
-
Giữa mùa mưa, Hà Nội dốc sức ngăn sốt xuất huyết lan rộng
-
TP.HCM: Nâng cấp Trung tâm y tế Quân dân y thành Bệnh viện Đa khoa Côn Đảo
-
Hợp tác y tế Việt - Mỹ vì cơ hội sống khỏe và hạnh phúc hơn cho hàng triệu phụ nữ
-
Bệnh viện E và Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh hợp tác nâng cao năng lực y tế hiện đại -
Phấn đấu đưa cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai vào vận hành trước 30/11
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) vừa ghi nhận và điều trị thành công một trường hợp sốt rét ngoại lai trở về từ Cameroon, quốc gia nằm trong khu vực Tây Trung Phi, nơi sốt rét vẫn còn lưu hành mạnh và là mối nguy tiềm tàng với sức khỏe cộng đồng nếu không được phát hiện kịp thời.
Việt Nam xuất hiện ca sốt rét ngoại lai
Bệnh nhân là ông V.Đ.H., 42 tuổi, trú tại An Hòa (Hải Phòng), vừa trở về Việt Nam sau chuyến công tác ngắn hạn tại Cộng hòa Cameroon. Ngay khi về nước, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng điển hình như sốt cao, rét run từng cơn, đau đầu và mệt mỏi toàn thân.
![]() |
TS.BS.CKII Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Thường trực phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đang tư vấn cho bệnh nhân. |
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, người nhà đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để thăm khám và điều trị. Qua khai thác bệnh sử, các bác sỹ xác định bệnh nhân từng sống và làm việc dài hạn tại Cameroon, nơi ông đã nhiều lần mắc sốt rét. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông phát bệnh khi đang ở Việt Nam sau một đợt công tác ngắn ngày.
Kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm Plasmodium falciparum, là loại ký sinh trùng gây sốt rét ác tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, suy tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
May mắn, bệnh nhân đã được điều trị đúng phác đồ sốt rét của Bộ Y tế và hiện sức khỏe đã ổn định, các triệu chứng lâm sàng đã cắt hoàn toàn.
Theo TS.BS.CKII Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Thường trực phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, đây là một trường hợp điển hình của sốt rét ngoại lai, tức là nhiễm ký sinh trùng tại nước ngoài nhưng phát bệnh sau khi đã nhập cảnh về Việt Nam.
Việt Nam hiện đang ở giai đoạn tiến tới loại trừ sốt rét. Tuy nhiên, muỗi Anopheles, véc-tơ truyền bệnh vẫn tồn tại ở nhiều khu vực như miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng gia tăng, các ca bệnh sốt rét nhập cảnh nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời có thể trở thành nguồn lây lan nguy hiểm trong cộng đồng.
Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua vết đốt của muỗi Anopheles nhiễm ký sinh trùng Plasmodium, trong đó chủ yếu là các chủng như P. falciparum và P. vivax.c.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, sốt rét có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu nặng do vỡ hồng cầu, tổn thương thần kinh trung ương dẫn đến hôn mê, suy gan, suy thận, phù phổi cấp và hạ đường huyết gây tử vong, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
Để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng, bác sỹ Trần Huy Thọ khuyến cáo, người dân khi đi công tác, lao động hay làm việc tại các quốc gia có dịch sốt rét cần tìm hiểu kỹ tình hình dịch tễ nơi đến, tuân thủ việc uống thuốc phòng theo hướng dẫn của bác sỹ, mang theo màn chống muỗi, thuốc xua muỗi và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác.
Trong thời gian lưu trú tại vùng dịch, cần ngủ màn tẩm hóa chất, tránh bị muỗi đốt vào ban đêm, mặc quần áo dài tay và sử dụng kem chống muỗi.
Sau khi trở về Việt Nam, người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe trong ít nhất 30 ngày, và nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, rét run, vã mồ hôi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và làm xét nghiệm sốt rét, đồng thời cung cấp đầy đủ lịch sử đi lại để hỗ trợ chẩn đoán.
Chỉ tính riêng trong hai tuần đầu tháng 6/2025, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận và điều trị 4 ca sốt rét ngoại lai. Tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có 8 trường hợp tương tự được điều trị khỏi tại đây.
Tất cả đều là những bệnh nhân trở về từ các quốc gia có lưu hành sốt rét. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và kiểm soát dịch tễ đóng vai trò then chốt trong nỗ lực giữ vững thành quả loại trừ sốt rét tại Việt Nam.
“Vòng xoáy nguy hiểm” đe dọa sức khỏe cộng đồng
Các bệnh lý tim mạch, thận và chuyển hóa đang ngày càng gia tăng và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, những bệnh nền phổ biến như đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch không chỉ là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh thận mạn mà còn trực tiếp làm giảm tuổi thọ và chất lượng sống của người bệnh. Tuy nhiên, công tác chẩn đoán sớm hiện vẫn còn nhiều hạn chế, khiến hàng triệu người bị bỏ sót cơ hội điều trị kịp thời.
Thông tin trên được đưa ra tại chuỗi hội thảo khoa học với chủ đề "Tiên phong bảo vệ tối ưu Tim mạch - Thận - Chuyển hóa: Mỗi quyết định kịp thời - Nhiều cuộc đời được bảo vệ", vừa diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM, quy tụ hơn 1.000 bác sỹ, dược sỹ và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch, nội tiết và thận học.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, đái tháo đường đang trở thành một vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng, với khoảng 30% người trưởng thành từ 35-59 tuổi mắc bệnh.
Dự báo đến năm 2030, đái tháo đường sẽ nằm trong nhóm 7 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Tổng chi phí điều trị bệnh tại Việt Nam hiện vượt hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó 70% là để xử lý các biến chứng như suy thận, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Cùng với đó, bệnh tim mạch tiếp tục là nguyên nhân tử vong số một. Bệnh thận mạn và đái tháo đường cũng góp mặt trong nhóm bốn nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.
Mối liên hệ giữa ba nhóm bệnh lý này không chỉ mang tính tương quan mà còn tạo thành một “vòng xoáy nguy hiểm” đe dọa trực tiếp đến tuổi thọ và chất lượng sống. Một người mắc đái tháo đường có thể mất trung bình 6 năm sống khỏe mạnh; nếu kèm thêm bệnh thận mạn và biến cố tim mạch, thời gian mất đi có thể lên tới 11 năm.
Số liệu từ năm 2019 cho thấy, cả nước ghi nhận khoảng 10 triệu ca bệnh thận, với hơn 21.000 ca tử vong. Chi phí lọc máu đã lên đến 4.000 tỷ đồng, trong khi cả nước hiện chỉ có khoảng 5.500 máy chạy thận, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu điều trị.
Đến năm 2021, bệnh thận mạn đã vươn lên vị trí thứ 7 trong các nguyên nhân gây tử vong, và nếu không có giải pháp can thiệp hiệu quả, dự báo đến năm 2040 sẽ nằm trong top 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Đáng lo ngại, việc chẩn đoán sớm bệnh thận mạn hiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Gần 51% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 bị bỏ sót chẩn đoán bệnh thận. Tỷ lệ này còn lên đến 68% ở nhóm bệnh nhân tăng huyết áp kèm suy tim hoặc bệnh lý tim mạch do xơ vữa. Thực trạng này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường tầm soát sớm và điều trị chủ động trong cộng đồng có nguy cơ cao.
TS.DS. Nguyễn Quốc Bình (Bệnh viện Chợ Rẫy) nhận định, các bệnh lý tim mạch - thận- chuyển hóa đang là gánh nặng lớn với hệ thống y tế Việt Nam cũng như toàn cầu. Chúng ta cần những giải pháp toàn diện để can thiệp sớm, hiệu quả và bền vững.
Một trong những giải pháp đã được chứng minh hiệu quả trong các hướng dẫn điều trị quốc tế và trong nước là Empagliflozin, một liệu pháp đơn giản, toàn diện giúp bảo vệ tim, thận và chuyển hóa. Phù hợp với nhiều nhóm bệnh nhân từ đái tháo đường típ 2 đến suy tim và bệnh thận mạn, Empagliflozin không chỉ cải thiện sức khỏe lâu dài mà còn giúp giảm đáng kể chi phí y tế.
GS-TS.Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam khẳng định, nghiên cứu EMPA-REG OUTCOME là bước ngoặt trong điều trị bệnh tim mạch, thận và chuyển hóa, mở ra hướng đi mới trong việc tối ưu hóa chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Tại Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 461.000 bệnh nhân được điều trị bằng Empagliflozin.
Biện pháp này được ước tính đã cứu sống hơn 21.600 người mỗi năm, ngăn ngừa 17.000 ca tử vong do tim mạch, 67.000 biến cố thận và tránh được hơn 2,6 triệu lượt nhập viện. Nhờ đó, hệ thống y tế đã tiết kiệm được khoảng 588 tỷ đồng chi phí lọc máu và điều trị biến chứng.
Đau ngực kéo dài hé lộ khối phình động mạch chủ nguy hiểm
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa can thiệp thành công cho một bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực kích thước lớn kèm theo khối u nhầy ruột thừa, với nguy cơ cao vỡ mạch máu gây tử vong.
Bệnh nhân là anh Tín, 48 tuổi, phát hiện khối phình động mạch chủ xuống với đường kính tối đa lên tới 54 mm. Trước đó, anh có tiền sử đau ngực âm ỉ kéo dài trong 6 tháng, tuy nhiên từ chối phẫu thuật và chỉ điều trị nội khoa kết hợp theo dõi định kỳ.
Khoảng ba tháng trước, anh Tín xuất hiện cơn đau ngực tăng dần, cảm giác tức vùng thượng vị, buồn nôn, chán ăn và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Tại đây, kết quả chụp CT cho thấy ngoài khối phình động mạch chủ ngực, bệnh nhân còn có một khối u nhầy tại ruột thừa, một nguy cơ tiềm ẩn nhiễm trùng cần xử lý trước khi can thiệp mạch máu.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu cho biết, khối phình động mạch chủ ngực kéo dài đến đoạn gần thận, đường kính đoạn lớn nhất 54 mm, nhỏ nhất 30 mm. Đây là tình trạng nguy hiểm cần được can thiệp sớm bằng phương pháp đặt stent graft hoặc phẫu thuật mạch máu để phòng ngừa biến chứng như vỡ mạch, đột quỵ, suy tim hay đột tử.
Sau hội chẩn liên chuyên khoa, ê-kíp thống nhất xử lý khối u nhầy trước. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải kèm nạo vét hạch, trong khi ê-kíp Ngoại Lồng ngực - Mạch máu túc trực để sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra biến chứng mạch máu trong lúc mổ. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy khối u là lành tính. Sau hai tháng theo dõi, bệnh nhân hồi phục tốt, đủ điều kiện để can thiệp điều trị phình động mạch chủ.
Kíp bác sỹ quyết định thực hiện thủ thuật đặt stent graft, một kỹ thuật ít xâm lấn nhằm thay thế mổ mở, giúp rút ngắn thời gian thủ thuật và phục hồi, giảm thiểu biến chứng.
Ống thông được đưa từ động mạch đùi đến vị trí đoạn mạch tổn thương, sau đó stent graft được mở ra, bám chặt vào thành động mạch để cô lập hoàn toàn khối phình, giúp máu lưu thông qua lòng stent ổn định và ngăn chặn nguy cơ vỡ mạch. Ca can thiệp diễn ra thuận lợi và hoàn tất sau gần hai giờ. Nhờ kỹ thuật ít xâm lấn, bệnh nhân tỉnh táo, vận động nhẹ sau 1 ngày và xuất viện an toàn chỉ sau 3 ngày.
Bác sỹ Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, thành công của ca can thiệp là nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa hai chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa và Ngoại Lồng ngực - Mạch máu. Việc xử lý khối u nhầy ruột thừa trước, giúp loại trừ yếu tố nhiễm trùng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thủ thuật đặt stent mạch máu đạt hiệu quả cao và an toàn hơn.
Theo BS.CKI Trần Quốc Hoài, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, phình động mạch chủ là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất cơ thể, dẫn máu từ tim đến các cơ quan. Khi thành mạch yếu đi, dòng máu chảy liên tục sẽ tạo nên khối phình, gây suy giảm chức năng tuần hoàn và có thể dẫn đến vỡ mạch có tỷ lệ tử vong rất cao.
Phình động mạch chủ thường gặp ở nam giới trên 65 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp hoặc tiền căn gia đình mắc bệnh. Trong đó, khoảng 75% trường hợp là phình động mạch chủ bụng, còn lại là phình động mạch chủ ngực như trường hợp của anh Tín.
Điều nguy hiểm là phần lớn các ca phình động mạch chủ không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Bệnh thường chỉ được phát hiện tình cờ qua các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, chụp CT mạch máu (CTA).
Nếu để khối phình phát triển quá lớn hoặc vỡ, bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện nguy kịch như đau đột ngột vùng bụng hoặc ngực, tụt huyết áp, ngất xỉu, khó thở, tim đập nhanh, vã mồ hôi, thậm chí tử vong.
Các bác sỹ khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, nên tầm soát định kỳ và thăm khám ngay khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ như đau âm ỉ vùng bụng hoặc ngực, đau lan sau lưng, ho kéo dài, khàn tiếng. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp tăng cơ hội sống sót, giảm thiểu tối đa các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
-
Tin mới y tế ngày 18/7: Cảnh báo sự xuất hiện các bệnh sốt rét ngoại lai -
Phấn đấu đưa cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai vào vận hành trước 30/11 -
Tin mới y tế ngày 17/7: Phát hiện mắc viêm não Nhật Bản B sau triệu chứng đau đầu -
Phát hiện u ác tính ở cột sống từ triệu chứng đau lưng quen thuộc ở người cao tuổi -
Bộ Y tế hỏa tốc yêu cầu kiểm tra, xử lý sản phẩm Xi Chuan Qi nghi giả mạo -
Xây dựng hệ sinh thái minh bạch dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì cộng đồng -
Tin mới y tế ngày 16/7: Bộ Y tế yêu cầu tiêu hủy lô nước rửa tay chứa chất không công bố
-
Hướng đi mới của bất động sản Cửa Lò: Bắt nhịp phát triển đô thị biển
-
Biotion Việt Nam và Đại học Nha Trang ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu sinh học biển và trao đổi nhân lực
-
Dòng vốn FDI dịch chuyển, bất động sản gần khu công nghiệp hưởng lợi
-
Acecook Việt Nam được vinh danh Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2025
-
BSH khẳng định vị thế với hai trung tâm giám định bồi thường xe cơ giới Bắc - Nam
-
PVCFC xuất thêm 30.000 tấn phân bón sang Úc, mở rộng thị trường nhờ đẳng cấp Level One