Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 14/9: Bộ Y tế khuyến cáo về đảm bảo an toàn thực phẩm khi hỗ trợ người dân vùng lũ
D.Ngân - 14/09/2024 10:12
 
Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn, hoàn lưu bão gây lũ quét, sạt lở tạo ra những vùng cô lập, người dân cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong đó có thực phẩm và nước sạch.

Bộ Y tế khuyến cáo về thực phẩm hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Bão, lũ là hiện tượng thiên tai hàng năm vẫn xảy ra, gây thiệt hại về người và của tại những nơi bão lũ đi qua; cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn, hoàn lưu bão gây lũ quét, sạt lở tạo ra những vùng cô lập, người dân cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong đó có thực phẩm và nước sạch.

Ảnh minh họa

Ngoài sự đóng góp tiền, đồ dùng thiết yếu thì một lượng lớn thực phẩm đã được các ban ngành đoàn thể, các hội nhóm từ thiện và các cá nhân quyên góp gửi về các vùng lũ lụt. Tuy nhiên, phân phối hàng hóa, thực phẩm cho người dân không đơn giản, phải mất thời gian di chuyển, cung đường khó khăn cộng với thời tiết mưa gió kéo dài do vậy cần phải lưu ý đảm bảo thực phẩm an toàn tới tay người dân vùng bão, lũ.

Việc tự chế biến, đóng gói thực phẩm và hút chân không có thể giúp kéo dài thêm thời gian bảo quản thực phẩm nhưng có thể có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm do việc chế biến không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là ô nhiễm vi khuẩn yếm khí (vi khuẩn sinh trưởng trong môi trường thiếu không khí), sinh độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng.

Một trong các vi khuẩn yếm khí  thường hay gây ngộ độc trong các loại thực phẩm đồ hộp, thực phẩm bao gói hút chân không là vi khuẩn Clostridium botulinum, một loại vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử (dạng tồn tại của vi khuẩn trong môi trường bất lợi); độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum chỉ sinh ra trong môi trường kỵ khí, có độc lực rất mạnh và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây tử vong chỉ với liều lượng rất nhỏ.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm hỗ trợ đến người dân vùng bị thiên tai, bão, lũ, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo:

Đối với tổ chức/cá nhân cứu trợ thực phẩm:

Ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định;

Ủng hộ vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người già trong vùng bão, lũ.

Khi tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không để hỗ trợ cho người dân vùng bão, lũ cần lưu ý:

Lựa chọn các thực phẩm phù hợp với đóng gói hút chân không như: thịt khô, cá khô, bỏng ngô, bỏng gạo, các loại bánh có lá bọc được chế biến đun kỹ (nhiều giờ) như bánh chưng, bánh téc, sau khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không;

Đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm; khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết và bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp.

Nên hỗ trợ những loại thực phẩm tự chế biến, bao gói hút chân không cho những khu vực mà thời gian vận chuyển ngắn để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với thực phẩm hỗ trợ trong thời gian sớm nhất kể từ khi chế biến.

Đối với người cấp phát thực phẩm cứu trợ:

Bao gói hàng cẩn thận để tránh bị ngấm nước mưa hoặc rơi, ngập trong nước lũ, bùn.

Đối với các thực phẩm tự chế biến, bao gói có thời hạn sử dụng ngắn, cần lưu ý thời gian vận chuyển để đảm bảo khi thực phẩm tới tay người được cứu trợ không bị biến chất, ôi, thiu, mốc hỏng.

Đối với người sử dụng thực phẩm cứu trợ:

Cần kiểm tra bao gói thực phẩm được cấp phát, cứu trợ trước khi ăn; tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; Thực phẩm đóng hộp không phồng, nhưng khi mở ra nghe tiếng "xì" tức là có không khí ở trong, hơi “nặng mùi” cũng không nên sử dụng để phòng đã bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là độc tố botulinum.

Đối với các loại thực phẩm do người hỗ trợ tự làm như bánh chưng, bánh dày, bánh téc, ..được sản xuất thủ công, tự đóng gói, đóng kín bằng màng bọc hút chân không thì trước khi sử dụng cần quan sát kỹ, nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc ra thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng. Các loại thực phẩm này có hạn sử dụng ngắn, trong vòng vài ngày, nên cần được biết ngày sản xuất, đóng gói.

Đối với Chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương bị bão, lũ:

Cần bố trí lực lượng để tổ chức tiếp nhận và cấp phát hàng thực phẩm cứu trợ nhanh chóng nhất có thể cho người dân;

Duy trì việc tuyên truyền để người dân thực hiện đảm bảo vệ sinh ăn uống tốt nhất trong điều kiện có thể;

Chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng để chủ động xử lý, khắc phục nếu có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm xảy ra.

Hà Nội: Đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường

TP. Hà Nội vừa tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3. Phát biểu phát động, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Nguyễn Lan Hương cho biết, những ngày vừa qua, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, cây cối, môi trường, gây ra ngập úng tại một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Với tinh thần “đặt sự an toàn của Nhân dân lên trên hết”, cả hệ thống chính trị thành phố đã tích cực vào cuộc, chủ động ứng phó với cơn bão, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn và chăm lo đời sống Nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, Ban Thường trực Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đã kịp thời ra Lời kêu gọi Nhân dân Thủ đô chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhanh chóng khôi phục sản xuất và đảm bảo đời sống của Nhân dân.

Tính đến ngày 13/9, Ban Thường trực Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đã tiếp nhận 56,372 tỷ đồng ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân; kịp thời hỗ trợ Nhân dân Thủ đô 15,7 tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm để Nhân dân ổn định cuộc sống; đồng thời, chuyển 61,5 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại.

Nhân dân trên địa bàn TP đã có nhiều hoạt động thiết thực để sẻ chia với đồng bào vùng lũ, như: Cùng nhau gói bánh chưng, nấu cơm, chuyển bánh mỳ, đồ ăn, hỗ trợ địa điểm ở, nơi trông giữ xe...

Để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, được sự đồng ý của Thường trực Thành uỷ, Ban Thường trực Uỷ ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP tổ chức Lễ phát động ra quân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3; kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức thành viên, các hộ gia đình và Nhân dân cùng tham gia dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, thu dọn cây gãy, đổ; khơi thông cống, rãnh, kênh mương; thu gom rác thải, phun khử trùng phòng chống dịch bệnh.

Tại Lễ phát động, Ban Thường trực Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường.

Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị, trường học, các địa bàn dân cư trên địa bàn TP trong hai ngày 14 - 15/9.

Các tổ chức tôn giáo Thủ đô phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên truyền, vận động tín đồ, tín hữu, phật tử, đồng bào có đạo tham gia dọn dẹp các nơi thờ tự, nơi ở; cùng Nhân dân địa phương vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, khu phố.

Phát biểu hưởng ứng và triển khai nhiệm vụ, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, để triển khai hiệu quả công tác tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, lần lượt các tổ công tác từ 1 đến 14 triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tại 14 phường trên địa bàn quận.

Các tổ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các phường, các đồng chí trong Ban Thường vụ Quận ủy được phân công phụ trách các phường vận động Nhân dân cùng toàn thể hệ thống chính trị của phường cùng chung tay tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khắc phục nhanh nhất những thiệt hại của cơn bão số 3, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch-đẹp, mỹ quan đô thi, an toàn giao thông…

Tổ công tác số 1, thực hiện nhiệm vụ tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn phường Quán Thánh, trước tiên thực hiện tổng vệ sinh môi trường khu vực vườn hoa Vạn Xuân, sau đó triển khai trên toàn địa bàn phường.

Tại chương trình, các đồng chí lãnh đạo TP.Hà Nội đã động viên phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường tại khu vực Vườn hoa Vạn Xuân (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) và khu vực Biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm)...

Năm người bị ngộ độc sau khi ăn nấm rừng

Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, vừa tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc nghi do ăn nấm hái từ trên rừng.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định cả 4 bệnh nhân có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm nên đã tiến hành điều trị theo phác đồ giải độc cho các bệnh nhân. Đến 13/9, cả 4 bệnh nhân đã ổn định và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.

Theo anh Đinh Quốc Hải (1 trong số 4 bệnh nhân bị ngộ độc) cho hay, vào tối 12/9, gia đình anh mời 3 người cùng thôn đến nhà ăn cơm. Trong bữa ăn có món nấm xào do vợ chồng anh trong quá trình đi rừng.

Sau khi ăn khoảng 30 phút, vợ chồng anh Hải và 3 người dân cùng thôn đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn và đi ngoài liên tục.

Nghi ngờ bị ngộ độc, vợ chồng anh Hải cùng 2 người lập tức được người thân đưa xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh để cấp cứu, điều trị. Người còn lại có triệu chứng nhẹ hơn nên nhân viên y tế đến hướng dẫn tự điều trị tại nhà.

Bác sỹ Trần Tiền, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo, có một số loại nấm có thể gây ngộ độc rất nặng như gây liệt thần kinh, tổn thương gan, thận, hôn mê và tử vong.

Vì vậy, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được mà không bị ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại.

Người dân cũng không nên ăn thử nấm, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc.

Ngoài ra, với các loại nấm ăn được thì cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Khi nghi bị ngộ độc do ăn nấm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ cứu chữa kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư