Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 29/4: Bộ Y tế hướng dẫn người dân bảo đảm an toàn khi tham dự sự kiện diễu binh
D.Ngân - 29/04/2025 10:03
 
Bộ Y tế vừa có thông báo hướng dẫn người dân tham dự sự kiện diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Bộ Y tế hướng dẫn người dân bảo đảm an toàn tham dự sự kiện diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), một sự kiện diễu binh trọng đại sẽ được tổ chức với quy mô lớn, quy tụ đông đảo lực lượng vũ trang và người dân tham gia. Để đảm bảo an toàn, trật tự và giúp người dân có trải nghiệm tốt đẹp trong sự kiện trọng đại này, Ban Tổ chức khuyến nghị người dân cần tuân thủ một số hướng dẫn sau.

An toàn của mỗi người dân là ưu tiên hàng đầu của Ban Tổ chức.

Trước khi đến khu vực diễn ra lễ diễu binh, người dân nên lựa chọn trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với thời tiết và hoàn cảnh. Giày thể thao hoặc dép có quai hậu là lựa chọn tốt nhất, giúp dễ dàng di chuyển và tránh trơn trượt; không nên mang giày cao gót hoặc dép lê để phòng các tình huống va chạm hoặc chen lấn.

Nên chuẩn bị đầy đủ nước uống, một ít đồ ăn nhẹ hoặc sữa để đảm bảo sức khỏe trong quá trình chờ đợi và theo dõi sự kiện. Đồng thời, cần mang theo các vật dụng cần thiết để chống nắng hoặc mưa như ô nhỏ, áo mưa, mũ rộng vành, tuy nhiên nên ưu tiên đồ gọn nhẹ, dễ thu gọn.

Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp hoặc sức khỏe yếu nên cân nhắc kỹ trước khi tham gia sự kiện đông người nhằm tránh rủi ro không đáng có.

Trong suốt thời gian tham dự, người dân được khuyến cáo giữ trật tự, không chen lấn, xô đẩy hay có hành vi quá khích như la hét, tranh cãi. Tinh thần đoàn kết, văn minh và tôn trọng lẫn nhau sẽ góp phần tạo nên một buổi lễ trang nghiêm và an toàn.

Trong trường hợp có tình huống khẩn cấp xảy ra, người dân tuyệt đối không hoang mang, không chạy tán loạn hoặc tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng. Hãy bình tĩnh lắng nghe các thông báo từ Ban Tổ chức và tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng chức năng.

Quan sát các lối thoát hiểm gần nhất và rời khỏi khu vực nguy hiểm một cách nhanh chóng nhưng trật tự, đi theo dòng người, không cố chen ngược chiều để tránh va chạm. Việc giữ bình tĩnh và phối hợp với lực lượng an ninh trong lúc này là điều hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng xung quanh.

Trong tình huống không may bị cuốn vào đám đông dày đặc, người dân cần giữ tay trước ngực để bảo vệ vùng ngực và phổi, giúp tránh nguy cơ ngạt thở. Di chuyển theo dòng người bằng các bước ngắn, ổn định, tuyệt đối không dừng lại giữa dòng.

Nếu bị vấp ngã, hãy nhanh chóng dùng tay bảo vệ đầu, gập người lại để che chắn các bộ phận quan trọng và chờ thời cơ đứng dậy khi có khoảng trống. Quan trọng nhất là giữ sự tỉnh táo, tránh hoảng loạn, bởi bình tĩnh chính là chìa khóa giúp vượt qua các tình huống nguy hiểm một cách an toàn.

An toàn của mỗi người dân là ưu tiên hàng đầu của Ban Tổ chức. Vì vậy, nếu cảm thấy tình hình xung quanh không đảm bảo hoặc bản thân không đủ sức khỏe, người dân nên chủ động rời khỏi khu vực đông người một cách trật tự và an toàn.

Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một không khí lễ hội trang nghiêm, văn minh, và lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu nước nhân dịp trọng đại của dân tộc. Chúc quý vị tham dự sự kiện an toàn, mạnh khỏe và có những trải nghiệm đáng nhớ trong ngày lễ lịch sử 30/4.

TP.HCM tăng cường lực lượng y tế, sẵn sàng phục vụ lễ kỷ niệm 30/4

Trong bối cảnh TP.HCM đang gấp rút hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), ngành Y tế thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường lực lượng và phương tiện để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các hoạt động diễn ra trong dịp lễ trọng đại này.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM ngày 28/4, thành phố đã huy động tổng lực các nguồn lực y tế, trong đó có 20 xe cấp cứu hai bánh, 64 xe cứu thương thuộc mạng lưới cấp cứu ngoại viện cùng 146 điểm sơ cứu do Hội Chữ thập đỏ phụ trách. Tất cả đều được bố trí ứng trực, sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống cấp cứu tại cộng đồng.

Không chỉ huy động lực lượng trong địa bàn, ngành Y tế thành phố còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo, đoàn đại biểu, lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành, du khách và người dân tham dự các sự kiện. Song song với đó, kế hoạch cấp cứu ngoại viện đã được xây dựng và kích hoạt, nhằm ứng phó kịp thời trước mọi tình huống có thể xảy ra.

Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố phối hợp cùng Cục Quân y, Cục Y tế và các bệnh viện thuộc các bộ, ngành tổ chức phân công lực lượng cấp cứu theo ba lớp: tại chỗ (khu vực khán đài), vùng đệm và tuyến dự phòng. Đặc biệt, các tuyến di chuyển cấp cứu đã được thiết kế phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông, đảm bảo đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nhanh chóng và an toàn.

Bên cạnh công tác cấp cứu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian diễn ra chuỗi hoạt động kỷ niệm.

Ngành Y tế phối hợp với Sở An toàn thực phẩm kiểm tra nghiêm ngặt điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, địa điểm tổ chức hội nghị, lễ hội, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về vệ sinh cá nhân và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Tại các điểm tổ chức diễu binh, diễu hành, các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn đã bố trí lực lượng y tế theo sơ đồ phân công, bổ sung đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế, nhân sự sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Đồng thời, các đội cấp cứu ngoại viện được củng cố về nhân lực để có thể ứng cứu nhanh khi có yêu cầu.

Dù buổi tổng duyệt chương trình kỷ niệm đã diễn ra suôn sẻ, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM vẫn đưa ra những khuyến cáo quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân khi tham gia lễ chính thức.

Người dân nên nghỉ ngơi đầy đủ, mặc trang phục phù hợp, sử dụng kem chống nắng, mang theo nước uống, thuốc cá nhân và tránh tiếp xúc lâu dưới trời nắng.

Ngoài ra, cần lưu ý lựa chọn thực phẩm an toàn và hạn chế tiêu thụ đồ ăn không rõ nguồn gốc bày bán trên vỉa hè. Trong trường hợp cảm thấy mệt, người dân nên báo ngay cho lực lượng chức năng và tuyệt đối giữ bình tĩnh, làm theo hướng dẫn để được hỗ trợ kịp thời.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngành y tế cùng tinh thần trách nhiệm cao, TP.HCM sẵn sàng đảm bảo công tác y tế toàn diện, góp phần vào thành công chung của lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước.

Gần 82.000 ca nghi mắc sởi, Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin đợt 3

Theo báo cáo từ Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 3.942 trường hợp nghi mắc sởi, giảm 4,3% so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, đã có 81.691 trường hợp nghi mắc sởi được ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dù số ca mắc trong tuần đã giảm 30% so với thời điểm đỉnh dịch, nhưng Bộ Y tế nhận định tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Dịch sởi có xu hướng tăng từ sau Tết Nguyên đán (tuần thứ 9 của năm 2025), chững lại ở tuần 14 và bắt đầu giảm từ tuần 15 đến 17. Hầu hết các tỉnh có số ca mắc gia tăng tập trung ở khu vực phía Bắc, trong khi các khu vực còn lại đã ổn định hoặc mức tăng không rõ rệt.

Một điểm đáng lưu ý là sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh: Nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi vốn chiếm tỷ lệ cao đã giảm nhẹ, trong khi số ca mắc ở nhóm trên 10 tuổi có dấu hiệu tăng lên. Điều này được cho là có liên quan đến việc một bộ phận người dân chưa tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng.

Tính đến nay, 54/54 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc tiêm chủng cho 777.451 trong tổng số 806.267 đối tượng thuộc diện tiêm chủng, đạt tỷ lệ 96,4%. Trong đó, 52 địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%, 2 địa phương còn lại đạt từ 90% đến dưới 95%. Đây là kết quả của các chiến dịch tiêm vắc-xin đợt 1 và 2 trong năm nay.

Để tiếp tục ứng phó với diễn biến dịch bệnh, ngày 21/4/2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi đợt 3.

Theo kế hoạch, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân bổ 451.700 liều vắc-xin đợt đầu đến các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để cấp phát cho các tỉnh, thành phố.

Hiện các địa phương đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường khám, điều trị, phân luồng bệnh nhân, kiểm soát lây nhiễm và báo cáo đầy đủ các ca mắc bệnh.

Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần giảm tốc độ lây lan dịch bệnh, nhưng Bộ Y tế vẫn lo ngại về tâm lý e ngại tiêm vắc-xin của một bộ phận người dân, cũng như sự thiếu hụt nhân lực y tế ở cơ sở những yếu tố có thể cản trở tiến độ tiêm chủng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã gửi văn bản yêu cầu các địa phương đẩy mạnh truyền thông, phối hợp với hệ thống báo chí và truyền thanh cơ sở để cập nhật tình hình dịch bệnh và tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vắc-xin.

Theo chỉ đạo, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi đợt 3 phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 30/4/2025 và mũi 2 trước ngày 15/5/2025.

Đối tượng tiêm là trẻ từ đủ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi tại vùng nguy cơ, vùng có dịch nhưng chưa được tiêm trong các chiến dịch trước; trẻ từ 11 đến 15 tuổi tại các xã, phường có nguy cơ cao, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi, chưa rõ tiền sử tiêm chủng hoặc mắc bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin sởi an toàn và hiệu quả ngay cả với trẻ dưới 9 tháng tuổi trong bối cảnh có dịch. WHO cũng khuyến cáo nên tiêm bổ sung 1 mũi vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại vùng có nguy cơ cao, sau đó tiếp tục tiêm đủ 2 mũi theo lịch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Thực tế cho thấy, phần lớn các ca mắc trong thời gian gần đây đều là những trường hợp chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa được tiêm đủ mũi. Đây là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc bảo vệ cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa – thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát.

Bộ Y tế kêu gọi các bậc phụ huynh, người dân hãy chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để cùng chung tay đẩy lùi bệnh sởi, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư