
-
Thỏa thuận toàn cầu về đại dịch
-
Hà Nội triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện
-
Bộ Y tế yêu cầu rà soát toàn quốc các loại kem chống nắng, kiểm tra chỉ số SPF
-
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin quảng cáo sữa Milo liên quan Viện Dinh dưỡng
-
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường phòng chống lây nhiễm Covid-19 -
TP.HCM: “Lách luật” trong công bố thiết bị y tế, 70 hồ sơ bị thu hồi
Không chủ quan khi mắc bệnh Basedow trong thời kỳ mang thai
Chị L.V.H.N. (28 tuổi, Hà Nội), hiện đang theo dõi thai kỳ tại Phòng khám Medlatec Thanh Xuân, được chẩn đoán mắc Basedow khi mang thai đôi ở tuần thai thứ 16.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trước đó, chị có triệu chứng tim đập nhanh liên tục, thỉnh thoảng hồi hộp, trống ngực - những dấu hiệu thường dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với biểu hiện bình thường khi mang thai.
Kết quả xét nghiệm tại Medlatec cho thấy chỉ số TSH (hormone kích thích tuyến giáp) của chị N. thấp dưới ngưỡng phát hiện, đồng thời chỉ số TSI (kháng thể kích thích tuyến giáp) tăng cao.
Sau khi được xác định mắc Basedow, chị được điều trị bằng thuốc và theo dõi sát sao. Đến tuần thai thứ 32, tình trạng sức khỏe của chị đã ổn định, không còn các biểu hiện tim đập nhanh hay hồi hộp.
Ths.BS. Nguyễn Quỳnh Xuân, Trưởng khoa Nội tiết, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, Basedow là một dạng cường giáp tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và sản sinh nhiều hormone. Ở phụ nữ mang thai, nhiều yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Một trong những nguyên nhân phổ biến là sự gia tăng hormone hCG (human chorionic gonadotropin) trong thai kỳ. Trong giai đoạn đầu, do tuyến giáp của thai nhi chưa hoàn thiện, cơ thể người mẹ phải tự điều chỉnh để sản xuất đủ hormone tuyến giáp cung cấp cho bé qua nhau thai. Chính sự thay đổi nội tiết này có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm bệnh Basedow.
Ngoài ra, những người có tiền sử rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type 1 hoặc có yếu tố di truyền (người thân từng mắc bệnh tuyến giáp) cũng có nguy cơ cao mắc Basedow trong thai kỳ. Một số trường hợp bệnh xuất hiện do nhiễm trùng tại vùng cổ hoặc do hàm lượng iod trong cơ thể quá cao.
Triệu chứng của bệnh Basedow ở phụ nữ mang thai dễ bị bỏ sót vì trùng lặp với các biểu hiện sinh lý bình thường trong thai kỳ, như: nôn nghén nặng kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, nhịp tim nhanh, khó thở, thèm ăn liên tục nhưng không tăng cân, ra nhiều mồ hôi, khó chịu với thời tiết nóng. Ngoài ra, người bệnh có thể thấy cổ sưng to (bướu giáp), mắt lồi, mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, tăng huyết áp, run tay, yếu cơ, buồn nôn...
“Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như cơn bão giáp - một tình trạng cấp cứu nội tiết có thể đe dọa tính mạng. Ngoài ra, thai phụ mắc Basedow không kiểm soát có nguy cơ cao sảy thai, sinh non, tiền sản giật, thai chậm phát triển, thai chết lưu…”, BS. Xuân nhấn mạnh.
Theo BS. Xuân, những phụ nữ đang điều trị Basedow chỉ nên mang thai sau khi đã kiểm soát được bệnh và ngừng thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Trường hợp phát hiện có thai trong khi đang điều trị, cần nhanh chóng gặp bác sỹ chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp, tránh tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai nhi.
“Do Basedow cần được theo dõi sát và điều chỉnh liều thuốc thường xuyên trong suốt thai kỳ, thai phụ tuyệt đối không tự ý dừng thuốc hay bỏ tái khám. Đặc biệt, việc sàng lọc các bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm và tránh các biến chứng nguy hiểm”, BS. Xuân khuyến cáo.
Cân não cứu sống bé sơ sinh mang khối u quái hiếm gặp nặng gần gấp đôi cơ thể
Một ca mổ phức tạp, huy động hàng chục bác sỹ từ nhiều chuyên khoa của một cơ sở y tế đã cứu sống bé sơ sinh mang khối u quái vùng cùng cụt hiếm gặp với kích thước gần gấp đôi trọng lượng cơ thể. Ca phẫu thuật cấp cứu kéo dài liên tục trong 6 giờ, diễn ra trong những giây phút căng thẳng đến nghẹt thở, khi tính mạng của cả mẹ lẫn con đều trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc.
Sản phụ là chị H., 37 tuổi, từng điều trị lạc nội mạc buồng trứng và u xơ tử cung, khả năng mang thai tự nhiên gần như không còn do dự trữ buồng trứng suy giảm nghiêm trọng. Sau nhiều lần nỗ lực thụ tinh trong ống nghiệm với số lượng phôi ít ỏi, chị mới mang thai.
Tuy nhiên, lần đầu thai nhi bị phát hiện mắc hội chứng Edwards và phải ngừng thai kỳ ở tuần thứ 19. Phải đến lần mang thai thứ hai, sau bao hy vọng và hồi hộp, chị mới được đón nhận tin vui thực sự.
Nhưng thử thách vẫn chưa buông tha. Ở tuần thai 17, trong lần siêu âm hình thái học tại Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ThS. Hà Tố Nguyên, Giám đốc Trung tâm, phát hiện thai nhi có khối u vùng cùng cụt kích thước khoảng 3- 4 cm.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) ở tuần 22 cho thấy khối u tăng kích thước nhanh, giàu mạch máu và phát triển ra ngoài cơ thể thai nhi.
Đến tuần 30, u lớn gấp 5 lần ban đầu, nguy cơ dẫn đến thiếu máu bào thai, suy tim, thậm chí vỡ u và tử vong trong bụng mẹ. Các BS. chẩn đoán đây là khối u quái vùng cùng cụt type I, loại khối u nằm hoàn toàn bên ngoài cơ thể, nhưng có sự tăng sinh mạch máu mạnh, hút máu từ tuần hoàn thai, khiến thai nhi dần rơi vào tình trạng suy tim do thiếu máu.
Tuần 34, khối u phát triển gấp đôi trọng lượng cơ thể bé, thai có dấu hiệu suy tim. Nếu tiếp tục kéo dài thai kỳ, nguy cơ thai chết lưu, vỡ u trong tử cung, sốc mất máu dẫn đến tử vong là rất lớn.
Một kế hoạch mổ lấy thai và xử trí hậu sản khẩn cấp được kích hoạt. Hai phòng mổ liền kề được chuẩn bị sẵn sàng, một cho ê-kíp Sản - Sơ sinh mổ lấy thai và chăm sóc ban đầu cho mẹ và bé, một dành cho ê-kíp Ngoại nhi và Gây mê Hồi sức sẵn sàng phẫu thuật tách u nếu có biến chứng.
Ca mổ được BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trực tiếp thực hiện.
Do tử cung chị H. bị đa ối và có nhân xơ, nguy cơ băng huyết sau sinh rất cao, đồng thời việc mổ lấy thai ở tuần 34 mang theo rủi ro lớn về hô hấp và nhiễm trùng cho bé sơ sinh. Đặc biệt, trong quá trình mổ, nếu vô tình làm vỡ khối u sẽ khiến bé mất máu cấp tính và tử vong ngay trên bàn mổ.
Để đảm bảo an toàn tối đa, bác sỹ quyết định mổ đường dọc lớn từ đoạn dưới đến đáy tử cung, thận trọng đưa thai ra ngoài. Bé gái chào đời nặng 3,4 kg, trong đó khối u chiếm tới 1,8 kg, dài gần 20 cm. Mẹ bé được xử trí tốt, không gặp biến chứng băng huyết, không cần truyền máu.
Ngay khi chào đời, bé được bác sỹ sơ sinh hỗ trợ thở oxy, ổn định hô hấp và chuyển về Trung tâm Sơ sinh (NICU). Dự kiến ca phẫu thuật bóc tách khối u sẽ được tiến hành sau 24 giờ, khi bé ổn định hơn. Tuy nhiên, chỉ hai tiếng sau, khối u bắt đầu chảy máu, kích thước to thêm, đe dọa gây sốc mất máu. Bệnh viện lập tức kích hoạt chế độ báo động đỏ, chuyển bé lên phòng mổ cấp cứu.
Ê-kíp Ngoại Nhi gồm BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, ThS.BS Lâm Thiên Kim, ThS.BS.CKI Tôn Thị Anh Tú cùng đội Gây mê hồi sức sơ sinh tiến hành phẫu thuật.
Khối u dính liền với cơ thể, nhiều mạch máu lớn, nguy cơ mất máu ồ ạt khi bóc tách. Trong khi BS. gây mê đảm bảo huyết động ổn định cho bé, ê-kíp phẫu thuật tiến hành kiểm soát chảy máu từng bước. Ngân hàng máu bệnh viện đã được huy động, cung cấp đầy đủ các chế phẩm như hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu để bù máu kịp thời.
Khối u rất lớn, nằm sát các cơ quan quan trọng như đại trực tràng, bàng quang, vùng sinh dục. Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ, đòi hỏi kỹ thuật bóc tách tinh vi để tránh tổn thương hậu môn, cơ thắt, thần kinh vùng đáy chậu, đồng thời đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho bé sau này. Cuối cùng, khối u được lấy ra thành công, bé được truyền 500 ml máu trong và sau phẫu thuật, chuyển về NICU theo dõi sát.
Sau 24 giờ, tình trạng bé ổn định, đã được cai máy thở, tuần hoàn tốt, vết mổ không còn chảy máu. Người mẹ phục hồi nhanh, tử cung co hồi tốt, không ra huyết âm đạo, có thể ăn uống và vận động nhẹ. Theo TS. Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, bé dự kiến sẽ được cai oxy, tập bú mẹ và xuất viện vào giữa tháng 5/2025.
U quái vùng cùng cụt là bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ chỉ khoảng 1/20.000-40.000 ca sinh. Bệnh được chia làm bốn loại, trong đó type I là khối u nằm hoàn toàn bên ngoài cơ thể, như trường hợp của bé G. Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Nếu không can thiệp kịp thời, khối u có thể gây suy tim thai, đa ối, phù nhau thai, thậm chí vỡ u, khiến cả mẹ và bé mất máu cấp tính và tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế có đầy đủ thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại để phát hiện sớm dị tật thai nhi. Khi phát hiện có bất thường, cần theo dõi và điều trị tại bệnh viện có đủ chuyên khoa Sản, Nhi, Ngoại Nhi và Sơ sinh để đảm bảo khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp ngay từ trong bụng mẹ đến sau sinh.
Lọc máu, cấp cứu khẩn chỉ từ một vết xước trên chân
Một vết gãi tưởng chừng vô hại ở cẳng chân đã đưa bà T.T.D. (71 tuổi, Tiền Giang) vào phòng hồi sức tích cực, phải lọc máu cấp cứu vì sốc nhiễm trùng máu và suy thận cấp - hậu quả nghiêm trọng của biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Bà D. bị tiểu đường type 2 hơn 10 năm, tuân thủ uống thuốc và chế độ ăn kiêng, duy trì đường huyết tương đối ổn định. Tuy nhiên, như nhiều bệnh nhân tiểu đường lâu năm, bà gặp phải biến chứng tổn thương dây thần kinh ngoại biên ở hai chân, thường xuyên bị cảm giác tê bì, kiến bò, đau hoặc ngứa không rõ nguyên nhân. Dù đã được bác sỹ khuyên chỉ nên xoa nhẹ vùng da ngứa, nhưng do quá khó chịu, bà D. đã nhiều lần gãi mạnh, thậm chí ngâm nước nóng để giảm cơn ngứa.
Cuối tháng 4, tại bắp chân trái, nơi thường xuyên ngứa nhất xuất hiện vùng bầm tím và sưng tấy, dù không có vết xước rõ ràng. Bà tự ý mua kháng sinh về uống nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Sau ba ngày, vùng sưng lan rộng từ khoeo đến các ngón chân, kèm theo sốt cao, run lạnh, đau nhức dữ dội. Khi được người nhà đưa đến viện cẳng chân trái bà D. đã sưng to, da căng bóng, xuất hiện nhiều mụn nước và mủ. Bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, tụt huyết áp, thở nhanh, tím tái, dấu hiệu rõ rệt của sốc nhiễm trùng.
Các xét nghiệm khẩn cho thấy bệnh nhân rơi vào tình trạng suy thận cấp trên nền đái tháo đường và tăng huyết áp. Bà được chuyển ngay vào khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU), lọc máu khẩn cấp để hạn chế tiến triển suy thận và ngăn các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Sau bốn ngày lọc máu liên tục, bà D. tạm thời thoát khỏi tình trạng nguy kịch và được chuyển về khoa Nội tiết - Đái tháo đường để tiếp tục điều trị biến chứng.
Thời điểm này, chân trái bà D. sưng đỏ toàn bộ từ bắp đến đầu gối, vùng mu bàn chân hoại tử, tiết dịch, bong da trên diện rộng khoảng 10x10 cm. Bà phải trải qua ba lần phẫu thuật để cắt lọc mô hoại tử.
Do diện tích tổn thương lớn và không thể tự lành, bác sỹ buộc phải lấy da từ vùng đùi bẹn hai bên để ghép da tự thân cho người bệnh. Với vùng bắp chân hoại tử sâu gần tới xương, bác sỹ sử dụng liệu pháp hút áp lực âm (VAC) giúp loại bỏ dịch ứ, tăng cường tuần hoàn máu, hỗ trợ làm đầy mô và thúc đẩy quá trình lành thương.
Một tuần sau phẫu thuật ghép da, vùng da ghép ở mu bàn chân đã phục hồi tốt. Tuy nhiên, vết thương lớn và sâu ở bắp chân cần thêm thời gian điều trị dài hạn do người bệnh lớn tuổi, khả năng tái tạo mô kém hơn.
Theo BS.CKI Phạm Thị Thu Hà, Trưởng đơn vị Bàn chân đái tháo đường, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người mắc tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng vết thương, đặc biệt ở bàn chân, do đường huyết cao gây tổn thương mạch máu và thần kinh ngoại biên.
Nhiều người mất cảm giác đau nên không nhận biết sớm khi bị tổn thương như phồng rộp, trầy xước hay loét da. Vết thương nếu không được xử trí đúng cách sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn tấn công, dẫn đến hoại tử, lở loét kéo dài hoặc nhiễm trùng máu.
BS. Hà phân tích, loét bàn chân đái tháo đường được chia làm ba nhóm: loét thần kinh, loét do thiếu máu và loét nhiễm trùng – trong đó, loét nhiễm trùng là nguy hiểm nhất. Trường hợp của bà D. là ví dụ điển hình của giai đoạn nặng, khi nhiễm trùng đã lan rộng toàn thân, gây sốc và tổn thương đa cơ quan, trong đó có thận. Nếu không được cấp cứu và lọc máu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
Theo thống kê, khoảng 15% - 25% người mắc đái tháo đường sẽ bị loét bàn chân trong suốt đời. Biến chứng này phổ biến ở người từ 45 tuổi trở lên và nếu không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến hoại tử, buộc phải cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc thậm chí cả cẳng chân để cứu tính mạng.
Để phòng ngừa, BS. Hà khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt, kiểm tra bàn chân mỗi ngày, không tự xử lý các vết thương mà phải đến khám tại các chuyên khoa vết thương nếu có dấu hiệu bất thường như sưng, đỏ, đau, chảy dịch, hoặc vết thương lâu lành. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nặng nề và duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn.
-
Tin mới y tế ngày 21/5: Không chủ quan khi mắc bệnh Basedow trong thời kỳ mang thai -
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin quảng cáo sữa Milo liên quan Viện Dinh dưỡng -
Mỹ phẩm giả tràn lan trên chợ mạng: Bộ Y tế mở đợt truy quét lớn chưa từng có -
Tin mới y tế ngày 20/5: Hiếm muộn và giải pháp y học hiện đại -
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường phòng chống lây nhiễm Covid-19 -
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo khẩn sau vụ thu giữ 100 tấn hàng giả tại Hà Nội -
TP.HCM: “Lách luật” trong công bố thiết bị y tế, 70 hồ sơ bị thu hồi
-
Chiến lược phát triển đa ngành, tăng trưởng bền vững của Doanh nghiệp Nhơn Tân
-
AgriS đồng hành cùng Chính phủ trong chiến lược đột phá nền kinh tế tư nhân và nông nghiệp công nghệ cao
-
Đổi mới sáng tạo trong hành động: Báo cáo chiến lược mới mở ra lộ trình phát triển thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam
-
Môi giới bất động sản tăng 30% khách tiềm năng nhờ công nghệ
-
Wink Hotels ra mắt căn hộ Wink Live© Serviced Residences tại Hải Phòng
-
Đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt