Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 20/5: Ghép tim hồi sinh sự sống cho nữ bệnh nhân 39 tuổi
D.Ngân - 20/05/2024 09:48
 
Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp tục thực hiện ca ghép tim từ người hiến chết não để hồi sinh sự sống cho nữ bệnh nhân, 39 tuổi.

Viết tiếp kỳ tích ghép tim

Ca ghép tim này là một trong 4 ca ghép tạng được thực hiện vào ngày 14/5 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Bệnh viện tổ chức lấy ghép và điều phối ghép 4 mô tạng (gồm có: Tim, gan, 2 thận) từ người hiến chết não để cứu sống 4 người bệnh.

Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong một ca ghép tim cho bệnh nhân.

Tính từ đầu năm 2024, đây là trường hợp thứ 2 Bệnh viện hỗ trợ, tư vấn vận động hiến đa mô tạng, cứu sống rất nhiều người đang hằng ngày, hằng giờ giành giật sự sống với bệnh tật hiểm nghèo.

Đặc biệt, trong cuộc đại phẫu thuật này, Bệnh viện thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam ghép tim cho một bệnh nhân đã cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái (LVAD: Left Ventricular Assist Device, được hiểu là tim nhân tạo bán phần).

Ngày 13/5, Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn đa ngành xuyên đêm để xây dựng kế hoạch ghép một cách kỹ lưỡng, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, thuốc cho các ca ghép tiến hành tại Bệnh viện.

Trong các ca ghép được tiến hành, ghép tim cho bệnh nhân đã cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái được đánh giá phức tạp nhất. Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, bệnh nhân ghép tim lần này đã từng được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái LVAD cách đây 5 năm, nguy cơ của phẫu thuật là rất cao.

Đây là bài toán khó, chúng ta cần phải giải được để mang lại hạnh phúc cho người bệnh, đồng thời khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sẵn sàng chinh phục đỉnh cao y học của thầy thuốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Trường hợp được ghép tim là một bệnh nhân nữ, 39 tuổi, Thanh Hóa, được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, phân suất tống máu giảm do bệnh cơ tim giãn. Cách đây 5 năm, bệnh nhân được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái Model Heartware để chờ đợi cơ hội được ghép tim.

Đại tá TS.Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, phẫu thuật viên chính của kíp ghép tim cho biết, trước ghép, chức năng tâm thu thất trái của bệnh nhân EF chỉ còn 15%. Bệnh nhân sống hoàn toàn lệ thuộc vào máy, nghĩa là nếu hệ thống ngừng hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong ngay.

Chia sẻ về những khó khăn của ca phẫu thuật lần này, TS.BS Ngô Vi Hải cho biết thêm, khó khăn của ca mổ này là bệnh nhân đã được mổ đặt LVAD, tim sẽ rất dính.

Đặc biệt thực tế bệnh nhân này ca mổ trước đó không đóng màng ngoài tim, tim dính vào ngay mặt sau xương ức, khi mở ngực nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ thủng, rách buồng tim gây chảy máu ồ ạt. Khối máy LVAD cũng khá lớn, nằm ở vị trí sâu nhất trong khoang màng tim có nguy cơ dính rất nhiều vào các cơ quan lân cận như phổi, màng tim, cơ hoành cũng gây khó khăn rất nhiều cho việc bóc tách.

Khó khăn thứ hai là cần phải điều khiển đồng bộ giữa hoạt động của hệ thống LVAD và máy tuần hoàn ngoài cơ thể sử dụng thay thế cho tim và phổi trong phẫu thuật.

Đây là lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật này tại Việt nam nên chưa đơn vị nào trong nước có kinh nghiệm. Chúng tôi đã rất thận trọng tính toán mọi tình huống và đã đưa ra giải pháp chiến thuật hợp lý để thực hiện ca mổ một cách an toàn.

Trên thực tế, chỉ riêng thời gian gỡ dính, cắt trái tim bệnh lý cùng với hệ thống LVAD ra khỏi cơ thể người bệnh mất tới 3 giờ, và sau khi ghép xong, chúng tôi mất thêm 1 giờ nữa để cầm máu kỹ lưỡng các diện bóc tách. Việc đồng bộ giữa hệ thống LVAD và Tuần hoàn ngoài cơ thể cũng được tiến hành thuận lợi.

16h55 ngày 14/5, những nhịp đập đầu tiên ở người nhận tim đã chạy trên màn hình monitor, các tạng khác cũng thực hiện thành công.

Kết quả ghép tạng được triển khai tốt nên ngày càng có nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng và đăng ký được ghép tạng ở Bệnh viện Trung ương quân đội 108 nói riêng cũng như các bệnh viện trên cả nước nói chung.

Tuy nhiên, nhu cầu của người đăng ký ghép tạng thì nhiều nhưng nguồn hiến tạng lại vô cùng ít, bởi vậy danh sách bệnh nhân chờ ghép ngày càng dài thêm.

Thượng tá TS.Đặng Việt Đức, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương 108 cho biết, suy tim giai đoạn cuối là hậu quả cuối cùng của tất cả các bệnh lý tim mạch, 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm và phương pháp điều trị tối ưu nhất là ghép tim.

Tuy nhiên, thế giới cũng như Việt Nam, tim ghép vẫn luôn là bài toán khó do số lượng người hiến tim vô cùng ít, rất nhiều người bệnh suy tim sẽ không có cơ hội chờ đợi may mắn đến với mình.

Hệ lụy tự ý truyền đạm

Truyền dịch là truyền dung dịch chứa chất có lợi và thuốc vào tĩnh mạch cơ thể bệnh nhân. Đây là quy trình kỹ thuật điều dưỡng thường sử dụng trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng.

Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng chỉ định thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn và trực tiếp với tốc độ nhanh nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù...

Dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không thích ứng kịp như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Một số bệnh viện đã ghi nhận các bệnh nhân sốc phản vệ tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà, tại các phòng khám tư nhân...

Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS... nếu kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng. Nhiễm trùng máu cũng là một tai biến nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong, nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, việc tự ý truyền đạm tại nhà là thói quen rất nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.

Đơn vị này từng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân 34 tuổi thường xuyên có thói quen tự ý truyền "đạm hoa quả" tại nhà, hễ ngày nào cảm thấy mệt mỏi là truyền hết một chai "đạm hoa quả".

Mỗi lần truyền xong bệnh nhân cảm thấy tỉnh táo nên càng lạm dụng việc truyền dịch. Sau đó, bệnh nhân này xuất hiện đau ngực trái kèm khó thở, đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám thì có chẩn đoán sốc phản vệ, kèm các biến chứng viêm cơ tim và suy tim.

Bệnh nhân cho biết, cơn đau đã diễn biến được khoảng 10 ngày, đau liên tục và tăng lên khi đi lại, vận động. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện các đánh giá cận lâm sàng cần thiết.

Trong đó, kết quả chụp MRI tim cho thấy những vấn đề nghiêm trọng bao gồm hình ảnh giảm tưới máu cơ tim và xơ hóa rải rác nhiều ổ vùng vách liên thất và thành dưới thất trái; giảm vận động và sức căng cơ tim nhiều vùng thất trái; chức năng tâm thu thất trái còn bảo tồn (chỉ số chức năng bơm máu của tim còn 52%).

Điều đáng nói, trong quá trình thăm khám và hỏi bệnh, bệnh nhân cũng cho biết từng cấp cứu sốc phản vệ do tự ý truyền đạm tại nhà. Bệnh nhân được kết luận suy tim EF bảo tồn do viêm cơ tim sau sốc phản vệ. Ngay lập tức, các chuyên gia tiến hành hội chẩn ca bệnh, tư vấn hướng điều trị và theo dõi phù hợp cho bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh khuyến cáo, việc tiêm, truyền các loại dịch, trong đó có đạm vào cơ thể nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng lượng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền thích hợp. Việc tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ, hoặc truyền sai cách sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong.

Sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng tắc đường thở, khiến người bệnh không thở được. Đây cũng là yếu tố khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm khiến tim không nhận đủ oxy.

Chưa kể, các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm đã chỉ ra rằng các chất trung gian gây viêm trong phản vệ có thể gây ra tổn thương động mạch vành và cơ tim, đồng thời gây ra hàng loạt các hệ lụy cho sức khỏe tim mạch như sốc tim (tim không bơm đủ máu cho cơ thể); loạn nhịp tim (nhịp tim quá nhanh, hoặc quá chậm); nhồi máu cơ tim; viêm cơ tim; suy tim; trụy tim.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư