Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 05 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 2/5: Robot phẫu thuật hiện đại nhất Đông Nam Á có mặt tại TP.HCM
D.Ngân - 02/05/2025 09:38
 
Da Vinci Xi là thế hệ thứ tư của dòng robot phẫu thuật nổi tiếng Da Vinci, do hãng Intuitive Surgical (Hoa Kỳ) phát triển, đang được triển khai rộng rãi tại nhiều trung tâm y khoa hàng đầu thế giới.

"Siêu robot” phẫu thuật hiện đại nhất Đông Nam Á có mặt tại TP.HCM

Vừa qua, một bệnh viện lớn ở TP.HCM chính thức đưa vào vận hành hệ thống robot phẫu thuật Da Vinci Xi - một trong những công nghệ y học hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.

Việt Nam đang chứng minh rằng mình không chỉ là điểm đến tiềm năng trong du lịch y tế mà còn là nơi hội tụ trí tuệ, nhân lực chất lượng cao và khả năng làm chủ những kỹ thuật phức tạp nhất thế giới. 

Sự kiện không chỉ đánh dấu bước ngoặt lớn của y học Việt Nam trong công cuộc hiện đại hóa, mà còn là minh chứng rõ ràng cho việc người dân Việt đã có thể tiếp cận với các kỹ thuật điều trị tiên tiến ngang tầm các quốc gia phát triển ngay trong nước, với chi phí hợp lý và độ an toàn cao.

Da Vinci Xi là thế hệ thứ tư của dòng robot phẫu thuật nổi tiếng Da Vinci, do hãng Intuitive Surgical (Hoa Kỳ) phát triển, đang được triển khai rộng rãi tại nhiều trung tâm y khoa hàng đầu thế giới.

Với thiết kế tinh gọn, công nghệ hiện đại và khả năng thao tác vượt trội, Da Vinci Xi đã thực sự tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.

Thiết bị này hỗ trợ hơn 120 loại phẫu thuật phức tạp trên nhiều chuyên khoa như tiết niệu, phụ khoa, tiêu hóa, ung bướu, tim mạch, lồng ngực, đầu - mặt - cổ…, mang lại độ chính xác cao, ít xâm lấn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giảm thiểu tối đa biến chứng.

Không chỉ là thiết bị hiện đại, Da Vinci Xi còn được thiết kế tối ưu cho thể trạng người châu Á với khoảng cách giữa các cánh tay robot chỉ 6cm, nhỏ hơn 2cm so với thế hệ trước, cho phép bác sỹ thao tác chính xác trong không gian hẹp.

Ngoài ra, đây là hệ thống đầu tiên cho phép gắn camera ở bất kỳ cánh tay nào, tạo góc nhìn linh hoạt cho phẫu thuật viên. Các cánh tay robot có khả năng xoay 540 độ mô phỏng cổ tay người, cùng bảng điều khiển 3D có độ phân giải cao, giúp bác sỹ theo dõi chi tiết từng cấu trúc trong cơ thể, lọc rung tay và điều khiển thao tác với độ chính xác đến từng milimet.

PGS-TS.Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, người đã trực tiếp thực hiện hơn 200 ca mổ bằng robot, khẳng định, Da Vinci Xi không chỉ là công cụ, mà là cánh tay nối dài của bác sỹ. Nó cho phép chúng tôi xử lý những ca bệnh từng được coi là bất khả thi, thậm chí không thể can thiệp bằng các phương pháp truyền thống.

Việc một cơ sở y tế trong nước triển khai thành công Da Vinci Xi cho thấy Việt Nam không chỉ tiếp cận công nghệ y tế hiện đại mà còn từng bước làm chủ.

Việc phẫu thuật robot tại Việt Nam không còn là điều xa lạ, mà đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh bệnh nhân ngày càng quan tâm đến chất lượng sống sau điều trị.

Robot Da Vinci Xi mang lại những lợi ích rõ rệt: vết mổ nhỏ, giảm đau sau mổ, phục hồi nhanh, ít mất máu, hạn chế tối đa biến chứng những yếu tố then chốt giúp bệnh nhân, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc có bệnh nền, nhanh chóng trở lại cuộc sống thường nhật.

Cho đến nay, hệ thống robot Da Vinci đã hỗ trợ hơn 14,2 triệu ca phẫu thuật trên toàn cầu, được FDA (Hoa Kỳ) công nhận là “tiêu chuẩn vàng” trong phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Việc đưa công nghệ này vào vận hành tại Việt Nam là bằng chứng thuyết phục cho thấy ngành y tế trong nước không còn đi sau, mà đang dần sánh vai cùng các cường quốc y học.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển giao công nghệ y tế, Việt Nam đang chứng minh rằng mình không chỉ là điểm đến tiềm năng trong du lịch y tế mà còn là nơi hội tụ trí tuệ, nhân lực chất lượng cao và khả năng làm chủ những kỹ thuật phức tạp nhất thế giới.

Với những bước đi chiến lược và đầu tư bài bản, ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có thể mơ về một tương lai không xa - nơi bệnh nhân quốc tế đến Việt Nam để tìm kiếm sự sống, và bác sỹ Việt Nam là người dẫn đầu trong các ca mổ đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối.

Việt Nam làm chủ kỹ thuật đặt stent hiện đại, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân tim mạch

Trong bối cảnh bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng đặt stent đã trở thành “vũ khí chiến lược” giúp cứu sống hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca tử vong do bệnh tim mạch, trong đó nhồi máu cơ tim - hậu quả trực tiếp của tắc nghẽn đột ngột động mạch vành chiếm hơn một nửa.

Điều đáng lo ngại là căn bệnh từng phổ biến ở người lớn tuổi đang ngày càng tấn công người trẻ. Can thiệp mạch vành qua da bằng đặt stent được xem là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại hiệu quả tức thì, giúp khơi thông dòng máu nuôi tim và giảm thiểu đáng kể nguy cơ tử vong.

Stent là một ống kim loại nhỏ, dạng lưới, được đặt vào bên trong động mạch bị hẹp nhằm duy trì lòng mạch mở rộng. Từ thế hệ stent kim loại đơn thuần ban đầu, công nghệ này đã phát triển mạnh mẽ với nhiều loại tiên tiến hơn như stent phủ thuốc và stent tự tiêu, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tái hẹp.

Theo GS-TS.Võ Thành Nhân, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, hiện nay có ba nhóm stent chính được ứng dụng trong thực hành lâm sàng:

Stent kim loại trần (Bare Metal Stent - BMS): là loại stent đầu tiên, đơn thuần có chức năng cơ học giữ lòng mạch không bị xẹp lại. Tuy nhiên, loại stent này có tỷ lệ tái hẹp khá cao (20-30%) do tăng sinh mô xơ tại chỗ đặt.

Stent phủ thuốc (Drug-Eluting Stent - DES): là loại stent phổ biến hiện nay, với khung kim loại được phủ lớp polymer chứa thuốc, có khả năng ức chế sự tăng sinh của tế bào cơ trơn, từ đó giảm nguy cơ tái hẹp xuống còn dưới 10%.

Stent tự tiêu (Bioresorbable Scaffold - BRS): làm từ vật liệu sinh học, có khả năng tự tiêu hoàn toàn sau 2-3 năm, giúp khôi phục tính đàn hồi tự nhiên của mạch máu và hạn chế sự hiện diện vĩnh viễn của dị vật trong cơ thể. Tuy nhiên, do có khung dày và kỹ thuật đặt phức tạp hơn, loại stent này hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rộng rãi.

Dù công nghệ hiện đại đến đâu, sự hợp tác của người bệnh vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong kết quả lâu dài.

Sau khi đặt stent, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định điều trị: dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu đều đặn, kiểm soát mỡ máu, không hút thuốc lá, duy trì chế độ ăn vận động hợp lý và tái khám định kỳ.

“Đặt stent chỉ là bước khơi thông ban đầu. Nếu không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, lòng mạch có thể bị hẹp trở lại, hoặc xuất hiện tổn thương mới. Vì vậy, sự phối hợp giữa bác sỹ và người bệnh là chìa khóa quyết định sự thành công lâu dài”, GS.Nhân nhấn mạnh.

Giành lại sự sống kỳ diệu cho sản phụ bị tắc mạch ối

Một ca sinh nở tưởng như bình thường đã trở thành cuộc chiến giành giật sự sống nghẹt thở khi một sản phụ bất ngờ rơi vào tình trạng tắc mạch ối - tai biến sản khoa tối cấp có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, trình độ chuyên môn cao và tinh thần sẵn sàng chiến đấu không khoan nhượng của ê-kíp y bác sỹ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, cả hai mẹ con đã được cứu sống ngoạn mục, tạo nên một “phép màu” y học đầy cảm động.

Chị Nguyễn M.T. (33 tuổi), mang thai lần hai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhập viện khi thai ở tuần 39. Dù được theo dõi sát sao và tiên lượng có yếu tố nguy cơ, nhưng trước thời điểm sinh, các chỉ số sinh tồn vẫn hoàn toàn ổn định.

Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn rặn đẻ, chị M.T. đột ngột xuất hiện khó thở, suy hô hấp, tím tái toàn thân, tụt huyết áp sâu, vỡ hồng cầu, kèm theo nhịp tim thai chậm, dấu hiệu báo động nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Chế độ báo động đỏ được lập tức kích hoạt. Các bác sỹ chẩn đoán nghi ngờ sản phụ bị tắc mạch ối, một biến chứng hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 12/100.000 ca sinh, nhưng có tỷ lệ tử vong lên đến 90% ở mẹ và 60% ở trẻ sơ sinh. Trong khoảnh khắc sinh tử, quyết định mổ cấp cứu được đưa ra khẩn trương với mục tiêu tối thượng: giữ lại sự sống.

Khi phẫu thuật, sản phụ còn rơi vào tình trạng rối loạn đông máu nặng, đờ tử cung – một biến chứng cực kỳ nguy hiểm sau sinh. Các bác sỹ đã phải truyền khối lượng lớn máu và chế phẩm máu, dùng thuốc vận mạch liều cao, liên tục theo dõi huyết động và chỉ số sống còn trong suốt nhiều giờ liền.

Kết quả của cuộc chiến sinh tử này là một bé gái nặng 2,3kg đã chào đời an toàn, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc. Trong khi đó, sản phụ M.T. - dù trải qua nhiều giờ hồi sức tích cực đã dần ổn định huyết áp, mạch và các chức năng sống, tỉnh táo trở lại và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Đây không chỉ là một thành công về mặt kỹ thuật y khoa mà còn là bằng chứng sống động về sự tiến bộ vượt bậc của ngành sản - gây mê - hồi sức cấp cứu tại Việt Nam. Trong tình huống mà y văn thế giới vẫn gọi là “cơn bão đen của sản khoa”, các y bác sỹ Việt Nam đã cho thấy khả năng làm chủ kỹ thuật cao cấp, phối hợp nhanh nhạy và đầy trách nhiệm để tạo nên điều kỳ diệu.

Tắc mạch ối là biến chứng không thể dự báo chính xác, có thể xảy ra ở cả những thai kỳ bình thường. Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo sản phụ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ, lựa chọn sinh tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đầy đủ phương tiện cấp cứu và đội ngũ y tế giàu kinh nghiệm, để giảm thiểu nguy cơ và xử lý kịp thời những tình huống khẩn cấp.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nơi thực hiện thành công ca cứu sống kỳ diệu này, một lần nữa khẳng định vai trò tuyến đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa và hồi sức cấp cứu sản khoa tại Việt Nam.

Phương pháp điều trị thứ hai cho bệnh ung thư hạch bạch huyết tế bào B lớn ở người trưởng thành
JW Therapeutics công bố nhận được danh hiệu Liệu pháp đột phá cho Carteyva® tại Trung Quốc như là phương pháp điều trị thứ hai cho bệnh ung thư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư