Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 23/11: Nhiều đề xuất bỏ giấy chuyển viện, Bộ trưởng Bộ Y tế nói vẫn cần
D.Ngân - 23/11/2023 09:30
 
Dù có nhiều đề xuất song Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định giấy chuyển viện ghi lại tình trạng bệnh cũng như lịch sử điều trị nên vẫn rất cần thiết.

Bộ trưởng Y tế nói vẫn cần

Theo bà Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, giấy chuyển viện ghi lại tình trạng bệnh cũng như lịch sử điều trị nên vẫn rất cần thiết.

Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.

Ảnh minh hoạ

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 20/11 về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chia sẻ cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi. 

Ông cho rằng nên bỏ giấy chuyển viện và đề nghị đẩy mạnh tiến trình thông tuyến (hiện đã thông tuyến huyện và tỉnh), thực chất hơn nữa.

Đặc biệt, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sắp tới, cần cho phép người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...

Nêu quan điểm về giấy chuyển viện, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh là đúng đắn.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đồng ý với đề xuất bỏ giấy chuyển viện. Qua thực tế ở bệnh viện vị này thừa nhận có rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải quay đi quay lại hàng trăm cây số để hoàn thành thủ tục chuyển viện, rất khổ sở.

PGS-TS Đào Xuân Cơ cho biết, giấy chuyển viện chỉ là thủ tục hành chính. Trong khi hiện nay, chúng ta đều đang chuyển đổi số, mã hóa dữ liệu - hồ sơ của bệnh nhân. Các thông tin hoàn toàn có thể liên thông giữa các cơ sở do vậy cần giao trách nhiệm rõ ràng cho đơn vị tiếp nhận bệnh nhân.

Vị này cho rằng, các bác sĩ tuyến trên đã xác định bệnh nhân cần nhập viện, thì phải cho bệnh nhân nhập và hưởng bảo hiểm luôn để điều trị, chứ không phải quay lại để xin giấy. Các đơn vị tuyến trên, có thể là tuyến tỉnh, tuyến trung ương, phải chịu trách nhiệm về việc này.

Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai nói rằng, phụ thuộc vào cách làm, chính sách bảo hiểm và chính sách quản lý, việc tiến tới bỏ giấy chuyển tuyến là khả thi.

Dù đồng tình với việc bỏ giấy chuyển viện song đại diện một số cơ sở khi được hỏi cũng lo ngại khi thủ tục được đơn giản hóa, đương nhiên nhiều người dân sẽ chọn lên thẳng tuyến trên để khám và điều trị.

Nếu bệnh nặng, hợp lý để chuyển tuyến thì không sao. Nhưng sẽ có những trường hợp bệnh nhẹ vẫn lên tuyến trên, gây quá tải, còn tuyến dưới lại lãng phí nguồn lực, trong khi đó bệnh viện tuyến trên không được phép từ chối bệnh nhân.

Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để bệnh nhân không còn phải xin giấy chuyển tuyến nhưng cũng tránh cho các cơ sở y tế tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải.

Để giấy chuyển viện không còn là ác mộng với người dân theo lời một số chuyên gia y tế, gốc rễ của vấn đề chính là nâng chất lượng y tế cơ sở do người dân hiện chưa có niềm tin vào hệ thống y tế này. Chỉ khi phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo chất lượng khi ấy cơ hội khám chữa bệnh của người dân mới bình đẳng.

Các chuyên gia đều cho rằng, riêng việc bệnh nhân khi cần có thể đến khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở y tế nào vừa là mục tiêu của ngành Y tế, nhưng cũng chính là động lực để thúc đẩy chuyên môn, thúc đẩy chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Vậy nên cần sớm tính đến chuyện hủy bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh theo ý kiến của nhiều cử tri và nhân dân trong cả nước.

Được biết, theo quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi chuyển đúng tuyến được quy định như sau: Nếu thuộc trường hợp chuyển tuyến đúng tuyến, người bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức quy định tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BYT và Thông tư 43/2013/TT-BYT, chuyển tuyến được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự tuyến xã lên tuyến huyện, tuyến huyện lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương;

Hoặc nếu cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì được chuyển lên tuyến cao hơn.

Nhiều người dân đều cho rằng giấy chuyển viện là thủ tục hành chính rất nhiêu khê và phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh của người dân.

Theo quy định hiện hành, nếu muốn chuyển viện lên tuyến trên và được hưởng bảo hiểm y tế với quyền lợi cao, người bệnh buộc phải có giấy chuyển viện.

Và theo phản ánh để có được tấm giấy thông hành này người bệnh phải nhọc nhằn với cơ chế xin- cho và nạn “bôi trơn”. Nếu không có giấy chuyển viện với nội dung bệnh nhân đủ điều kiện chuyển viện thì dù có được chuyển lên tuyến trên thì bệnh nhân cũng vẫn không được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến.

TP.HCM đang thiếu nhiều loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM đã có thông tin chi tiết về tình hình hết vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại địa phương.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến hết ngày 21/11, trên địa bàn TP.HCM đã không còn các vắc-xin DPT (ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván), IPV (bại liệt tiêm), VGB (vắc-xin 5 trong 1), và SII (DPT-VGB-Hib).

Ngoài ra, các vắc-xin khác cũng còn lại rất ít, chỉ đủ dùng trong một hoặc vài ngày tới (như vắc-xin sởi, uốn ván, viêm não Nhật Bản, bOPV ngừa bại liệt, BCG ngừa lao, MR phòng chống sởi - rubella...).

Được biết, từ tháng 10, với tình hình thiếu hụt vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ vắc-xin, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân trên địa bàn.

Liên quan đến việc bảo đảm nhu cầu vắc-xin cho tiêm chủng mở rông, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023 và Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5/8/2023, về việc bố trí ngân sách trung ương, bổ sung dự toán năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, 

Đến nay, Bộ Y tế đang tiến hành đàm phán giá đối với vắc-xin sản xuất trong nước, đấu thầu mua sắm vắc-xin nhập khẩu. Tuy nhiên theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các vắc-xin sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất có thể cung ứng trở lại là cuối tháng 11, còn vắc-xin nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư