Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 19/1: Cảnh giác với u tuyến giáp lành tính hóa ung thư
D.Ngân - 19/01/2024 10:51
 
Theo các bác sĩ, vẫn có trường hợp chuyển hoá ung thư sau khi mắc u tuyến giáp lành tính.

U tuyến giáp lành hóa ung thư sau 10 năm

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân chẩn đoán u tuyến giáp lành tính, nhưng 10 năm sau, khối u tiến triển thành ung thư dù không có triệu chứng.

Theo các bác sĩ, vẫn có trường hợp chuyển hoá ung thư sau khi mắc u tuyến giáp lành tính.

10 năm trước, bệnh nhân nữ N.T.Q. (67 tuổi, Kiên Giang) được bác sĩ phát hiện có khối u ở cổ (nhân giáp) nhưng sinh thiết lành tính, không phải uống thuốc hay điều trị, chỉ xét nghiệm theo dõi mỗi năm.

Cách đây vài ngày, bệnh nhân sụt 3kg trong 2 tháng nên được con gái đưa đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết người bệnh có khối u tuyến giáp, kích thước 3x4x5mm, với mức độ nguy cơ ung thư đánh giá trên kết quả siêu âm TI-RADS 5 (Thyroid Imaging Reporting and Data Systems- phân loại hệ thống dữ liệu và báo cáo hình ảnh tuyến giáp) nên nghi ngờ u ác tính.

Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân Q. sinh thiết u tuyến giáp (kỹ thuật lấy mẫu mô tuyến giáp) để giải phẫu bệnh trước khi đưa ra kết luận cuối cùng u lành hay ác tính. Kết quả sinh thiết cho thấy khối u của bệnh nhân Q. đã tiến triển thành ung thư.

Bác sĩ Mai giải thích khối u ung thư tuyến giáp của BN Q. phát hiện ở giai đoạn chưa di căn, không ảnh hướng đến chức năng tuyến giáp. Đó là lý do tại sao người bệnh bị ung thư nhưng không có triệu chứng.

Các triệu chứng như sụt cân, cảm giác chông chênh là do người bệnh suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, khối u phát triển to, xâm lấn sẽ xuất hiện các triệu chứng như: khó thở, đau khi nuốt, khàn giọng, thay đổi giọng, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, sưng ở phía trước cổ… Nguy hiểm hơn khi khối u di căn tới các cơ quan lân cận như phổi, xương đe dọa tính mạng.

Ngay sau đó, bà Q. được nhập viện theo dõi, lên kế hoạch phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư. Vì khối u nhỏ, chưa di căn nên bác sĩ đưa ra phương án cắt bỏ 1 phần tuyến giáp.

Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, sau mổ 3 tiếng, bà Q. ăn được 1 tô cháo, nói chuyện đi lại bình thường, sau 3 ngày được về nhà. Bác sĩ Mai cho biết, người bệnh cần tái khám để kiểm tra vết mổ và uống bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời.

Bác sĩ Đinh Thị Thảo Mai cho biết tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết của cơ thể, có hình cánh bướm và nằm phía trước cổ. Tuyến giáp tiết ra hormone giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim. Ung thư tuyến giáp là loại ung thư nội tiết có khả năng điều trị thành công, tỷ lệ sống sau 5 năm cao.

Tại Việt Nam mỗi năm có 5.814 người mắc ung thư tuyến giáp và trong đó có 528 ca tử vong do bệnh, tỷ lệ mắc là 3,59/100.000 dân. Bác sĩ Mai cho biết việc phát hiện ung thư ở giai soạn sớm sẽ làm tăng tỷ lệ điều trị thành công cao hơn.

Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 3 lần so với nam giới. Bệnh thường gặp hơn ở phụ nữ từ 40-50 tuổi và nam giới từ 60-70 tuổi.

Ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng, đôi khi có các dấu hiệu và triệu chứng như xuất hiện khối u lớn nhanh, nuốt vướng, khàn giọng…

Một số trường hợp muộn hơn di căn đến các hạch lân cận, di căn xa các cơ quan như phổi, xương, não… các triệu chứng nặng nề của các tổn thương cơ quan đích.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: bướu cổ, tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp hoặc ung thư giáp, đột biến gen, hội chứng đa u nội tiết, thiếu i-ốt, béo phì, xạ trị ung thư đầu và cổ, tiếp xúc phóng xạ từ vũ khí hạt nhân hoặc nhà máy điện.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyên người dân để phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư tuyến giáp nên đi khám sức khỏe tổng quát thường xuyên, ít nhất 1 lần/năm. Khi có các dấu hiệu của ung thư tuyến giáp cần đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được khám và điều trị.

Phú Thọ: Cúm A vào mùa dịch, số ca nhập viện tăng đột biến

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận gần 100 trường hợp đến khám được chẩn đoán mắc cúm A.

Riêng khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận tới 42 trường hợp người bệnh nhiễm cúm A điều trị nội trú (trong đó đủ các lứa tuổi khác nhau từ trẻ em, người trưởng thành và người già cao tuổi). Đặc biệt, có nhiều ca bệnh tiến triển nặng, có biến chứng, hay gặp nhất là biến chứng ở phổi, viêm cơ.

Bác sĩ Đặng Thị Thu Phương, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh cúm A lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với virus qua những giọt bắn trong cơn ho, hắt hơi, chảy nước mũi. Đặc biệt là khi tiếp xúc gần và không mang khẩu trang phòng hộ.

Theo ghi nhận thì ngoài Phú Thọ, các địa phương khác ở khu vực miền Bắc cũng đang có số lượng người bệnh mắc cúm A tăng cao từ tháng 12 đến nay. Đặc biệt, ở những khu vực tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, khu công nghiệp… đã xảy ra các chùm ca bệnh.

Người bệnh nhiễm cúm A có các biểu hiện chính như: Sốt cao đột ngột có thể ớn lạnh, rét run; Hội chứng nhiễm trùng; đau nhức đầu, đau bắp cơ.

Hội chứng hô hấp: ho, hắt hơi,chảy mũi,đau họng, khạc đờm, mắt đỏ chảy nước mắt, khám có rales ở phổi. Khi người bệnh bị biến chứng có thể xuất hiện các dấu hiệu: khó thở, tím tái, ho ra máu, hoặc biểu hiện của ARDS, co giật, rối loạn ý thức, sốc, tụt huyết áp, suy đa tạng…

Biến chứng của cúm A hay xảy ra hơn ở những đối tượng có nguy cơ cao như: trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc bệnh lý mạn tính về tim, phổi, thận, đái đường, cơ địa suy giảm miễn dịch…

Các biến chứng có thể gặp gồm: viêm phổi tiên phát do virus, viêm phổi thứ phát do vi khuẩn, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ, hội chứng Reye, viêm xoang…

Trong điều trị bệnh cúm A phải tiến hành phát hiện sớm các trường hợp bệnh, cách ly để tránh lây lan. Điều trị triệu chứng, điều trị biến chứng, có thể điều trị đặc hiệu bằng Oseltamivir đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao để hạn chế biến chứng và rút ngắn thời gian điều trị.

Phòng bệnh tại cộng đồng cần phát hiện sớm và quản lý các trường hợp nghi nhiễm cúm A để tránh lây lan, mang khẩu trang, tránh tụ họp đông đúc trong thời kì có dịch bùng phát.

Ngoài ra, có thể tiến hành phòng ngừa bằng vắc-xin cúm ở các dạng khác nhau, nhất là ở nhóm đối tượng nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, người trong viện dưỡng lão, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ có thai kì thứ 2-3 trong mùa dịch cúm, suy giảm miễn dịch, nhân viên y tế làm viện trong môi trường tiếp xúc gần với người bệnh…).

Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được sàng lọc, khám, tư vấn điều trị để hạn chế những biến chứng nặng xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư