Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 18/7: Suy giảm thị lực vì đục thủy tinh thể bẩm sinh
D.Ngân - 18/07/2024 08:58
 
Tình cờ phát hiện đục thủy tinh thể khi mới 5 tuổi, Phương Anh suy giảm thị lực mắt trái nghiêm trọng sau ba năm, khả năng nhìn phụ thuộc hoàn toàn vào bên mắt phải cũng đang yếu dần.

Suy giảm thị lực vì đục thủy tinh thể bẩm sinh

Chị Chi (mẹ Phương Anh) chia sẻ trong một lần khám sức khỏe tại trường, Phương Anh được phát hiện đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Sau đó gia đình đưa em đi khám nhiều nơi nhưng đều chung kết luận, gia đình theo dõi và cho bé đeo kính nhưng tình trạng đục thủy tinh thể vẫn tiến triển nhanh và nặng hơn.

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật đục thủy tinh thể cho bệnh nhi.

Tại Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh, bác sĩ kiểm tra thấy một bên mắt trái của Phương Anh suy giảm thị lực nghiêm trọng do đục thủy tinh thể, mắt phải có tình trạng cận thị kèm loạn thị nặng, thị lực khi đeo kính chỉ đạt 6/10, bắt đầu có biểu hiện nhược thị.

PGS-TS.Bùi Thị Vân Anh, Trưởng Khoa Phaco và Bệnh phần trước nhãn cầu, Trung tâm Mắt công nghệ cao cho biết, thị lực ban đầu của trẻ sơ sinh rất kém và sẽ cải thiện dần theo thời gian. Khi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh làm cản trở quá trình phát triển chức năng thị giác.

Do đó, trẻ bị đục đục thủy tinh thể bẩm sinh, đặc biệt là đục thủy tinh thể 1 bên mắt, cần được phẫu thuật sớm, chậm nhất là khi trẻ được 17 tuần để đảm bảo thị lực tối đa 20/20 trong tương lai.

Tuy nhiên, Phương Anh phát hiện bệnh muộn và trì hoãn phẫu thuật nên bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng thị lực bên mắt còn lại. PGS.Vân Anh chỉ định bé cần tiến hành phẫu thuật thay thủy tinh thể (Phaco) và tiếp tục điều trị chỉnh quang để học cách sử dụng mắt hiệu quả.

Phương Anh có chỉ định đo công suất thủy tinh thể để chuẩn bị cho phẫu thuật. Ở trẻ em, trục nhãn cầu sẽ tiếp tục phát triển, gây nhiều khó khăn cho việc đo công suất thủy tinh thể, ngoài ra trẻ cũng khó đáp ứng các yêu cầu khi kiểm tra mắt hơn.

Với thiết bị sinh trắc học nhãn cầu Argos có tần số quét nhanh chưa tới một giây mỗi mắt, Phương Anh dễ dàng hợp tác với kỹ thuật viên và thiết bị đo đạc. Argos cho kết quả đánh giá toàn diện, chính xác về nhãn cầu, đặc biệt về công suất thể thủy tinh để lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với bệnh nhi.

Bệnh nhi có tiền sử phẫu thuật tim bẩm sinh, được chỉ định kiểm tra điện tâm đồ và siêu âm tim để đánh giá điều kiện phẫu thuật. TS.BS Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội cho hay, phẫu thuật thủy tinh thể nhìn chung khá đơn giản và an toàn nhưng với đối tượng trẻ em cần phải có các dụng cụ mổ và kỹ thuật thích ứng cùng với phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm.

Trường hợp của bé Phương Anh khó khăn hơn vì có tiền sử mắc tim bẩm sinh, đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa để đảm bảo an toàn phẫu thuật.

Trung tâm Phẫu thuật Mắt Tâm Anh sở hữu kho lưu trữ thủy tinh thể nhân tạo đa dạng, sẵn sàng hỗ trợ Phương Anh thực hiện phẫu thuật ngay trong ngày khám. Tuy nhiên, gia đình xin trì hoãn để cân nhắc thêm. Sau 3 ngày, Phương Anh chính thức tiến hành phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể.

Trước đó, các bác sĩ cùng thống nhất phương án tiến hành gây mê sâu để đảm bảo bệnh nhi hợp tác tốt trong quá trình phẫu thuật.

PGS Vân Anh trực tiếp phẫu thuật với máy Phaco Centurion, sử dụng tay cầm tích hợp cảm biến áp lực để loại bỏ thủy tinh thể bị đục bên mắt trái một cách an toàn và thay thế thủy tinh thể nhân tạo cho bệnh nhi.

Toàn bộ ca mổ chỉ kéo dài khoảng 10 phút nhưng có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của bác sĩ gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm cùng thiết bị gây mê chuyên dụng, đảm bảo an toàn cho ca mổ.

Tái khám sau phẫu thuật, mắt trái thích ứng tốt với thủy tinh thể nhân tạo, thị lực hai mắt đều nhau. Tiếp theo Phương Anh sẽ bắt đầu tập phục hồi chỉnh thị và chỉnh quang, hiệu chỉnh các kết nối giữa mắt và não, tập luyện mắt tập trung vào một điểm phù hợp.

Thủy tinh thể tự nhiên trong suốt, có khả năng điều tiết và hội tụ các tia sáng lên võng mạc giúp chúng ta nhìn rõ ràng. Khả năng nhìn suy giảm khi thủy tinh thể mất dần độ trong suốt, đây là tình trạng đục thủy tinh thể.

Bệnh lý này thường gặp ở người lớn tuổi, trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể do nguyên nhân di truyền, chấn thương, nhiễm trùng, bất thường chuyển hóa…

Đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi) gây cản trở lớn cho sự phát triển chức năng thị giác, thường dẫn đến nhược thị và nhiều tổn thương mắt khác. Bệnh đục thủy tinh thể có thể được phát hiện ngay khi mới sinh và can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo thị lực trong tương lai cho trẻ.

Hiện nay, nhiều công nghệ phát triển riêng biệt nhằm hỗ trợ khám và chẩn đoán các bệnh lý về mắt dành riêng cho trẻ em như máy chụp đáy mắt góc rộng kỹ thuật số cầm tay Phoenix ICON, thiết bị đo khúc xạ cầm tay, máy đo điện võng mạc và dẫn truyền thần kinh thị giác, sinh hiển vi cầm tay…

Các thiết bị này nhằm hỗ trợ chẩn đoán nhanh và chính xác nhiều bệnh lý nhãn khoa ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non như: đục thủy tinh thể bẩm sinh, bệnh lý võng mạc ở trẻ đẻ non (ROP), ung thư nguyên bào ở mắt, xuất huyết võng mạc do hội chứng rung lắc ở trẻ…

Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần vì bóng cười

Thời gian qua, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận không ít trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần do sử dụng bóng cười.

Điển hình là một nam bệnh nhân (22 tuổi) đến khám vì tê bì, yếu hai chân và rơi vào trạng thái hoang tưởng.

Vài năm nay, bệnh nhân thường xuyên dùng bóng cười, mỗi lần liên tục 30-40 quả. Thời gian gần đây, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nhiều, tê bì, yếu hai chân kèm theo cảm giác có người muốn hại mình, theo dõi mình.

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Văn Hoài, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bóng cười hay còn được gọi là “funky ball” là một quả bóng được bơm đầy khí N2O (khí cười). Đây là loại khí không màu, có mùi thơm và vị hơi ngọt. Hiện, tỷ lệ sử dụng khí cười để giải trí đang gia tăng nhanh ở các nước trên thế giới với các quan điểm sai lầm của giới trẻ.

Giới trẻ cho rằng, việc dùng bóng cười chỉ cho vui, tạo những cảm giác khác lạ trong cuộc sống, tăng sáng tạo; hút bóng cười không gây hại, không nguy hiểm.

Đây hoàn toàn là những quan điểm sai lầm. Việc sử dụng khí cười có thể gây các hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tâm thần cho người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Một khảo sát với 16.124 người sử dụng khí cười giải trí cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ tiếp xúc và sự hiện diện của các triệu chứng thần kinh. Một nghiên cứu khác cũng chỉ rõ, sử dụng trên 10 quả bóng cười mỗi lần làm gia tăng các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Cụ thể, cơ chế nhiễm độc cấp tính của bóng cười sẽ gây ra các biểu hiện như: Co giật, rối loạn nhịp tim, ngừng hô hấp, ngừng tim. Biểu hiện tổn thương mạn tính do bóng cười gây ra là di chứng thần kinh, suy giảm cảm giác các chi, dáng đi không vững, yếu tứ chi, đặc biệt là chi dưới.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý đến hậu quả rối loạn tâm thần do khí cười gây ra, gồm có: Suy giảm trí nhớ ngắn hạn, suy giảm nhận thức cấp tính do khí cười; hoang tưởng, ảo giác, lú lẫn, rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm…), thay đổi tính cách (bốc đồng, hung hăng), nghiện, gây thèm nhớ do cảm giác “phê” khi sử dụng…

Việc kinh doanh và sử dụng bóng cười cho mục đích giải trí là bất hợp pháp, hiện đã bị nghiêm cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa chính thức quy định việc cấm sử dụng khí cười trong các văn bản pháp luật.

Trước thực tế trên, bác sĩ Vũ Văn Hoài khuyến cáo, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, việc sử dụng bóng cười còn có thể dẫn đến các nguy cơ khác như tổn thương, xung huyết nội tạng và phù phổi cấp; ngừng tim đột ngột, phổ biến nhất là ngạt thở cấp tính do thiếu ô xy dẫn đến gây tử vong.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư