Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 29/12: Đột quỵ gia tăng vào mùa lạnh
D.Ngân - 29/12/2023 10:16
 
Thông tin từ một số cơ sở y tế cho hay, tỷ lệ người bị đột quỵ tăng cao vào thời điểm giao mùa và thời tiết lạnh, khoảng 20-30 % so với những ngày thời tiết bình thường.

Nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh

Đột quỵ hiện nay là vấn đề rất lớn được nhiều người quan tâm. Số người mắc ngày càng gia tăng và trẻ hóa, tỷ lệ mắc khoảng gần 300 người/100.000 dân.

Thông tin từ một số cơ sở y tế cho hay, tỷ lệ người bị đột quỵ tăng cao vào thời điểm giao mùa và thời tiết lạnh, khoảng 20-30 % so với những ngày thời tiết bình thường.

Theo tỷ lệ trên, Việt Nam có khoảng 300-400.000 người bị đột quỵ. Tỷ lệ mắc mới hằng năm cũng ngày càng gia tăng. Đột quỵ để lại gánh nặng cho xã hội, cuộc sống tàn phế, giảm khả năng lao động, thích nghi với xã hội và tỷ lệ tử vong rất cao.

Mùa lạnh ở miền Bắc hay thời điểm giao mùa ở miền Nam từ mùa mưa sang mùa khô hanh, nắng gắt, lạnh về chiều tối và đêm, làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não và nhồi máu não.

Thời điểm lạnh nhiều, thường rơi vào các tháng 11, 12, và tháng 1, 2 năm mới, tỷ lệ đột quỵ có thể tăng 20-30% so với những ngày thời tiết bình thường.

Khi thời tiết lạnh, cơ thể có những phản ứng mang tính tự vệ như tiết ra nhiều hóc môn catecholamine- làm co mạch nội biên, dồn áp lực mạch máu trung tâm tăng lên, gây tăng huyết áp.

TS.Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh hay mùa thời tiết thay đổi thất thường có xu hướng cao hơn ở những người lớn tuổi, mắc sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, cao cholesterol… Những người đang có yếu tố tiềm ẩn phình mạch, thành mạch ở não đã bị tổn thương… rất dễ vỡ mạch gây xuất huyết não.

Vào mùa đông, mọi người cũng thường ăn uống nhiều hơn, đặc biệt là chất béo để dự trữ năng lượng nhiều hơn. Vận động ít hơn và uống nước ít hơn trong mùa đông cũng dễ làm tăng huyết áp, độ nhớt (quánh) của máu, tuần hoàn máu kém và tăng nguy cơ đột quỵ.

Các bác sĩ tại đây cũng lo ngại, tình trạng đột quỵ đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa, không loại trừ bất kỳ ai, từ trẻ em đến người già.

Nếu như đột quỵ ở người già thường do xơ vữa mạch, các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao… thì ở người trẻ, các yếu tố nguy cơ đến từ lối sống nhiều hơn như ngồi nhiều, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, mất ngủ…

Bên cạnh đó, một số bệnh lý hiếm được phát hiện gần đây gây ra đột quỵ ở người trẻ như động mạch cổ có túi phình bị bóc tách, bệnh lý van tim, rung nhĩ, bất thường trong cấu trúc buồng tim, gen di truyền, bệnh lý chuyển hóa, nhiễm trùng.

Đối với nữ giới bị đau đầu migraine, lạm dụng thuốc tránh thai đường uống cũng có thể gây ra các hiện tượng đông máu, tổn thương trong lòng mạch, gây tổn thương mạch máu não.

Để phòng tránh đột quỵ xảy ra trong mùa đông, thời điểm giao mùa, TS.Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, việc tầm soát đột quỵ đóng vai trò quan trọng.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ mà người bệnh không tự mình phát hiện ra được. Chủ động tầm soát sẽ giúp mỗi người kịp thời phát hiện những yếu tố bất thường có thể gây ra đột quỵ tiềm ẩn trong cơ thể.

Các bác sĩ lo ngại, đa số những người tăng huyết áp ban đầu không biết mình tăng huyết áp. Khi bị suy thận, suy tim, đột quỵ não rồi mới biết bị tăng huyết áp. Người bị đái tháo đường tuýp 2 cũng không có triệu chứng rầm rộ như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều hay sụt cân để phát hiện sớm.

Nhiều người đến bệnh viện khi có những biến chứng nhiễm trùng, vết thương nhiễm trùng lâu lành hoặc đột quỵ mới biết nguyên nhân do tiểu đường. Theo thống kê, có khoảng 15-30% bệnh nhân đái tháo đường khi đến bệnh viện cấp cứu, điều trị vì đột quỵ mới được chẩn đoán ra tiểu đường.

Những người có càng nhiều yếu tố nguy cơ càng dễ bị đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ về độ tuổi, máu nhiễm mỡ, huyết áp, tiểu đường… dưới 5% thường sẽ không có nguy cơ đột quỵ, từ 5-7% cần cân nhắc; từ 7,5-20% phải tích cực điều trị, trên 20% phải theo sát điều trị.

Chính vì vậy việc phòng bệnh là vấn đề rất quan trọng, nhưng nhận biết được các dấu hiệu sớm của đột quỵ để tới bệnh viện gần nhất có chuyên môn để can thiệp và điều trị trong “thời gian vàng” cứu não cũng quan trọng không kém.

Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là khoảng 3-4,5 giờ và với đột quỵ xuất huyết não là trong vòng 8 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói đớ, nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng,…

Tùy trường hợp, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ có thể kéo dài đến 24 giờ hoặc hơn. Tuy nhiên, người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt.

Cũng về phòng chống các bệnh do giá rét gây ra, Bộ Y tế vừa có khuyến cáo người dân các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Cụ thể, người dân hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng;

Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang...; Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh;

Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cafein;

Không nên tắm khuya sau 22h00, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể;

Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; Súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng;

Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh cúm;

Ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).

Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh;

Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ;

Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh; Thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết trên tất cả các phương tiện truyền thông.

Liệt dây thần kinh số 7 vì trời rét

Thời gian vừa qua, khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh, Trung tâm Y dược cổ truyền, Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên. Trong đó, có nhiều trường hợp là trẻ em.

Trường hợp cháu T.G.H, 2 tuổi (Phú Thọ) là một ví dụ. Trẻ nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối.

Theo lời kể của gia đình, trước đó một ngày, bố mẹ có cho con đi chơi bằng xe máy đến khoảng 21h mới về. Thời tiết hôm đó đang chuyển mùa nên buổi tối có gió và se lạnh. Do chủ quan nên mẹ không mang theo mũ, áo giữ ấm cho bé.

Sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện cháu bị méo miệng khi cười hoặc khóc. Khi trẻ ăn cháo, uống sữa thì nước cháo, sữa chảy bên mép miệng bên trái, khi ngủ mắt bên trái của trẻ nhắm không kín.

Thấy con khó chịu, quấy khóc hơn mọi ngày nên gia đình đã đưa con đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên và chuyển vào điều trị tại Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng. Bệnh nhi được điều trị liệt dây thần kinh số VII kết hợp bằng các phương pháp châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, hồng ngoại…

Sau 3 tuần điều trị, trẻ tiến triển tốt, ăn uống tốt, mặt được cải thiện nhiều, ăn uống không rơi, mắt nhắm kín, miệng hết lệch, các hoạt động bình thường và đã được xuất viện.

Bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh có con nhỏ, vào mùa thu đông cần chú ý để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7 cần giữ ấm đầu, mặt, cổ cho trẻ.

Khi trời rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt trẻ. Vào buổi tối hoặc ban đêm, không nên để trẻ ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa. Khi trời lạnh, nên hạn chế cho trẻ nhỏ ra ngoài vào buổi tối, nếu ra ngoài cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.

Khi cho trẻ đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.

Khi tắm cho trẻ cần chú ý: Nên tắm cho trẻ sớm, tắm, rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm. Khi giao mùa, nhiệt độ sẽ có sự chênh lệch trong ngày, hoặc giữa các ngày với nhau. Do đó, cha mẹ cần chọn đúng thời điểm để tắm cho trẻ.

Cha mẹ có thể chọn tắm cho trẻ vào một trong hai khoảng thời gian 9h30-10h30 hoặc từ 13h-16h. Đối với trẻ lớn hơn, buổi sáng bố mẹ thường bận bịu và các bé chuẩn bị đi học nên thường tắm buổi chiều sau khi đi học về nhưng cũng không muộn sau 18h.

Cha mẹ tuyệt đối không nên tắm cho trẻ vào buổi trưa khoảng 11h-13h, hay vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì có thể làm trẻ dễ bị cảm lạnh, ốm sốt…

Đồng thời chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2-3 phút (với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu).

Những người có nguy cơ cao bị bệnh liệt dây thần kinh số 7 là: Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu, phụ nữ có thai, người thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya, người hay uống rượu bia, người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp, người hay phải đi sớm về khuya…

Người trẻ cần chú ý với các dấu hiệu đột quỵ
Nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi, công việc, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng có thể phòng tránh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư