
-
Long Châu cùng Novartis đưa giải pháp y khoa tiên tiến đến mỗi người Việt
-
Chuyển đổi số nhằm nâng chất lượng dịch vụ y tế
-
Hà Nội tăng tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm
-
Dịch bệnh truyền nhiễm "vào mùa", Bộ Y tế yêu cầu triển khai chiến dịch cao điểm phòng, chống
-
Tình cờ phát hiện ung thư giai đoạn sớm nhờ thăm khám sức khỏe định kỳ -
Việt Nam tiến gần tới giấc mơ tự chủ vắc-xin công nghệ cao
Bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ y học vào phẫu thuật tạo hình và điều trị bỏng
Vừa qua, tại Bệnh viện Trung ương Huế đã diễn ra Hội nghị Khoa học Bỏng, Liền vết thương & Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Tái tạo toàn quốc lần thứ XV, do Hội Bỏng Việt Nam phối hợp tổ chức.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Sự kiện thu hút hơn 350 đại biểu, bao gồm 48 chuyên gia trong chủ tọa đoàn và 133 báo cáo viên đến từ các bệnh viện trung ương, trường đại học y khoa lớn, trung tâm điều trị chuyên sâu trên cả nước, cùng khách mời quốc tế đến từ Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Philippines.
Phát biểu tại hội nghị, TS.Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh, trong kỷ nguyên y học hiện đại, điều trị vết thương mạn tính, phẫu thuật tái tạo hay chăm sóc bệnh nhân bỏng không còn là những lĩnh vực riêng biệt mà đang ngày càng giao thoa và phát triển mạnh mẽ nhờ ứng dụng các tiến bộ trong công nghệ sinh học, vật liệu y sinh và các chiến lược can thiệp đa chuyên ngành.
Ông cũng cho biết, hội nghị là diễn đàn quan trọng để cập nhật các phương pháp điều trị tiên tiến từ các trung tâm hàng đầu trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy liên kết chuyên môn giữa các tuyến, mở rộng hợp tác quốc tế, đóng góp thiết thực vào chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt tại tuyến cơ sở và vùng khó khăn.
Trao đổi bên lề hội nghị, TS.Hồ Mẫn Trường Phú, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, lĩnh vực phẫu thuật tạo hình và điều trị bỏng hiện đang ghi nhận nhiều bước tiến vượt bậc, nhờ vào sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ y học tiên tiến.
Cụ thể, các liệu pháp tái tạo sinh học hiện đại như PRF (Platelet-Rich Fibrin) – thế hệ mới của PRP – đang được triển khai với cấu trúc gel giàu fibrin, có khả năng giữ ổn định các yếu tố tăng trưởng tại vị trí tổn thương, tạo điều kiện lý tưởng cho quá trình liền mô.
Bên cạnh đó, công nghệ tế bào gốc trung mô (MSCs) từ mô mỡ hoặc tủy xương đang được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị các ca bỏng sâu và tổn thương mô phức tạp, đặc biệt trong các trường hợp cần tái tạo mạch máu và mô mềm.
Đáng chú ý, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng bắt đầu được ứng dụng trong việc phân tích hình ảnh vết thương, lập bản đồ số hóa tổn thương và theo dõi tiến trình hồi phục, mở đường cho xu hướng cá thể hóa điều trị.
“Những đổi mới này không chỉ rút ngắn thời gian nằm viện, giảm thiểu biến chứng mà còn mở rộng khả năng bảo tồn chi thể, tái tạo thẩm mỹ và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh,” TS.Hồ Mẫn Trường Phú nhấn mạnh.
Vợ chồng mang gene tan máu bẩm sinh sinh con khỏe mạnh nhờ IVF và sàng lọc phôi
Sau hơn 10 năm kết hôn và hai lần mất con trong thai kỳ, vợ chồng chị Trinh (quê Quảng Ngãi) mới phát hiện cả hai cùng mang gene bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Hy vọng sinh con khỏe mạnh tưởng chừng quá xa vời, nhưng cuối cùng đã trở thành hiện thực nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp sàng lọc phôi di truyền tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Chị Trinh cho biết, ngay sau khi kết hôn, chị có tin vui đầu tiên. Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ kéo dài đến tuần thai thứ 26 khi bác sỹ thông báo thai bị khô ối, phù bánh nhau, buộc phải đình chỉ thai kỳ. Hai năm sau, chị mang thai lần thứ hai và tiếp tục phải mổ cấp cứu ở tuần 26 vì nhau tiền đạo, thai không giữ được.
“Các bác sỹ chỉ suy đoán nguyên nhân có thể do yếu tố môi trường, nhưng không ai nói rõ lý do. Hai lần mất con khiến chúng tôi tổn thương sâu sắc,” chị Trinh chia sẻ trong thư gửi chương trình “Điều kỳ diệu của Ba Mẹ” - sự kiện dành cho cộng đồng hiếm muộn do Hệ thống IVF Tâm Anh tổ chức ngày 23/5.
Năm 2018, khi quyết định vào TP.HCM thăm khám chuyên sâu, vợ chồng chị mới được xác định cả hai đều mang gene bệnh Thalassemia - một rối loạn di truyền phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi lần mang thai, thai nhi có 25% nguy cơ mắc bệnh thể nặng, 50% mang gene bệnh, và chỉ 25% có thể khỏe mạnh hoàn toàn.
Thalassemia gây thiếu máu mạn tính và tích tụ sắt trong cơ thể. Ở mức độ nặng, nếu trẻ sinh ra mắc bệnh, sẽ cần truyền máu định kỳ, thải sắt suốt đời và có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng như biến dạng xương mặt, suy gan, suy tim, chậm phát triển hoặc tử vong sớm. Trong một số trường hợp, thai nhi bị phù, chết lưu ngay trong bụng mẹ hoặc chỉ sống được vài giờ sau sinh.
Tình trạng này khiến chị Trinh từng rơi vào tuyệt vọng. Tuy nhiên, khi biết đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – IVF Tâm Anh TP.HCM, nơi đã điều trị thành công nhiều trường hợp tương tự, vợ chồng chị quyết định tìm đến đầu năm 2023.
Tại đây, bác sỹ Ngô Đình Triệu Vỹ xây dựng phác đồ điều trị riêng cho chị Trinh với liệu trình kích thích buồng trứng liều nhẹ. Sau đó, chị được chọc hút noãn và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng.
Các phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ động học tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp theo dõi liên tục và chọn ra 5 phôi nang phát triển đến ngày thứ 5 với chất lượng tốt.
Các chuyên viên phôi học tiến hành sinh thiết phôi, trích 5-7 tế bào từ phần lá nuôi (sẽ phát triển thành bánh nhau) để phân tích di truyền bằng hai kỹ thuật: PGT-A (kiểm tra bất thường số lượng nhiễm sắc thể); PGT-M (tầm soát bệnh lý di truyền đặc hiệu)
Kết quả cho thấy một phôi bị lệch bội nhiễm sắc thể số 7 và bị loại bỏ. Trong 4 phôi còn lại, có hai phôi không mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Sau khi chuẩn bị niêm mạc tử cung đạt yêu cầu, bác sỹ chuyển một phôi khỏe mạnh vào buồng tử cung. Ca chuyển phôi thành công, và tháng 4/2024, chị Trinh hạ sinh một bé gái khỏe mạnh.
“Ngày con chào đời trùng với ngày cưới và sinh nhật của ba cháu. Đó là món quà tuyệt vời nhất mà chúng tôi chờ đợi suốt hơn 10 năm,” chị Trinh xúc động kể lại.
Thông qua câu chuyện của mình, chị mong muốn gửi thông điệp đến các cặp đôi đang chuẩn bị lập gia đình: hãy xét nghiệm máu và tư vấn di truyền trước hôn nhân hoặc trước mang thai để phát hiện sớm các bệnh lý di truyền như Thalassemia. Việc tầm soát giúp các cặp đôi đưa ra lựa chọn sáng suốt, từ đó đảm bảo cho thế hệ tương lai khỏe mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 7% phụ nữ mang thai trên toàn cầu có mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Tại Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ước tính hơn 10 triệu người đang mang gene bệnh này. Dù là bệnh có thể phòng ngừa hoàn toàn bằng sàng lọc di truyền, nhưng mỗi năm nước ta vẫn có hàng nghìn trẻ em sinh ra mắc bệnh, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Bác sỹ Ngô Đình Triệu Vỹ nhấn mạnh, các cặp đôi nên xét nghiệm máu trước khi kết hôn và mang thai. Nếu phát hiện cả hai mang gene bệnh, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp sàng lọc phôi di truyền (PGT-M, PGT-A) là giải pháp duy nhất giúp sinh con khỏe mạnh, không mang bệnh lý di truyền.
Cẩn trọng với uốn ván rốn sơ sinh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa cứu sống thành công một bé gái 7 ngày tuổi mắc uốn ván rốn sơ sinh - một căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trường hợp này là lời cảnh báo nghiêm túc về những rủi ro tiềm ẩn khi sản phụ sinh con tại nhà trong điều kiện không đảm bảo vô trùng.
Bé gái H.T.T., con của sản phụ H.T.L. (trú tại xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), được sinh thường tại nhà. Theo lời người nhà, sau khi sinh, dây rốn của bé được tự cắt bằng kéo thông thường, không qua tiệt trùng. Đến ngày thứ bảy sau sinh, bé có biểu hiện bỏ bú, kích thích, co cứng toàn thân, người ưỡn cong, những triệu chứng điển hình của bệnh uốn ván rốn sơ sinh.
Ngay khi nhập viện, các bác sỹ đã chẩn đoán bé mắc uốn ván và lập tức triển khai các biện pháp điều trị tích cực tại phòng cách ly yên tĩnh nhằm giảm thiểu các kích thích ánh sáng và tiếng ồn.
Bệnh nhi được tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván, sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, kiểm soát co giật bằng thuốc an thần và giãn cơ. Bé cũng được hỗ trợ thở máy, đặt ống nội khí quản, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, kiểm soát thân nhiệt và làm sạch vùng rốn.
Theo bác sỹ CKI Nguyễn Khánh Linh, Phó trưởng khoa Nhi, đây là một trường hợp điển hình của uốn ván rốn sơ sinh với mức độ nặng và yếu tố nguy cơ rõ ràng từ việc chăm sóc rốn không đảm bảo vô trùng. Rất may nhờ được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bé đã hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng thần kinh.
Thống kê tại khoa Nhi cho thấy, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận một số ca bệnh tương tự, phần lớn là con của các sản phụ người dân tộc thiểu số, sinh con tại nhà do điều kiện khó khăn hoặc thiếu hiểu biết. Việc tự sinh và chăm sóc rốn tại nhà tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu không được thực hiện đúng quy trình.
Uốn ván sơ sinh là bệnh nhiễm trùng cấp tính, nguy hiểm, do vi khuẩn Clostridium tetani xâm nhập qua vết cắt rốn không vô trùng. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh mắc uốn ván có thể lên tới 90% nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như ngưng thở do co thắt thanh quản hoặc cơ hô hấp, viêm phổi hít do sặc, suy kiệt vì khó ăn uống kéo dài, tổn thương thần kinh và rối loạn thần kinh tự chủ.
Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh uốn ván rốn sơ sinh gồm: trẻ bỏ bú, không thể ngậm vú, cứng hàm, không mở được miệng, co cứng toàn thân, co giật khi bị kích thích, tư thế gồng người đặc trưng với lưng cong như cánh cung, đầu ngửa ra sau, kèm theo nhịp tim nhanh, khó thở.
Để phòng ngừa bệnh uốn ván, bác sỹ Nguyễn Khánh Linh khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai cần được tiêm ít nhất hai mũi vắc-xin uốn ván để bảo vệ cả mẹ và con.
Bên cạnh đó, cần sinh con tại cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn, hạn chế tối đa việc sinh tại nhà. Trường hợp buộc phải sinh tại nhà, người đỡ đẻ phải được tập huấn kỹ năng cơ bản và sử dụng bộ dụng cụ đỡ đẻ sạch do y tế cấp phát.
Dụng cụ cắt rốn cần được tiệt trùng bằng nồi hấp, luộc kỹ trong 30 phút hoặc sử dụng dao lam vô trùng dùng một lần. Tuyệt đối không rắc tro bếp, đất, thuốc lá... vào rốn - những hành vi dân gian nguy hiểm dễ đưa vi khuẩn vào cơ thể trẻ.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe toàn dân, cần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, về tầm quan trọng của tiêm phòng, chăm sóc sau sinh và xử lý đúng cách các vết thương hở. Việc tiêm nhắc lại vắc-xin uốn ván mỗi 10 năm cho người trưởng thành cũng là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa bệnh.
Sinh con tại cơ sở y tế không chỉ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, mà còn là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa uốn ván rốn sơ sinh - căn bệnh có thể phòng tránh hoàn toàn nhưng vẫn đang cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em vì sự chủ quan hoặc thiếu hiểu biết.

-
Hà Nội tăng tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm -
Dịch bệnh truyền nhiễm "vào mùa", Bộ Y tế yêu cầu triển khai chiến dịch cao điểm phòng, chống -
Tình cờ phát hiện ung thư giai đoạn sớm nhờ thăm khám sức khỏe định kỳ -
Việt Nam tiến gần tới giấc mơ tự chủ vắc-xin công nghệ cao -
Không khoan nhượng với thuốc giả: Trách nhiệm chung của toàn xã hội -
Hành trình yêu thương từ trái tim người thầy thuốc -
Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra các sản phẩm giảm cân do DJ Ngân 98 quảng cáo
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả năm 2025 ngành Thực phẩm - Đồ uống
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả năm 2025 ngành Nông nghiệp công nghệ cao
-
VPBank SME mở lối thanh toán hiện đại cho hộ kinh doanh với QR Payment
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2025 ngành Du lịch
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2025 ngành Logistics
-
Quản trị bài bản - Bệ phóng hành động sau Nghị quyết 68