch nông kích thước dưới 1 mm dưới da), bác sĩ sẽ  nhiều lần để loại bỏ những tĩnh mạch này.

Suy tĩnh mạch chi dưới có thể được ngăn ngừa bằng cách không hút thuốc lá, tránh mặc các loại quần áo bó sát hay đeo thắt lưng quá chặt, không ngồi hoặc đứng quá lâu, hạn chế mang giày cao gót, có chế độ ăn uống thân thiện với trái tim (giảm muối, hạn chế thức ăn chiên rán và các loại thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường trái cây, rau củ, chất béo tốt, các loại hạt…), tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư