Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 15/5: Gánh họa vì chữa bệnh theo truyền miệng
D.Ngân - 15/05/2024 09:24
 
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa cứu sống bệnh nhân có khối ung thư khổng lồ kèm bệnh nền tim mạch với triệu trứng nặng do chữa bệnh theo truyền miệng.

Cứu bệnh nhân có khối ung thư khổng lồ

Phát hiện khối u buồng trứng từ cách đây hơn một năm, kèm theo polyp lớn buồng tử cung gây chảy máu nhiều nhưng khi được bác sĩ khuyên phẫu thuật sớm thì bệnh nhân T., 63 tuổi, ở Đông Anh - Hà Nội lại từ chối và về nhà tự uống thuốc theo những lời mách bảo truyền miệng.

Ảnh minh họa.

Chỉ đến khi tình trạng rong huyết trở nên nghiêm trọng, cân nặng sa sút nhanh chóng chỉ trong vòng một tháng, thỉnh thoảng ngất xỉu đột ngột thì bệnh nhân mới quay lại bệnh viện.

Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân T. có khối hạ vị kích thước 20x25cm, theo dõi Ung thư buồng trứng trái, Ung thư nội mạc tử cung - Polyp buồng tử cung.

Thể trạng bệnh nhân rất kém, thiếu máu mức độ nặng do bị ra máu âm đạo số lượng nhiều. Trên nền bệnh nhân huyết khối hoàn toàn tĩnh mạch chi dưới đang điều trị nội khoa theo đơn của Bệnh viện Tim Hà Nội, quá trình làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân được phát hiện biến chứng nhồi máu phổi, cần phải điều trị bằng thuốc chống đông, làm cho tình trạng ra máu âm đạo diễn biến nặng hơn, đe dọa đến tính mạng.

Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn thông qua mổ, phối hợp cùng bác sĩ Gây mê hồi sức và bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để điều chỉnh thuốc chống đông, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật và thời gian hậu phẫu. Trước mổ, bệnh nhân được truyền 6 khối hồng cầu 350ml, tích cực nâng cao thể trạng, dinh dưỡng nâng cao thể trạng.

TS.Vũ Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại Vú - Phụ khoa chia sẻ, tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã phẫu thuật không ít trường hợp khối u buồng trứng có kích thước lớn, song trường hợp của bệnh nhân này có thêm bệnh lý tim mạch đặc biệt nguy hiểm và khối u buồng trứng kích thước 20x25cm đã xâm lấn dính tử cung, thành chậu trái.

Trên nền bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông, quá trình bóc tách gỡ dính nguy cơ chảy máu sau mổ rất cao. Ca mổ yêu cầu cần được diễn ra nhanh chóng, cầm máu kĩ để tránh chảy máu sau mổ cũng như nguy cơ nhồi máu phổi tiếp tục, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim… đều có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ và 2 phần phụ. Kết quả sinh thiết tức thì trong mổ: U buồng trứng trái: U ác tính hướng đến Carcinoma, Tử cung: Polyp nội mạc tử cung. Bệnh nhân sau đó được cắt mạc nối lớn và kiểm tra toàn bộ ổ bụng, lấy tối đa các nhân di căn phúc mạc.

Quá trình hậu phẫu, kíp bác sĩ điều trị đã theo dõi sát sao bệnh nhân để kịp thời điều chỉnh thuốc chống đông, hạn chế nguy cơ huyết khối những vẫn phải đảm bảo không chảy máu sau phẫu thuật.

Bệnh nhân hậu phẫu ổn định sau 10 ngày. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ: ung thư buồng trứng.

Các bác sĩ khuyến cáo, ung thư buồng trứng là bệnh khó phòng ngừa, khó phát hiện sớm vì buồng trứng là cơ quan nằm sâu trong tiểu khung, các triệu chứng thường âm thầm, mơ hồ, không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh nội, phụ khoa khác, khi triệu chứng đã rõ bệnh thường ở giai đoạn muộn.

Vì vậy, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, đặc biệt, phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị sớm ung thư buồng trứng cũng như các bệnh ung thư phụ khoa khác.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm, người bệnh cần lưu ý

Bà Vũ Thị Liên, 56 tuổi, đau tức ngực, ho lâu không khỏi, đi khám phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn, khối u lan rộng hai bên phổi, di căn gan, dù chưa từng hút thuốc lá.

Bà Liên cho biết gia đình không có ai mắc ung thư phổi, bản thân bà không hút thuốc nhưng chồng nghiện thuốc lá nặng. Mỗi ngày người chồng hút 1-2 bao thuốc, thường xuyên hút trong nhà dù bà và con cháu nhắc nhở nhiều lần.

Người bệnh ung thư phổi ở giai đoạn muộn, khối u di căn sang phổi đối bên và gan. Bệnh nhân sau đó được điều trị thuốc đích EGFR TKI. 

Tương tự, chị Trần Thị Nữ, phát hiện ung thư phổi ở tuổi 37 dù không hút thuốc lá, chồng và bố chồng thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào.

May mắn chị phát hiện ở giai đoạn sớm (IIA), được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi bên có khối u, kết hợp điều trị hóa chất để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, làm giảm tỉ lệ tái phát và di căn.

TS.Vũ Hữu Khiêm, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư phổi không hút thuốc, chủ yếu là nữ.

Đa số bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc. Chính vì tâm lý chưa bao giờ hút thuốc nên người bệnh có phần chủ quan, khi có triệu chứng thường ít nghĩ tới ung thư phổi để tầm soát, dẫn đến phát hiện ở giai đoạn muộn.

Theo TS.Khiêm, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở người không hút thuốc đang gia tăng. Nghiên cứu của Thụy Điển trên 2170 bệnh nhân ung thư phổi từ năm 2008 đến 2017 cho thấy tần suất người không bao giờ hút thuốc hàng năm tăng hơn gấp đôi trong 7 năm, phần lớn có triệu chứng không rõ ràng và phát hiện tình cờ.

Nghiên cứu khác của Mỹ trên hơn 10.500 bệnh nhân ung thư phổi trong 23 năm cũng cho thấy tỷ lệ người mắc ung thư phổi chưa từng hút thuốc ngày càng tăng qua từng năm.

Theo TS.Khiêm, ung thư phổi ở người không hút thuốc chủ yếu xảy ra ở nữ giới, đa phần là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, 15-35% trường hợp là do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên đối với những người không hút thuốc nhưng có vợ hoặc chồng hút thuốc.

Trong một phân tích tổng hợp trên 55 nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng những phụ nữ kết hôn với người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng 27%.

Ngoài khói thuốc lá, một số yếu tố nguy cơ gây phát triển ung thư phổi ở người không hút thuốc gồm tuổi tác, yếu tố di truyền, khói nấu ăn, ô nhiễm môi trường, bệnh phổi tiềm ẩn, virus gây ung thư…

TS.Khiêm cho biết sử dụng hoặc hít khói thuốc lá điện tử thường xuyên cũng tăng nguy cơ ung thư phổi. Khói của thuốc lá điện tử chứa rất nhiều chất hóa học như formaldehyde, benzene và nitrosamines, acetaldehyde và các chất gây ung thư khác có hại cho người hít phải.

TS.Khiêm khuyến cáo mọi người không sử dụng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lào. Người hút thuốc không hút trong nhà hoặc khi ở gần trẻ nhỏ, phụ nữ, người cao tuổi.

Các chất độc trong khói thuốc lá bám rất lâu trên tường, nội thất, quần áo, do đó các gia đình có người hút thuốc lá nên thường xuyên mở cửa để lưu thông không khí, giặt chăn, ga, gối, rèm cửa, thảm để loại bỏ mùi khói thuốc. Khi một người trong nhà mắc ung thư phổi liên quan đến thuốc lá, những người sống cùng cũng nên tầm soát ung thư phổi.

TS.Khiêm cho biết người hút thuốc lá lâu năm hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc nên tầm soát ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp.

Phương pháp này sử dụng liều tia X rất nhỏ, gần bằng một vài lần chụp X-quang, nhưng có thể phát hiện được các tổn thương giai đoạn sớm kích thước < 1cm mà X-quang không ghi nhận được.

Theo thống kê của Globocan 2022, ung thư phổi có số ca mắc mới và tử vong cao nhất trong tất cả các bệnh ung thư. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi, nhưng có 10-20% người bệnh ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc.

Giai đoạn sớm bệnh hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Khi bệnh muộn, các triệu chứng thường gặp gồm ho kéo dài, nặng lên theo thời gian, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sụt cân, mệt mỏi, khó nuốt…

Việc khám sức khỏe định kỳ và đánh giá nguy cơ giúp phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm, tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh, ít biến chứng với chi phí tối thiểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư